'Cửa sổ' bầu trời khoa học thế giới tại Việt Nam
Từ ngày 6 đến 12/8 tại thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 30 năm Gặp và hội nghị 'Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ'.
Hội nghị diễn ra từ ngày 6 – 12/8/2023 với phiên khai mạc chính thức vào 9h sáng ngày 7/8/2023 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành – Số 07 Đại lộ Khoa học, khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Hội nghị có 31 phiên họp với các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu về Vật lý thiên văn, Vật lý năng lượng cao. Sẽ có gần 200 nhà khoa học tham dự, với các diễn giả quốc tế như GS Gerard 't Hooft (Giải Nobel Vật lý 1999), Utrecht University, Hà Lan; GS David E. Kaplan, Johns Hopkins University, Mỹ; GS Joachim Kopp, Johannes Gutenberg University Mainz, Đức; GS Celine Boehm, Sydney University, Australia; GS Yvonne Wong, Melbourne University, Australia; GS Aya Ishihara, Chiba University, Nhật Bản; GS Tamara Davis, Queensland University, Australia; GS Dam Thanh Son, Chicago University, Mỹ; GS Wendy Freeman, Chicago University, Mỹ; GS Andrew Long, Rice University, Mỹ; GS Jacques Laskar, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS)…
Bên lề các hoạt động học thuật, hội nghị còn tổ chức đưa các nhà khoa học quốc tế tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương qua các địa danh du lịch nổi tiếng dự kiến là Kỳ Co, Bảo tàng Quang Trung, Tháp đôi, Tháp Bánh ít.
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” là nơi tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học đã thành đạt trong lĩnh vực, từ đó, tạo điều kiện và cơ hội hợp tác khoa học và phát triển cho các nhà khoa học trẻ trong trong cộng đồng khoa học cơ bản để trao đổi kiến thức và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Vật lý Hạt và Thiên văn học. Bên cạnh đó, hội nghị là hoạt động đánh dấu hành trình 30 năm của Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự trao đổi khoa học giữa Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.
Hội nghị tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả trẻ từ Việt Nam, châu Á-Thái Bình Dương và các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các tiến bộ mới nhất trong các ngành khoa học này.
“Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” là một hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho sự hợp tác khoa học, truyền cảm hứng cho các hướng nghiên cứu mới và tạo điều kiện phát triển cho các tài năng trẻ trong cộng đồng khoa học thuộc lĩnh vực Vật lý hạt và Vật lý Thiên văn do Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công Nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Trong 30 năm hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm hoạt động của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành đã có nhiều thành quả.
Tính đến năm 2023, Trung tâm đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự, trong đó có 18 giáo sư Nobel, 02 giáo sư đạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học), 02 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học), 01 giáo sư đạt giải Shaw (được xem là Nobel Phương Đông), 03 giáo sư đạt giải Dirac, 01 giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và Cino Delduca (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Bên cạnh các hội nghị hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” còn tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học (tại Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), các buổi giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam đạt giải Olympic quốc tế các môn khoa học Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Thành lập Viện nghiên cứu IFIRSE là viện nghiên cứu cơ bản tư nhân trực thuộc Trung tâm ICISE, hoạt động theo tinh thần và mô hình của các viện nghiên cứu trên thế giới. Trung tâm ICISE tài trợ kinh phí nghiên cứu và vận hành Viện IFIRSE. Bước đầu đã thành lập 2 nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết (năm 2017) và Vật lý Neutrino (năm 2018) với 04 nghiên cứu viên thường trực và 01 NCS do Viện trả lương. Từ năm 2022, Viện IFIRSE tiếp tục thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn SAGI với sự tài trợ của Quỹ Simons (Mỹ) trong 3 năm với mục tiêu phát triển Vật lý thiên văn tại Việt Nam do TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA) chủ trì dự án. Tính đến nay Viện đã tài trợ và tiếp nhận 25 lượt sinh viên ngành Vật lý của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Trường Đại học Quy Nhơn đến làm thực tập khoa học. Gần 100% sinh viên được nhận học bổng toàn phần học thạc sỹ, tiến sĩ ở các trường đại học danh tiếng ở các nước Châu Âu, Mỹ.
Các sự kiện khoa học tổ chức tại Trung tâm ICISE đã thu hút được hàng nghìn nhà khoa học quốc tế danh tiếng và uy tín đến thành phố Quy Nhơn; quy tụ lãnh đạo nhiều tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tới Bình Định (như CERN, Fermilab, INRA, CNRS, IRD, SOLVAY, AIRBUS, SANOFI…). Thông qua các hoạt động, sự kiện khoa học tại Trung tâm ICISE đã góp phần quảng bá và tạo hiệu ứng truyền thông làm cho hình ảnh tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung rõ nét hơn trong khu vực và trên thế giới, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được biết đến trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và giáo dục bậc cao.
Với ý tưởng và sự giúp đỡ xây dựng dự án, tư vấn của Hội Gặp gỡ Việt Nam và các nhà khoa học tham dự hội nghị tại Trung tâm ICISE, năm 2015, Dự án “Tổ hợp không gian khoa học”, gồm Nhà chiếu hình vũ trụ, Khu khám phá khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông đã được Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là tổ hợp khoa học đại chúng đầu tiên tại Việt Nam, thứ hai ở Đông Nam Á, đưa khoa học tới quần chúng và phát triển tình yêu khoa học cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, vừa phục vụ giáo dục khoa học, vừa phát triển du lịch khoa học. Bên cạnh đó, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE luôn đồng hành, giúp đỡ, kết nối mạng lưới các chuyên gia, các nhà khoa học hỗ trợ ý tưởng, công tác lựa chọn thiết bị, hướng dẫn vận hành Dự án.
Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ (NGO), hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Hội đoàn 1901 tại Pháp từ năm 1993 trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các Tổ chức Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ 1989). Mục đích chính của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam. Năm 2012, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.
Người sáng lập và đồng thời là Chủ tịch Hội từ khi thành lập đến nay là GS. Trần Thanh Vân (Việt Kiều Pháp), giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Ông là người thứ 2 của Pháp và là người gốc Á thứ 3 được Hội Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate năm 2012 dành cho những đóng góp dẫn dắt ngành Vật lý của thế giới (International Leadership in Physics) trong nhiều thập niên; đã được Chính phủ Pháp trao Huân chương Công trạng Quốc Gia năm 1995 và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 1999; Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 2015.
ICISE được khởi công xây dựng ngày 11/12/2011 và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 12/8/2013. Với các hoạt động tích cực đóng góp cho khoa học Việt Nam và khoa học thế giới, Trung tâm ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đạt giải Nobel./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cua-so-bau-troi-khoa-hoc-the-gioi-tai-viet-nam/302029.html