Covid-19: Trung Quốc lo đợt bùng phát mới, Anh phong tỏa toàn quốc

Nhà dịch tễ học Lý Lan Quyên, người đứng đầu Phòng thí nghiệm chính của nhà nước về Chẩn đoán và Điều trị các bệnh truyền nhiễm, cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt đợt bùng phát thứ hai do số lượng ca nhiễm Covid-19 nhập khẩu ngày càng tăng.

Giáo sư Lý "rất lo lắng số ca bệnh Covid-19 "nhập khẩu" có thể gây ra một dịch bệnh quy mô lớn khác", đặt ra câu hỏi liệu mọi nỗ lực có thể bảo vệ và ngăn chặn một đợt dịch bệnh khác xảy ra hay không.

Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàng Châu là những nơi đáng lo trong thời gian tới vì có nhiều người từ nước ngoài trở về quê hương, cũng như đi du lịch nước ngoài. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi các quan chức y tế báo cáo trường hợp đầu tiên về một người trong nước được cho là mắc Covid-19 từ một người trở về từ nước ngoài.

Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàn Châu là những nơi đáng lo trong thời gian tới. Ảnh: REUTERS

Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàn Châu là những nơi đáng lo trong thời gian tới. Ảnh: REUTERS

Các bác sĩ tại TP Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đã chẩn đoán một người nhiễm Covid-19 sau khi tiếp xúc gần gũi với một người trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là người đàn ông 54 tuổi, cảm thấy đau cơ và mệt rã rời vào ngày 17-3. Đến ngày 20-3, người này sốt nhẹ và nhập viện, nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày hôm sau.

Bệnh nhân 54 tuổi nói trên liên hệ thân thiết với bệnh nhận họ Lâm (34 tuổi) từng đến Istanbul từ ngày 22-1 đến ngày 8-3 trong một chuyến công tác. Cô này quay trở lại Quảng Châu vào ngày 9-3 sau khi quá cảnh tại Bangkok – Thái Lan. Cô không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào khi nhập cảnh và phần lớn thời gian sau đó ở nhà.

Một người đeo khẩu trang ngồi ở cửa hiệu thuốc Đông y ở Quảng Châu. Ảnh: EPA

Một người đeo khẩu trang ngồi ở cửa hiệu thuốc Đông y ở Quảng Châu. Ảnh: EPA

Giáo sư Lý nói với China News hôm 23-3 rằng việc kiểm soát và phòng ngừa các trường hợp Covid-19 "nhập khẩu" là một nhiệm vụ "khó khăn" đối với nhân viên y tế. "Điều này đòi hỏi chúng tôi phải tiếp tục tăng cường nỗ lực và làm việc không ngừng để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan ở các thành phố khác" – bà Lý nói.

Bà Lý cho biết thêm rằng "nhiệm vụ đẩy lùi Covid-19 ở TP Vũ Hán chưa hoàn thành, vẫn còn nhiều bệnh nhân nguy kịch. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng tình hình hiện tại ở Trung Quốc rất khó khăn".

Bà Lý yêu cầu các quan chức xác định những người có nguy cơ lây nhiễm nhưng chưa được chẩn đoán chính thức. Nhà dịch tễ học cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tái bùng phát dịch.

Trong ngày 23-3, Trung Quốc ghi nhận 78 ca nhiễm mới, trong dó có 74 ca từ nước ngoài tới. Riêng tại Vũ Hán, có một ca nhiễm mới sau 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mới.

Thủ tướng Boris Johnson ngày 23-3 thông báo tiến hành phong tỏa nước Anh. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Boris Johnson ngày 23-3 thông báo tiến hành phong tỏa nước Anh. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó tại Anh, người dân sẽ phải ở lại trong nhà và chỉ được ra ngoài vì một số lý do chính đáng sau khi chính phủ ra lệnh phong tỏa toàn bộ, được áp dụng trong ít nhất 3 tuần.

Như vậy, 66 triệu dân Anh sẽ nằm trong tình trạng phong tỏa kể từ tối 23-3 (giờ địa phương) sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn Covid-19 "vào thời khắc diễn ra tình trạng khẩn cấp quốc gia này". "Không thủ tướng nào muốn công bố biện pháp này nhưng tôi biết cách phong tỏa này đang và sẽ cứu sinh mạng" – ông Boris Johnson nhấn mạnh.

Ngoài việc ngăn tất cả việc đi lại không cần thiết của người dân trong ít nhất 3 tuần, cảnh sát sẽ giải tán các cuộc tụ tập và có quyền phạt những cá nhân không tuân thủ quy định mới. Chính phủ Anh cũng sẽ đóng tất cả cửa hàng bán các hàng hóa không phải nhu yếu phẩm, gồm cả cửa hàng quần áo, và các thư viện, nhà thờ, sân thể thao...

Người dân sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà với những lý do: mua nhu yếu phẩm, tập thể dục (chẳng hạn chạy bộ và đạp xe), nhu cầu y tế và đi làm (nhưng chỉ trong trường hợp họ không thể làm việc từ nhà).

Một biển báo kêu gọi trở về nhà trên trục đường hướng về phía Scarborough, Bắc Yorkshire. Ảnh: PA

Một biển báo kêu gọi trở về nhà trên trục đường hướng về phía Scarborough, Bắc Yorkshire. Ảnh: PA

Một người phụ nữ khẩu trang ở tàu điện ngầm London. Ảnh: REX

Một người phụ nữ khẩu trang ở tàu điện ngầm London. Ảnh: REX

Những biện pháp mới này được cho là chưa từng có trong thời bình ở Anh. Trước đó, Thủ tướng Johnson từng phản đối áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ đất nước bất chấp nhiều nước châu Âu khác đã thực hiện. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã thay đổi quyết định trong ngày 23-3 khi các diễn biến hiện tại cho thấy hệ thống y tế ở Anh quá tải.

Chính phủ Anh ngày 23-3 công bố có thêm 54 ca tử vong trong 24 giờ nâng tổng số người chết ở nước này lên 335. Số ca nhiễm ở nước này cũng tăng lên 6.650 so với 5.683 một ngày trước đó.

H.Bình (Theo Daily Mail, SCMP)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-trung-quoc-lo-dot-bung-phat-moi-anh-phong-toa-toan-quoc-20200324075657345.htm