Cục Đường bộ Việt Nam: 'Lắp đèn chiếu sáng toàn tuyến cao tốc là lãng phí'
Đường cao tốc có các tiêu chuẩn rất cao về vạch sơn, biển báo, không có giao cắt đồng mức... nên việc lắp đèn chiếu sáng trên toàn tuyến là lãng phí.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh thông tin trên tại Hội thảo "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc - Thực trạng và giải pháp", sáng 19/3.
Nói về đề xuất trang bị hệ thống chiếu sáng trên cao tốc, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, trên cao tốc các tài xế đi theo biển báo, vạch sơn... Đường cao tốc cũng không có giao cắt đồng mức, không có phương tiện thô sơ đi vào nên đầu tư đèn chiếu sáng toàn tuyến là lãng phí.
"Các quy định, quy chuẩn đã quy định rõ lắp đèn chiếu sáng tại các khu vực: trạm thu phí, trạm dừng nghỉ, nút giao, cầu vượt, hầm... , còn đối với đường thẳng thì xe chạy đủ vạch sơn, biển báo... là đảm bảo an toàn", ông Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo vị Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới thì việc lắp đèn chiếu sáng nhiều, tràn lan còn gây ô nhiễm ánh sáng.
Về tình hình đầu tư phân kỳ đường bộ cao tốc, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, hiện nay, ngoài tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,6km, các tuyến như Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Kim Thành), La Sơn - Túy Loan, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới... cũng được phân kỳ đầu tư với 2 làn xe.
Do nguồn lực còn hạn chế nên các tuyến cao tốc đang trong phân kỳ đầu tư sẽ thiếu một số hạng mục công trình như làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh...
Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận việc đầu tư các cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng gây nguy cơ cao dẫn tới tai nạn; đồng thời các cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục sẽ gây ùn tắc kéo dài khi xảy ra sự cố.
Trong quý 1/2024, Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc. "Khi có quy chuẩn này, chắc chắn sẽ không còn cao tốc 2 làn xe nữa mà đầu tư đường cao tốc phải tối thiểu 4 làn xe", ông Thắng nói và cho biết cơ quan chức năng sẽ bố trí nguồn lực sao cho việc xây dựng các tuyến đường cao tốc phải đảm bảo hoàn thiện.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Các tuyến cao tốc liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng như: chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế…
Theo Quyết định số 1454 của Thủ tướng về việc Phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014km.
Hiện nay, các đơn vị đã đưa vào khai thác 1.822km, đang thi công 1.695km; đã quyết định chủ trương đầu tư, khởi công giai đoạn 2021- 2025 là 541km; đang chuẩn bị đầu tư (chưa bố trí được nguồn vốn) 928km.