Cụ thể hóa chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang

Chiều 28.10, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, thảo luận tại Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và có nguồn lực bảo đảm thực hiện.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đồng tình rất cao sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

 ĐBQH Nguyễn Hữu Đàn (Quảng Trị) tham gia góp ý tại phiên họp tổ. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Hữu Đàn (Quảng Trị) tham gia góp ý tại phiên họp tổ. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Hữu Đàn (Quảng Trị) cho rằng, từ khi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội... Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tập trung vào chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn nêu rõ, nội dung này đã được quy định trong chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; trong đó cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân; Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, có các giải pháp cụ thể tháo gỡ, giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 102, Luật Nhà ở 2023, Bộ Quốc phòng cung cấp nhu cầu về nhà ở của đối tượng thuộc phạm vi quản lý gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp nên không chủ động được trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; việc điều chỉnh quy hoạch, chương trình kế hoạch theo quy định của Luật Nhà ở 2023 mất nhiều công đoạn trong khi nguồn lực có hạn.

Mặt khác, đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích quốc phòng chuyển giao cho địa phương (khoản 21, Điều 79 Luật Đất đai) để UBND cấp tỉnh đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang theo kế hoạch, dẫn đến phụ thuộc vào kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Trong khi nhu cầu của sĩ quan quân đội là rất lớn và trải dài 63 tỉnh, thành phố nên việc triển khai thực hiện chính sách về nhà ở cho sĩ quan quân đội gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 giao cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và có trách nhiệm phải bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật chưa quy định việc bố trí quỹ đất và thu hồi đất để giao cho Bộ Quốc phòng dẫn đến khó khả thi đối với nội dung này.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại khoản 2 Điều 46 Luật Sĩ quan hiện hành theo hướng: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

 ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với sĩ quan còn nhiều vướng mắc, bất cập. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với sĩ quan còn nhiều vướng mắc, bất cập. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng cho biết, qua nghiên cứu, mặc dù pháp luật hiện hành có quy định về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với sĩ quan, cụ thể: tại khoản 7, Điều 31, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam sửa đổi năm 2014 quy định đối với sĩ quan tại ngũ: “Được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng cán bộ là sĩ quan quân đội được hưởng chế độ về nhà ở còn rất ít so với nhu cầu, do chưa quy định cụ thể về mức hưởng, về phụ cấp nhà ở, hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm nhà công vụ theo từng đối tượng với lực lượng vũ trang QĐND, dẫn đến trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, việc quy định cụ thể và bố trí nguồn lực để giải quyết chế độ nhà ở đối với sĩ quan quân đội là rất cần thiết, đặc biệt là sĩ quan mới lập gia đình chưa có điều kiện tích lũy mua nhà nhằm giúp đời sống, gia đình họ bớt khó khăn, góp phần để sĩ quan yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị cần nghiên cứu rõ đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện dự án nhà ở của Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị cần nghiên cứu rõ đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện dự án nhà ở của Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hạnh Nhung

Trong các buổi lấy ý kiến đối với các dự án Luật Nhà ở, quy hoạch tại địa phương đều đề nghị nên có chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công vụ cho lực lượng vũ trang. Nêu thực tế này, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị nghiên cứu rõ về đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các dự án nhà ở của Bộ Quốc phòng, cũng như nhà ở xã hội đối với sĩ quan đang phục vụ tại ngũ để đảm bảo tính thống nhất và dễ thực hiện.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cu-the-hoa-chinh-sach-nha-o-cho-luc-luong-vu-trang-post394635.html