Cục Đường bộ rà soát 10.000km quốc lộ phân cấp cho địa phương, siết quản lý kinh doanh vận tải
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam thời gian tới đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý, bảo trì đường quốc lộ. Đồng thời, số hóa để quản chặt hơn hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, đào tạo lái xe...
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024 do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục Đường bộ Việt Nam đạt được trong năm 2023, đặc biệt là đổi mới về tư duy.
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, không thể tiếp tục để Cục Đường bộ Việt Nam quản lý 25.000km quốc lộ, thay vào đó, tới đây sẽ phải tách bạch rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý trực tiếp.
GIAO ĐỊA PHƯƠNG TỰ CHỦ BẢO TRÌ QUỐC LỘ
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ tập trung quản lý các quốc lộ chính yếu, còn lại phân cấp cho các sở giao thông vận tải quản lý các tuyến thứ yếu. Đơn vị được phân cấp, phân quyền sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quản lý tuyến đường.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, Cục Đường bộ Việt Nam cần xác định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ bằng việc điều chỉnh, bổ sung quy định trong dự thảo Luật Đường bộ, từ đó, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác phân cấp, phân quyền.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, nhiều quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý quốc lộ được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.
Hiện, cả nước có 610.000km đường bộ, trong đó phân quyền quản lý đường tỉnh, đường huyện gần 590.000km. Trong số 25.000km quốc lộ ủy quyền cho các sở giao thông vận tải quản lý 13.000km. Tới đây, sẽ không ủy quyền cho sở giao thông vận tải mà sẽ phân cấp cho UBND tỉnh quản lý.
"Trong 12.000km quốc lộ Cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp quản lý, có 2.000km thuộc các dự án BOT. 10.000km còn lại, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ rà soát, tuyến nào trong nội bộ của tỉnh sẽ phân cấp cho địa phương quản lý", ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục tập trung nâng cao quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ; đôn đốc tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài sản đường bộ theo quy định; rà soát hoàn thiện thể chế, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Cục; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ cần siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Nâng cấp hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tạo thuận lợi cho việc truy cập, phối hợp xử lý vi phạm.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giám sát, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, phấn đấu trong năm 2024 đạt tỷ lệ 20% trên tổng số giấy phép lái xe đổi được thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4).
Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp với các địa phương bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết và lễ hội Xuân 2024 tới đây.
TĂNG TỐC GIẢI NGÂN, ĐẨY MẠNH SỐ HÓA
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết năm 2023 có thể nói là năm đầu tiên, Cục hoạt động trọn vẹn một năm thực hiện công tác quản lý đường bộ theo mô hình từ 03 cấp xuống còn 02 cấp mới.
Trước nhiều khó khăn chung nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, sự nỗ lực, quyết tâm, Cục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, góp phần đáng kể vào thành tích chung của ngành.
Nổi bật là năm vừa qua, Cục đẩy mạnh triển khai công tác phân cấp, phân quyền, nổi bật là sửa đổi các quy định của pháp luật để phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong quản lý, khai thác và bảo trì, duyệt phương án tổ chức giao thông, quyết định các nội dung về quản lý, khai thác đối với đường cao tốc thuộc phạm vi địa phương quản lý.
Năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam được giao gần 12.000 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo trì quốc lộ. Đến ngày 19/12, nghiệm thu hoàn thành gần 9.600 tỷ đồng, đạt hơn 79%, giải ngân hơn 10.100 tỷ đồng, đạt 84%, đảm bảo giải ngân 100% dự toán chi năm 2023.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Bộ Giao thông vận tải giao quyết định đầu tư, làm chủ đầu tư.
Cục tích cực triển khai xử lý nhanh chóng, kịp thời toàn bộ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông ngay từ khi mới phát hiện, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông được phát hiện thông qua công tác theo dõi, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ và ý kiến của Ban An toàn giao thông, lực lượng công an các cấp.
Bên cạnh đó, Cục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu lực hiệu quả xử phạt trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, điển hình là triển khai các giải pháp hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, kiện toàn bộ máy và tổ chức thực hiện quản lý, vận hành hiệu quả các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78- Quốc lộ 5.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Cục; đồng thời đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ của Cục.
Về công tác đào tạo lái xe, thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu nâng cấp phần mềm tiếp nhận hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình, trên đường; tự động phát hiện, cảnh báo trên hệ thống những trường hợp có dấu hiệu gian lận trong quá trình sát hạch.