Cử tri Thủ đô đánh giá chính sách phục hồi và phát triển kinh tế triển khai đúng hướng, hiệu quả
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 sáng ngày 1/6 được truyền hình, phát thanh trực tiếp và nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri Thủ đô.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp và nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri Thủ đô.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua theo dõi phiên thảo luận cho thấy, chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng, hiệu quả. Nhờ có chính sách phục hồi kinh tế-xã hội đúng và kịp thời nên những tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6%.
Trong tháng 4/2022, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15 nghìn doanh nghiệp, nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả trên cho thấy, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng, hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được thời gian qua, tại hội trường, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ bất cập, khó khăn chúng ta phải đối mặt từ nay đến cuối năm như giá xăng dầu, chi phí cho sản xuất đầu vào, vật tư nông nghiệp tăng cao, giải ngân đầu tư công còn chậm, thị trường chứng khoán, trái phiếu còn nhiều bất cập, y tế, giáo dục cũng là vấn đề nóng... , làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để kiềm chế lạm phát, theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước cần linh động trong kiểm soát hàng hóa bởi là nền kinh tế thị trường nên Chính phủ hay Bộ Công Thương không thể định giá hàng hóa. Hay nói cách khác là không thể thực hiện cách điều hành giá theo nền kinh tế “chỉ huy” như xưa. Điều này buộc chúng ta phải chấp nhận quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường cũng như chấp nhận việc giá hàng hóa tăng lên. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể kiểm soát các động thái, hành vi “té nước theo mưa” của doanh nghiệp hay vấn đề tăng giá hàng hóa quá nhanh của doanh nghiệp và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Đồng quan điểm, anh Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Bình cho biết, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có Nhóm thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Anh thấy chính sách này hiệu quả, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, nó sẽ làm tăng sức mua từ người tiêu dùng, tránh trường hợp đẩy giá, tăng giá...
Cụ thể, năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Lý giải về vấn đề này, anh Phạm Minh Nam cho biết, với doanh nghiệp khi được giảm thuế VAT đầu vào, người bán không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi các chi phí tăng cao. Qua đó, nâng khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.
Về phía người tiêu dùng, đây là nhóm đối tượng được hưởng lợi nhất do chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Về bản chất, việc giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến chi phí thực tế mà nhóm đối tượng này phải chịu. Giờ đây, thuế VAT giảm 2% đồng nghĩa chi phí chi tiêu được giảm 2%.
Như vậy, có thể thấy, chính sách này sẽ tăng sức mua từ người tiêu dùng, tránh trường hợp đẩy giá, tăng giá "tát nước theo mưa"... Qua đó, mang đến nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.