CSGDĐH mong mỏi kéo dài thời gian làm việc của GS, PGS như dự thảo Luật Nhà giáo

Theo lãnh đạo các trường đại học, việc kéo dài thời gian làm việc khi nghỉ hưu của nhà giáo như dự thảo Luật Nhà giáo là hoàn toàn hợp lý.

Ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo dự thảo, nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Trong đó, thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư. Trong khi quy định hiện hành quy định thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với cả tiến sĩ, phó giáo sư giáo sư.

Phù hợp với thực tiễn giáo dục tại Việt Nam hiện nay

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về điểm mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minhcho biết: Vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Trong bối cảnh tinh giản biên chế, các trường khối đơn vị sự nghiệp công lập phải chấm dứt các hợp đồng chuyên môn, giảm số lượng người làm việc.

Trước đó, tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học có nội dung về việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo đó: “Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có học vị là tiến sĩ là không quá 5 năm, có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm”.

Tuy nhiên, theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP được ban hành vào ngày 2/8/2022 Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thì giảng viên trình độ tiến sĩ nhưng không phải giảng viên cao cấp sẽ không được kéo dài thời gian làm việc; giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm.

Theo đánh giá của thầy Nhân, Nghị định 50/2022/NĐ-CP đã làm phát sinh các tình huống, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nhân sự, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học.

Ghi nhận từ thực tế, có nhiều giảng viên học hàm phó giáo sư, giáo sư đang triển khai thủ tục kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP thì phải dừng lại, chờ về hưu theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng giảng viên có trình độ cao rất khiêm tốn, hầu hết giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư đều đã cao tuổi. Giảng viên trình độ tiến sĩ cũng khó đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư do các quy định về bài báo quốc tế hay các chuẩn khác cao hơn trước đây.

Do đó, thầy Nhân lo ngại rằng nếu vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 50 thì trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật sẽ không còn giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Thậm chí, số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ cũng khó có thể đảm bảo.

“Chỉ tính riêng tháng 10/2022, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã có 4 giảng viên trình độ tiến sĩ nghỉ việc. Tính cả năm 2022 thì có hơn 10 viên chức cả nghỉ việc và nghỉ hưu.

Với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, số lượng giảng viên có học hàm, học vị cao còn khiêm tốn, chưa kể áp lực cạnh tranh với các cơ sở ngoài công lập về mức đãi ngộ càng khiến cho công tác tuyển dụng tại trường thêm nhiều khó khăn.

Do đó, quy định chi tiết về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo theo dự thảo Luật Nhà giáo là sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cả giảng viên và cơ sở giáo dục đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng, việc quy định kéo dài thời gian làm việc khi nghỉ hưu theo dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn đáp ứng mong mỏi, nhu cầu được làm việc và cống hiến cho giáo dục của đội ngũ giảng viên.

Đối với lĩnh vực sức khỏe, người học phải học tập, nghiên cứu trong 6 năm mới đạt điều kiện trở thành bác sĩ đa khoa, muốn lên bác sĩ chuyên khoa thì phải tiếp tục học thêm 3 năm nữa.

Chưa kể muốn được làm việc trong lĩnh vực sức khỏe thì phải có giấy phép hành nghề, trong khi đó thời gian làm thủ tục để có được giấy phép phải mất khoảng 1 năm. Như vậy, riêng việc trở thành bác sĩ chuyên khoa thì đã mất 10 năm học tập, nghiên cứu.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, thực tế có nhiều trường hợp giảng viên học xong tiến sĩ nhưng vì đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nên không thể tiếp tục sự nghiệp dạy học. Điều này vừa lãng phí vừa thiệt thòi cho nhà giáo khi tri thức, chất xám chưa được tận dụng triệt để.

Trong bối cảnh hiện nay khi có nhiều cơ sở giáo dục mới được thành lập thì việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học thêm cơ hội được đội ngũ này hỗ trợ về mặt chuyên môn, nâng cao năng lực đào tạo của đơn vị.

 Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, Hiệu trưởng Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường

Tạo điều kiện cho nhà giáo tiếp tục được cống hiến để tránh lãng phí chất xám

Cùng góp ý cho dự thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, việc quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo như dự thảo hiện nay là hoàn toàn hợp lý và là điều nên làm đối với hệ thống giáo dục quốc dân.

Với lĩnh vực giáo dục đại học, lực lượng giảng viên, nhà khoa học lớn tuổi là những người đã trải qua quá trình đào tạo bài bản. Đội ngũ này không chỉ sở hữu kiến thức chuyên môn sâu rộng, có thời gian tham gia giảng dạy, đào tạo trong môi trường học thuật chuyên nghiệp cũng như có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Khác với các lĩnh vực đòi hỏi lao động chân tay, giáo dục là một lĩnh vực đòi hỏi lao động trí óc nên xét về độ tuổi, nhà giáo dù đến tuổi nghỉ hưu vẫn đủ trí - lực để làm việc và cống hiến.

Trên thực tế, nhiều nhà giáo làm việc không chỉ vì mưu sinh mà xuất phát từ bởi “lòng yêu nghề”. Do đó, việc quy định về điều kiện kéo dài thời gian làm việc sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu, tạo điều kiện cho các thầy cô tiếp tục được cống hiến.

Ghi nhận thực tế, thầy Sơn cho biết quá trình phấn đấu, xây dựng sự nghiệp của đội ngũ giảng viên để đạt được chức danh phó giáo sư, giáo sư là điều không hề dễ làm. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Theo đó, có nhiều trường hợp nhà giáo ngoài 50 tuổi mới đạt được học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nếu tính từ độ tuổi nhà giáo đạt được học hàm, học vị cho đến độ tuổi nghỉ hưu như quy định thì thời gian còn lại cho nhà giáo để cống hiến sẽ không nhiều. Như vậy sẽ gây ra tình trạng lãng phí chất xám khi chưa tận dụng triệt để trí tuệ của đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

Trong khi đó, theo quan điểm của Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Nho, đội ngũ giảng viên có trình độ cao là “tài nguyên” quý giá của các cơ sở giáo dục đại học khi có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có thể hỗ trợ nhiều hoạt động cho nhà trường.

Thầy Nho cho hay, với hoạt động đào tạo sau đại học có yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên phải có học vị tiến sĩ trở lên. Như vậy, theo quy định thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư thì các cơ sở giáo dục đại học có thể trọng dụng đội ngũ này cho công tác đào tạo các trình độ sau đại học.

Đối với lĩnh vực sức khỏe, các giảng viên đến tuổi nghỉ hưu đều là những bác sĩ chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thực tiễn nên sẽ có nhiều kỹ năng mà người trẻ chưa có cơ hội trải nghiệm.

“Chúng ta luôn e ngại việc kéo dài thời gian làm việc của đội ngũ giảng viên khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo vì lý do sức khỏe.

Trên thực tế, việc nhà giáo có tiếp tục thực hiện công tác giảng dạy khi đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định sẽ còn phụ thuộc vào thỏa thuận, đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ sở giáo dục đại học cũng như sự tự nguyện, mong muốn của nhà giáo.

Việc quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo theo dự thảo Luật Nhà giáo sẽ tạo điều kiện phát huy lợi thế, tiềm năng của các giảng viên lớn tuổi. Đây sẽ là một chính sách trọng dụng thiết thực, cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở giáo dục khi có thể tiếp tục tận dụng lực lượng lao động tri thức để nâng cao chất lượng đào tạo cho đơn vị.

Đối với Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng, chúng tôi vẫn luôn tích cực xây dựng các “Đề án chuyên gia hỗ trợ” để mời các giảng viên đã nghỉ hưu về trường làm cố vấn, thỉnh giảng cho một số học phần, hoạt động tại trường.

Đây không phải là cách hay nhưng là cách tốt nhất trong bối cảnh hiện nay mà nhà trường có thể áp dụng để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên trình độ cao. Từ đó vừa đảm bảo chất lượng đào tạo của trường, vừa có thể hỗ trợ tốt nhất cho người học trong các hoạt động yêu cầu tính chuyên môn cao”, thầy Nho chia sẻ.

 Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng tích cực mời giảng viên đã nghỉ hưu về trường làm cố vấn, thỉnh giảng. Ảnh minh họa: website nhà trường

Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng tích cực mời giảng viên đã nghỉ hưu về trường làm cố vấn, thỉnh giảng. Ảnh minh họa: website nhà trường

Tương tự tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường cũng đang tích cực xây dựng nhiều chính sách khuyến khích để giữ chân cũng như động viên các giảng viên tham gia học tập, nghiên cứu ở trình độ cao hơn.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho biết, hiện nay nhà trường đang tạo mọi điều kiện để giảng viên nghiên cứu khoa học. Theo đó, kinh phí trường đầu tư cho 1 đề tài là 50 triệu đồng. Với các bài báo khoa học quốc tế mức đầu tư dao động từ 20 - 50 triệu đồng.

Ngoài ra, giảng viên học nghiên cứu sinh sẽ được nhà trường chi trả toàn bộ học phí bao gồm ăn ở, đi lại. Khi có quyết định công nhận học vị tiến sĩ, nhà trường sẽ trao tiền thưởng gấp 20 lần lương tối thiểu.

Đối với giảng viên đã đạt học vị tiến sĩ, nhà trường khuyến khích thầy cô đăng ký làm phó giáo sư, giáo sư. Ngoài việc được trường chi trả toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở, các khoản phí đóng xét hồ sơ…phó giáo sư sẽ được trao tiền thưởng bằng 30 lần mức lương tối thiểu. Đối với giáo sư tiền thưởng sẽ bằng 40 lần mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, hàng tháng, nhà trường sẽ chi trả tăng thêm cho giảng viên trình độ tiến sĩ là 1 triệu đồng, phó giáo sư là 1,5 triệu đồng và giáo sư là 2 triệu đồng ngoài lương.

“Để có thể tiếp tục trọng dụng trí tuệ của đội ngũ giảng viên lớn tuổi, trường cũng đã mời các thầy, cô đang làm công tác quản lý ở các sở văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thông, thư viện… để làm giảng viên thỉnh giảng tại trường.

Sắp tới nếu được thực hiện theo nội dung tại dự thảo Luật Nhà giáo khi giảng viên được kéo dài thêm thời gian làm việc, trường sẽ mời đội ngũ này về công tác tại trường để hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên trẻ cũng như nâng cao chất lượng đào tạo tại trường ngày một tốt hơn”, thầy Lâm Nhân thông tin.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/csgddh-mong-moi-keo-dai-thoi-gian-lam-viec-cua-gs-pgs-nhu-du-thao-luat-nha-giao-post246844.gd