Cục An toàn thực phẩm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước sau vụ sữa giả quy mô lớn
Cục An toàn thực phẩm vừa cung cấp thông tin liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa bị triệt phá.

Các sản phẩm sữa trong đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa bị triệt phá. Ảnh: VTV
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế luôn nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả và kém chất lượng. Điều này được thể hiện qua việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như trong công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là với Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công thương để xử lý thực phẩm giả và thực phẩm chứa chất cấm.
Việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định cụ thể trong Luật An toàn thực phẩm, với trách nhiệm của các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương và UBND các cấp được nêu rõ tại các Điều 62, 63, 64 và 65. Đặc biệt, trách nhiệm "Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm" được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật ATTP.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Theo đó, đa số thực phẩm được tự công bố, trong khi bốn nhóm cần kiểm soát chặt hơn phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Chính sách này nhằm tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính, đồng thời buộc doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Đây là chính sách tiên tiến, tiệm cận với phương thức quản lý thực phẩm của các nước phát triển trên thế giới.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh còn thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương và tổ chức xử lý vi phạm pháp luật.
Công tác hậu kiểm các sản phẩm sau công bố đóng vai trò quan trọng. Bộ Y tế, với vai trò thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP, hàng năm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã ký Biên bản hợp tác với các cơ quan của Bộ Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ATTP, thường xuyên phối hợp kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở liên quan.
Theo Cục An toàn thực phẩm, hàng năm, Cục có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh triển khai công tác hậu kiểm ATTP trên địa bàn. Từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành ba văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm, triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" và tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đối với vụ việc sản xuất, buôn bán sữa bột giả có quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.