Cụ thể hóa tư duy, quan điểm mới của đảng về công tác cán bộ
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định đã nêu rõ các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Quy định nêu rõ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Quy định cũng đã định lượng hóa cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ để xem xét việc miễn nhiệm và từ chức, cụ thể là: khi cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ là căn cứ để miễn nhiệm; cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ là căn cứ để cho cán bộ từ chức. Những điểm mới này sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, miễn nhiệm nhưng lại xin từ chức để giảm bớt khuyết điểm.
Việc thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW với những nội dung cụ thể về miễn nhiệm và từ chức với cán bộ sẽ tạo nên sự chuyển biến trong văn hóa từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Đồng thời việc từ chức cũng sẽ được nhìn nhận một cách “nhẹ nhàng” hơn trong các cơ quan, đơn vị và dư luận xã hội. Đây cũng là khía cạnh nhân văn của việc từ chức khi cán bộ mắc khuyết điểm chưa đến mức phải kỷ luật nhưng uy tín giảm sút, khuyến khích cán bộ từ chức khi thấy bản thân liên đới trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị mình phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng, việc tạo điều kiện cho cán bộ từ chức cũng sẽ đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết đối với cán bộ.
Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ với những nội dung mới, cụ thể hơn là sự cụ thể hóa tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện nghiêm túc quy định này sẽ tạo ra những thay đổi về nhận thức trong công tác đánh giá cán bộ, từ đó tăng cường trách nhiệm cán bộ, lựa chọn cán bộ, rèn luyện cán bộ đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất: “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu”, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.