Cú hích từ chuyển đổi số ngành ngân hàng
Chuyển đổi số ngành ngân hàng đang tác động tích cực tới tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống. Để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn, ngành ngân hàng cần phát huy vai trò tiên phong làm lực đẩy cho các hoạt động thanh toán số, kinh tế số cũng như xã hội số. Đó là chỉ đạo của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khi tham dự hội nghị chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 diễn ra ngày 10/10.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (NHNN) đã tổ chức triển lãm giới thiệu các giải pháp ngân hàng số của các ngân hàng trên địa bàn.
Đột phá từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Ngành Ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt với mục tiêu hướng đến người dân, doanh nghiệp.
Thông qua chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã thúc đẩy tài chính toàn diện bằng việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một trong những dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số ngành ngân hàng không thể không kể đến chính là sự bứt phá trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Khi hoạt động này đã và đang trở thành xu hướng tất yếu.
Có thể lấy hoạt động TTKDTM trong lĩnh vực công làm ví dụ khi với sự đồng hành của các ngân hàng, các giải pháp thanh toán dịch vụ công đang ngày một thông suốt, an toàn.
Tính đến cuối tháng 6, tổng thu thuế qua hệ thống các ngân hàng thương mại tăng 21%; dịch vụ thu tiền điện tăng 45%; nước tăng 38%; dịch vụ thu viện phí tăng hơn 46%; chi trả an sinh xã hội, thông qua hệ thống thẻ ATM cho người hưởng cũng tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, với sự trợ lực của khoa học và công nghệ, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như: công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh, thanh toán trực tuyến, xác thực sinh trắc học… đã trở thành phương thức thanh toán mới được các ngân hàng triển khai đến người dân. Hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngành Ngân hàng được nâng cấp, cải thiện, mở rộng mạng lưới thanh toán với đối tác và các bên liên quan, triển khai đa dạng các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán qua mã QR Code, Ví điện tử, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán...). Các đơn vị đã hợp tác chặt chẽ và không ngừng kết nối, mở rộng mạng lưới thanh toán với đối tác và các bên liên quan (các tổ chức tín dụng khác, trung gian thanh toán, fintech, tổ chức thẻ quốc tế, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ) để triển khai đa dạng kênh thanh toán.
Lấy khách hàng làm trung tâm
Thực tế, hoạt động của ngành Ngân hàng bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội, gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế. Vì thế có thể nói, khi ngành Ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác thực hiện chuyển đổi số, cùng nhau hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Tại Thừa Thiên Huế, kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của UBND tỉnh cũng xác định vai trò của ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Tuy nhiên theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một số chỉ tiêu thực hiện trên địa bàn vẫn đang ở mức thấp. Trong đó, tỷ lệ tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%, chưa đạt mục tiêu đề ra đến 2025 (ít nhất 60%) và tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động, chưa đạt mục tiêu đề ra đến 2025 (ít nhất 50%).
Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu tỷ lệ số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số đạt ít nhất 70%; tỷ lệ tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%, đạt ít nhất 60%; tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động, đạt ít nhất 50%; tỷ lệ hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước), đạt ít nhất 70% mục tiêu đề ra đến 2025.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì quá trình đó vẫn diễn ra và đang diễn ra. Để chuyển đổi số ngành Ngân hàng đóng góp hiệu quả thiết thực nhất cho mục tiêu phát triển của ngành nói riêng và chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế nói chung đòi hỏi ngành Ngân hàng phải vạch rõ chiến lược cũng như xác định được vai trò tiên phong trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số như: nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán cũng như dịch vụ thanh toán hiện đại. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là người dân sinh sống ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa để họ tiếp cận với các giải pháp công nghệ cũng như dịch vụ của ngân hàng. Phối hợp các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm an ninh, an toàn khi thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, phòng, chống tội phạm, tạo niềm tin đối với người dân khi sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.
Về phía các sở, ngành trên địa bàn mà đầu mối là Sở Thông tin và Truyền thông, tiếp tục phối hợp, nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chú trọng đẩy mạnh thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công và an sinh xã hội; phối hợp ngành ngân hàng triển khai các loại thẻ điện tử trong TTKDTM: thẻ du lịch, thẻ dân cư… nhằm thực hiện dự án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.