Củ năng - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Próh

Sau hơn 10 năm chuyển đổi từ trồng lúa 2 vụ kém hiệu quả sang trồng củ năng, tổng diện tích cây trồng này tại xã Próh, huyện Đơn Dương là 300 ha. Đây cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân xã Próh và được xem như cây xóa nghèo của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Củ năng - cây trồng được coi là cây xóa nghèo cho nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Trong ảnh: Cánh đồng năng Próh mùa thu hoạch.

Củ năng - cây trồng được coi là cây xóa nghèo cho nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Trong ảnh: Cánh đồng năng Próh mùa thu hoạch.

Cây xóa nghèo của nhiều người dân Próh

Theo ông Trần Thiện Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Próh, tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là 1.650 ha, chủ yếu là sản xuất rau thương phẩm, trong đó có 300 ha diện tích đang được người dân trồng củ năng. “Củ năng được người dân trên địa bàn chuyển đổi từ lúa 2 vụ kém hiệu quả từ hơn chục năm nay. Cây trồng này đang thực sự cho hiệu quả kinh tế cao đối với các hộ dân và cũng được coi là cây xóa nghèo của bà con dân tộc xã Próh” - ông Tiến nói.

Theo chân cán bộ xã Próh, chúng tôi đi một vòng quanh xã, chứng kiến những ruộng rau ngút ngàn, nhiều ngôi nhà mọc lên khang trang. “Trong số những ngôi nhà này, có không ít hộ đã khá lên nhờ trồng củ năng” - ông Trần Thiện Tiến cho biết thêm. Hộ gia đình anh Ya Mack (thôn Próh Ngó) là một trong những hộ đi đầu tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa 2 vụ sang trồng củ năng. Anh cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa 2 vụ sang trồng củ năng đã được 12 năm nay. Lúc đầu, gia đình chỉ chuyển đổi 5 sào lúa để trồng củ năng, rồi thấy hiệu quả thiết thực do cây trồng này mang lại, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, gia đình tôi đã quyết định tiếp tục chuyển đổi tất cả là 2 ha đất trồng lúa để trồng củ năng, chỉ để lại 5 sào để trồng rau màu. Đời sống gia đình tôi khá lên cũng từ ngày chuyển sang trồng củ năng”. Chị Ma Blim, người cũng có hơn 10 năm chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng củ năng cũng cho hay, gia đình chị, từ bố mẹ đẻ, anh, chị em và cả bản thân chị đều chuyển đổi ít nhất 5 sào trồng lúa 2 vụ sang trồng củ năng từ hơn chục năm nay. Chị nói thêm, sở dĩ nói cây trồng này là cây thoát nghèo của bà con người đồng bào như chị là bởi lẽ, cây trồng này cho năng suất đạt gấp 3-4 lần so với cây lúa, vì nếu như lúa chỉ cho thu hoạch 1 tấn/sào thì củ năng cho thu hoạch 3 tấn/sào.

Hiện nay, giá củ năng trung bình khoảng 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà con cũng lời hơn một nửa.

“Lúc đầu khi mới chuyển đổi sang cây trồng này, bản thân tôi và mọi người cũng gặp nhiều khó khăn, từ khâu kỹ thuật, giống, thuốc... Giờ thì cùng với thời gian, kinh nghiệm cũng có nhiều hơn nên chúng tôi trồng chủ yếu theo kinh nghiệm là chủ yếu” - chị Ma Blim chia sẻ thêm.

Loay hoay tìm đầu ra ổn định

“Từ lúc chuyển đổi lúa 2 vụ sang trồng củ năng, thu nhập của người dân xã Próh đã tăng lên vượt trội, nhưng do thiếu những ràng buộc chặt chẽ và phù hợp theo hợp đồng với thương lái, nên người nông dân thường chịu thiệt thòi trước nhiều điều kiện về giá; về độ khô và ướt, về tiêu chuẩn chất lượng của củ năng mà thương lái thường đặt ra. Trong khi đó, toàn xã Próh chỉ có một điểm thu mua củ năng với số lượng còn hạn chế, giá cả còn bấp bênh theo theo ngày và chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Từ thực tế này, Hợp tác xã (HTX) Củ năng Próh đã được thành lập cuối năm 2019, với 7 thành viên. Khi tham gia vào HTX, các thành viên chúng tôi đều tự nguyện góp vốn, có nhu cầu và tự nguyện tham gia thành lập hợp tác xã, với mục đích liên kết sản xuất với nông dân để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân” - ông Tôn Trung Sơn - Giám đốc HTX Củ năng Próh cho biết.

Sau khi thành lập HTX đã liên kết sản xuất với 40 hộ dân trên địa bàn, trong đó, người ít thì có 4 sào trồng củ năng, người nhiều thì 2-3 mẫu. “Mục tiêu của HTX là thực hiện và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho các thành viên để sản xuất củ năng và chủ động trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm đối tác, xúc tiến thương mại để tạo sự liên kết bền vững. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn có một đơn vị thu mua nguyên liệu thô hợp đồng với HTX để có đầu ra ổn định cho người dân, tránh tình trạng giá cả bấp bênh, lúc rộ mùa thì giá thấp, lúc hàng hiếm thì giá lại cao mà không có hàng” - ông Tôn Trung Sơn cho biết thêm.

Ông Lê Thiện Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Próh cũng chia sẻ: “Để tạo điều kiện cho HTX hoạt động, chúng tôi rất mong sự quan tâm của các cấp, các ngành có liên quan nhằm giới thiệu sản phẩm, tạo sự kiên kết, xây dựng mạng lưới gắn kết giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối, bán lẻ, tạo cơ hội ký hợp đồng mua bán sản phẩm củ năng để giúp đỡ cho bà con nhân dân tại xã Próh, tiến tới xây dựng thương hiệu củ năng hữu cơ của xã Próh - Đơn Dương, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo đề án của huyện Đơn Dương đã được phê duyệt”.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202002/cu-nang-cay-trong-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-cho-nguoi-dan-proh-2989892/