'Cú hích' bảo tồn, truyền nối tinh hoa dân tộc

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều chính sách mới với người thực hành di sản được kỳ vọng là cú hích bảo tồn, truyền nối tinh hoa dân tộc. Thông qua sự ghi nhận, tôn vinh, hỗ trợ tài chính không những tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, phát huy vốn quý mà còn thúc đẩy phát triển bền vững văn hóa dân tộc.

Bảo vệ và tái sáng tạo

Là nghệ nhân bậc thầy mà không tìm ra học trò để truyền dạy thì cũng giống như cổ thụ chết khô, mục ruỗng, vô ích. Sứ mệnh cao cả của một ông thầy là phải truyền lại tinh hoa truyền thống của ông cha cho giới trẻ… Dẫn lời cố nhạc sư Vinh Bảo, TS. Trần Đoàn Lâm kể lại quãng thời gian gần chục năm làm Chủ tịch Quỹ Đan Mạch - Việt Nam Phát triển văn hóa vùng và dân tộc ít người đã chứng kiến hành trình truyền nghề của các nghệ nhân diễn xướng nghệ thuật truyền thống. Cả thầy lẫn trò cùng nhau “cơm nắm muối vừng” miệt mài cống hiến, những mong lưu giữ được giá trị tinh hoa mà ông cha để lại song mọi thứ không dễ dàng.

 Ở khắp các địa phương, nghệ nhân vẫn tâm huyết gìn giữ, tích cực truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Nguồn: TTVH

Ở khắp các địa phương, nghệ nhân vẫn tâm huyết gìn giữ, tích cực truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Nguồn: TTVH

“Quỹ văn hóa chúng tôi từng tài trợ cho các thầy Then, thầy dạy sáo, khèn ở vùng núi phía Bắc tiến hành công việc truyền dạy. Các nghệ nhân rất tâm huyết, luôn động viên con cháu trong gia đình hay làng bản đến lớp học thầy mở. Có nghệ nhân chịu khó lẽo đẽo đi bộ đường núi hàng cây số để ra nhà văn hóa dạy học. Các lớp học kiểu như vậy, ngoài việc gây dựng phong trào thì ít nhiều đã giúp phát hiện tài năng trẻ, chí ít là giúp giới trẻ nhận thức lại bản thân để xem mình có thật sự năng khiếu không, có ham thích, say mê cao độ không", TS. Trần Đoàn Lâm kể.

Nhưng, theo TS. Trần Đoàn Lâm, câu chuyện bây giờ khó hơn. "Dường như việc tìm ra nghệ nhân kiểu cũ có tay nghề cao để truyền nghề trong âm nhạc và diễn xướng truyền thống khá khó khăn vì nhiều người đã ra đi, rồi nỗi lo cơm áo gạo tiền, thậm chí nhiều con em muốn theo học cũng không có điều kiện để mua nhạc cụ…”.

Nghệ thuật truyền thống là một lĩnh vực đặc thù. Đội ngũ người hoạt động nghệ thuật không hoàn toàn giống đại đa số lực lượng lao động của các ngành nghề khác trong xã hội. Họ học tập, rèn luyện, làm việc trong một môi trường khá khác biệt - môi trường nghệ thuật, nơi mà sự sáng tạo và năng lực cá nhân cần có sự quan tâm đặc biệt. GS.TS. Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, so sánh, nếu đào tạo cùng một lúc hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư, thợ lành nghề, thì chỉ cần 3 - 5 năm, thời gian đào tạo một bác sĩ chuyên khoa lâu nhất cũng mất 8 năm, nhưng để có được một tài năng nghệ thuật thì cần chục năm, thậm chí vài chục năm, mà có khi vẫn không thể thành tài đúng nghĩa.

Đến nay, trong giới làm nghề nghệ thuật vẫn truyền miệng câu “Thầy già con hát trẻ”, được đúc kết bởi các nghệ nhân nghệ thuật truyền thống. Hàm ý “già” về sự trải nghiệm, tinh thông nghề nghiệp, về kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo đã tích lũy được qua nhiều năm tháng sống chết với nghề… Cùng với đó, nghệ thuật biểu diễn luôn cần sự trẻ trung, tươi mới, sung sức và đẹp đẽ mới cuốn hút được người xem. Nghệ sĩ trẻ, tài năng lại được người thầy giỏi, dày dặn kinh nghiệm tận tâm dìu dắt, truyền nghề thì nhất định sẽ thành công. Mấu chốt vẫn là bảo đảm các điều kiện cần thiết cho môi trường truyền thụ, tái sáng tạo…

GS.TS. Lê Thị Hoài Phương dẫn chứng, khoảng mươi năm trước, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống hay các trường trung cấp, cao đẳng văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh muốn đào tạo đội ngũ kế cận đã về tận vùng sâu, vùng xa hay đến những nơi có truyền thống về tuồng, chèo, cải lương, đến tận các gia đình để tuyển sinh, thuyết phục gia đình cho con em mình đi học nghệ thuật… Với cách làm “đãi cát tìm vàng” như thế, nhiều em sau khi được đào tạo căn bản đã trở thành những ngôi sao của nhà hát, của đoàn nghệ thuật.

“Môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, sự công nhận của công chúng… là những yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của người làm nghề. Nếu tác động tích cực thì đây là bệ đỡ, là chất xúc tác giúp cho nghệ thuật thăng hoa, tài năng nở rộ. Còn không thì…”, GS.TS. Lê Thị Hoài Phương băn khoăn.

Giữ mạch truyền thừa

Theo các chuyên gia, một thời gian dài, do điều kiện kinh tế eo hẹp, việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể tập trung vào vinh danh thông qua các danh hiệu (Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian). Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, khen thưởng và các chính sách khác cũng chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu... Điều này vô hình chung đã tạo ra “khoảng trống” về chế độ, chính sách đối với người nắm giữ, thực hành di sản.

 Thông qua sự ghi nhận, tôn vinh, hỗ trợ tài chính không những tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, phát huy vốn quý mà còn thúc đẩy phát triển bền vững nền văn hóa dân tộc. Ảnh: Thái Minh

Thông qua sự ghi nhận, tôn vinh, hỗ trợ tài chính không những tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, phát huy vốn quý mà còn thúc đẩy phát triển bền vững nền văn hóa dân tộc. Ảnh: Thái Minh

Như nhận định của đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng, đối với di sản văn hóa truyền thống ở các loại hình, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày càng ít. Thời gian qua nhiều nghệ nhân qua đời mà chưa nhận được sự tôn vinh, chính sách đãi ngộ xứng đáng dù đã dành cả cuộc đời cho việc truyền dạy, lan tỏa giá trị di sản tới cộng đồng. Nhiều nghệ nhân gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động thực hành di sản mà còn ngay trong cuộc sống, bởi họ là những người không thuộc các cơ quan Nhà nước, không có lương, ít được hưởng chính sách xã hội. Đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng khó khăn như Tây Nguyên, nguồn lực địa phương dành cho các đối tượng này lại càng hạn chế… Câu chuyện cứ khó chồng khó, di sản theo đó mà mất mát quá nhiều.

Việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) ngày 24.11.2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025) mang lại niềm hy vọng, động lực cho những người thực hành nghệ thuật truyền thống cũng như lớp trẻ thêm quyết tâm gắn bó với nghề. Nội dung chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể có nhiều thay đổi, có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đối tượng thụ hưởng chính sách cũng mở rộng, như Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời..., không chỉ dành cho đối tượng là nghệ nhân “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” như trước.

“Chúng ta có quyền kỳ vọng khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đi vào cuộc sống, có nhiều chính sách mở đối với nghệ nhân, hành trình giữ lửa nghệ thuật truyền thống sẽ có nhiều bước tiến mới, hiệu quả. Từ đây, việc bảo vệ, truyền dạy, thực hành và tái sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể sẽ được thúc đẩy. Nghệ nhân có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, góp phần làm cho sức sống của di sản văn hóa dân tộc thực sự bền vững”, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cu-hich-bao-ton-truyen-noi-tinh-hoa-dan-toc-post400636.html