Covid 'ăn' Tết

(SGTT) – Những cái chợ gần những xóm lao động lại nhộn nhịp sau những ngày giãn cách xã hội, lại là những mẩu hội thoại quen thuộc về Covid, về vắc-xin. Giữa cái tiết trời miền Nam bắt đầu se lạnh, những mẫu hội thoại ấy cũng bắt đầu vang lên những từ “Tết”, “ăn Tết”, “Tết Nhâm Dần” – cái Tết kém vui hơn mọi năm.

Bình Dương, TPHCM là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng dịch Covid lần thứ 4. Đây là những địa phương có nhiều người dân nhập cư mưu sinh. Bước vào cuộc sống “bình thường mới”, đón Tết – điều “bình thường cũ” đã trở thành một thứ xa xỉ với không ít người. Đối với họ, những ngày Tết, những ngày mà chẳng ai quên lại khó quên hơn nữa khi Tết của họ đã bị Covid “ăn” mất.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Âm lịch.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Âm lịch.

Cái Tết quê xa hơn bao giờ hết

Đón Tết xa quê là câu chuyện năm nào cũng có người nhắc nhưng có lẽ năm nay cái Tết xa ấy lại phổ biến hơn bao giờ hết khi nhiều miền quê vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp chống dịch. Tại các thành phố lớn, nỗi lo về tiền bạc cũng là thứ đang níu chân nhiều người con tha hương.

Khác với những người đổ xô về quê sau khi hết giãn cách, phần lớn gia đình công nhân chọn tiếp tục gắn bó nơi đất khách quê người, tiếp tục mưu sinh. Đường về nhà đón Tết năm nay là quá xa với họ khi nhà máy đóng cửa nhiều tháng liền trong đợt giãn cách trong khi kinh tế gia đình vốn đã thiếu trước hụt sau.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng trĩu trên vai những người con xa quê. “Năm nay chắc không về quê, ăn Tết ở Bình Dương một lần cho biết. Ở quê không có gì làm mới phải lên đây, còn dịch vầy nữa năm nay tiền đâu mà về. Chắc năm sau rồi về luôn”, Chị N.T.L., (34 tuổi), trọ tại Thuận An, Bình Dương cho hay.

Cái Tết 2022 đối với những gia đình như gia đình chị L., có lẽ là một cái Tết buồn. Đối với mỗi người con Việt, ngày Tết là những ngày không thể quên. Và Tết năm nay lại đáng nhớ nhất, chẳng phải bởi những điều tốt đẹp mà bởi lẽ “ăn Tết” đối với họ chỉ vỏn vẹn là việc nghĩ về quê hương, nghĩ về gia đình và nghĩ về cái không khí đầm ấm đêm 30 Tết.

Để dành cái Tết cho năm sau

Đối với một số người, thứ níu chân họ không chỉ là vấn đề cơm áo mà vấn đề chống dịch quê hương cũng làm họ trở nên e dè khi muốn đón cái Tết bên gia đình. “Ở quê mình bây giờ dịch đang bắt đầu bùng, người trong này về phải cách ly 14 ngày và nếu về quê ăn Tết chỉ được nghỉ 1 tuần có nghĩa chưa cách ly xong mình đã tới lúc phải đi làm”, Nguyễn Thị Dinh tâm sự về những khó khăn khi về quê ăn Tết của một phóng viên.

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất số ngày nghỉ là 9 đối với Tết 2022. Đối với những lao động đến từ các tỉnh phía Bắc thì việc về quê ăn Tết là bất khả thi vì một số địa phương vẫn phải áp dụng cách ly y tế. Mặc nhiên, số ngày cách ly y tế tối thiểu cũng đã chiếm gần hết cái Tết.

Về là một chuyện, quay lại làm việc được hay không là một chuyện khác. 2 năm gần đây, cứ mỗi một cái Tết đi qua là mỗi một lần giãn cách xã hội. Đặc biệt đối với một năm quá nhiều biến động vì dịch bệnh, thì việc lo lắng không thể trở lại làm việc sau Tết do các phương án kiểm soát dịch bệnh là hoàn toàn có cơ sở.

Tú Uyên (23 tuổi), là một sinh viên mới ra trường, hiện đang là Ủy viên Thành đoàn Thuận An, Bình Dương. Cũng như nhiều người trẻ khác, cô chọn “để dành” Tết cho năm sau: “Năm nào gia đình mình cũng về quê ăn Tết với ông bà, nhưng năm nay với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 mình nghĩ mình sẽ ở lại Bình Dương đón Tết. Là thanh niên với tinh thần xung kích, bản thân mình muốn hỗ trợ các công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn nhất là vào dịp Tết năm nay, năm sau ăn Tết cũng được”.

Tú Uyên hiện là Ủy Viên Thành đoàn Thuận An, Bình Dương.

Tú Uyên hiện là Ủy Viên Thành đoàn Thuận An, Bình Dương.

Covid “ăn” mất cái Tết

Nhiều người còn nhớ cách đây không lâu, cả đất nước đã cùng nhau tưởng niệm hơn 2,3 vạn đồng bào tử vong vì Covid. Vậy Tết năm nay còn lại gì đối với những người mà gia đình họ mãi chẳng còn trọn vẹn vì đại dịch oái ăm. Tết còn đâu với những gia đình mất mát khi họ được sinh ra trên một đất nước mà Tết được định nghĩa bởi sự đoàn viên.

Vốn có một gia đình đầy đủ, sau đợt dịch lần thứ tư, gia đình chị L.T.Y., (24 tuổi) đã có những thay đổi lớn. Chị Y., và anh ruột rời Huế đến Bình Dương để lập nghiệp. Tháng 7-2021, tình hình dịch bệnh tại Bình Dương diễn biến phức tạp, anh ruột chị Y., không may nhiễm bệnh.

Đang trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Y., đang phải làm việc “3 tại chỗ” tại công ty, dù đã cố liên lạc và tìm sự hỗ trợ nhưng anh chị vẫn không được đưa đi điều trị. Sau đó, vì bệnh trở nặng nên anh đã không qua khỏi. Vậy là năm nay Tết không đến trọn vẹn với gia đình chị.

Chị Y., kể: “Năm ngoái ba mẹ tôi chuyển về quê ở, cả nhà cũng về quê ăn Tết với ba mẹ trừ tôi do dịch nên không thể về, đó cũng là điều làm tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời này vì chị không hề biết đó là cái Tết cuối cùng cả nhà đông đủ. Tết năm nay đã không còn sự hiện diện của anh cả của tôi, anh đã ra đi mãi mãi vì Covid”.

Chúng ta không khỏi xót xa khi tại Bình Dương, tính đến 4-11, đã có hơn 150 trẻ em mồ côi. “Lúc đó, con không biết mẹ con được đưa đi đâu vì con cũng phải cách ly điều trị ở một khu riêng. Sau này, con được điều trị khỏi, không thấy mẹ trở về con mới biết mẹ đã mất. Con không biết mẹ mất khi nào”- chia sẻ đầy xúc động của em Hồ Hiểu Lợi (12 tuổi). Lợi cùng với mẹ của mình sống nương nhờ ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (Bình Dương). Trong đợt dịch bùng phát tại Bình Dương, mẹ của em đã nhiễm bệnh và tử vong dù đã được điều trị.

Có lẽ đây sẽ là một cái Tết thật lạnh, một cái Tết chẳng phải để ăn, để chơi như điều mà đáng ra cái những đứa trẻ này phải được làm. Tết này, hẳn sẽ có vài đứa trẻ chẳng được ai dạy cắm hoa, xếp quả, chẳng ai ép chúng lau dọn từng ngóc ngách trong nhà – điều mà chúng từng lo sợ. Tết 2022, việc nhà duy nhất hẳn là ngồi và nhớ lại những đêm 30 quây quần bên cha mẹ, những ngày đầu năm mà chúng chẳng thể quay lại.

Nỗi đau vẫn còn đó với chị Huỳnh Thị Diễm Thúy (41 tuổi, ngụ ở Nhà Bè, TPHCM). Một mình lo hậu sự cho chồng, mẹ, anh ruột và chị dâu mất vì Covid chắc chắn sẽ để lại một nỗi ám ảnh sâu sắc trong tâm trí người phụ nữ 2 con này.

2 đứa trẻ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi, chị trở thành trụ cột trong gia đình trong lúc bản thân còn chưa thể vững vàng. Còn vô số những câu chuyện đau lòng khác là hậu quả của đại dịch. Thật khó mà hình dung phải mất thêm bao nhiêu năm thì cái không khí Tết mới thực sự quay về bên những gia đình ấy.

Chị Huỳnh Thị Diễm Thúy cùng 2 con.

Chị Huỳnh Thị Diễm Thúy cùng 2 con.

Tết năm 2019, có người đùa trên mạng xã hội rằng đó là “Tết Covid lần thứ nhất” khi học sinh được nghỉ đến tận “mùng 100”. Tết năm 2020 vẫn có người gọi là “Tết Covid lần thứ hai” đến nổi nhiều người còn quên quan tâm con giáp của năm đó.

Tết 2022, tôi xin được gọi lại là Tết Nhâm Dần để hưởng ứng cái không khí “bình thường mới” – Bình thường nhưng mới ở chỗ năm nay có ít người ăn Tết hơn, mới ở chỗ có người chẳng ăn Tết mà Covid thì “ăn Tết”, ăn mất cái Tết của hàng vàn người còn ở lại lẫn hàng vạn người đã ra đi.

Thái Sang

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/covid-an-tet/