Cục Trồng trọt thông tin về giống thanh long ruột đỏ Long Định 1
Chiều 16/02, tại TP.HCM, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1). Tham gia cuộc họp có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận.
Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) thông báo về việc áp dụng mã số vùng trồng cho trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ khi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Hiện tại, chỉ có giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu.
Tuy nhiên, muốn có mã số vùng trồng thì phải có bản quyền giống, nhưng bản quyền giống này đã được Viện cây ăn quả miền Nam chuyển nhượng bản quyền cho Công ty (Cty) TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) từ năm 2017. Do chưa có mã số vùng trồng, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng xuất khẩu trái thanh long ruột đỏ vào thị trường Nhật Bản và ách tắc lại số sản phẩm đã thu mua.
Cục trưởng Cục Trồng trọt - Nguyễn Như Cường cho biết, cuộc họp nhằm giải quyết 2 vấn đề, thứ nhất là vấn đề bảo vệ quyền lợi hài hòa giữa Cty TNHH Hoàng Phát Fruit và các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long giống LĐ1; thứ 2 là vấn đề Cty TNHH Hoàng Phát Fruit giải quyết quyền lợi đối với các nông dân, doanh nghiệp trồng và khai thác giống thanh long LĐ1 trước năm 2017.
Tại cuộc họp, đại diện Cty TNHH Hoàng Phát Fruit khẳng định, việc xuất khẩu thanh long gặp khó khăn thời gian qua hoàn toàn không phải do vấn đề bản quyền thanh long ruột đỏ LĐ1 mà do chất lượng thanh long của các doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Đồng thời, đại diện Cty TNHH Hoàng Phát Fruit cũng cho biết, đối với tất cả các thị trường, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, Cty sẵn sàng chứng nhận nguồn gốc giống miễn phí cho các doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới. Riêng đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, Cty TNHH Hoàng Phát Fruit sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20%. Đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp muốn tham gia sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu với Cty, Cty sẽ hỗ trợ hướng dẫn về quy trình sản xuất và ứng trước 30% chi phí sản xuất.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thanh long LĐ1 vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản phải trả phí cho Cty với mức phí cụ thể như sau: 30 đồng/kg khi xuất khẩu từ 5-15 ngàn tấn; 20 đồng/kg khi xuất khẩu từ 15-25 ngàn tấn; 10 đồng/kg khi xuất khẩu trên 25 ngàn tấn.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận cũng đã thảo luận và kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LĐ1.
Phát biểu kết luận, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Nguyễn Như Cường khẳng định, việc bảo hộ và chuyển nhượng quyền bảo hộ hoàn toàn phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tại buổi họp, Cty TNHH Hoàng Phát Fruit đã minh bạch việc chia sẻ bản quyền thanh long ruột đỏ LĐ 1, ông tin rằng đây là cơ sở để trái thanh long Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông đề nghị Cty TNHH Hoàng Phát Fruit sớm có văn bản cam kết gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Trồng trọt cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu thanh long để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh long "xuất ngoại"./.