Cục trưởng Pháp chế: Luật Trật tự ATGT đường bộ có nhiều ý nghĩa thực tiễn

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) khẳng định, Luật Trật tự ATGT đường bộ bổ sung nhiều quy định mới, khi áp dụng vào thực tiễn mang lại nhiều ý nghĩa.

Nhiều quy định mới chặt chẽ hơn

Ngày 27/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Đây là dự án do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, hoàn thiện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nhấn mạnh, Luật Trật tự ATGT đường bộ được thông qua mang lại rất nhiều ý nghĩa.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an). Ảnh: Bộ Công an.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an). Ảnh: Bộ Công an.

Luật Trật tự ATGT đường bộ được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua có những điểm gì khác biệt, nổi bật so với các quy định hiện hành?

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Trật tự ATGT đường bộ có những nội dung khác biệt, nổi bật sau đây:

Một là, nếu như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ thì Luật Trật tự ATGT đường bộ điều chỉnh chuyên sâu về lĩnh vực này.

Hai là, tiếp tục quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe".

Ba là, bổ sung quy định đấu giá biển số xe để phù hợp với các quy định hiện hành về cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân.

Bốn là, bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để tăng cường quản lý người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về các hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ và thực tiễn quá trình phát triển của phương tiện, người điều khiển phương tiện tại Việt Nam.

Sáu là, bổ sung quy định về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

Bảy là, phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường bộ. Theo đó, Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về trật tự ATGT.

Bên cạnh đó, Luật vừa được thông qua còn có nhiều nội dung mới khác đáng chú ý như: Mô tả, bổ sung, làm rõ nhiều quy tắc giao thông đường bộ phù hợp với thực tiễn Việt Nam và Công ước Viên năm 1968; bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô tham gia giao thông đường bộ; quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch và khoa học hơn các điều kiện lưu hành của phương tiện giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Đồng thời, quy định cụ thể về hoạt động tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết TNGT; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trật tự ATGT; kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lấy người dân làm trung tâm phục vụ…

Chính thức cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Quy định về cấm tuyệt đối nồng độ cồn được đông đảo người dân quan tâm. Ông đánh giá thế nào khi áp dụng quy định mới này trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang phức tạp?

Với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 2 Điều 9 Luật Trật tự ATGT đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Quy định này nhằm hạn chế TNGT, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).

Quy định mới về nồng độ cồn sẽ kéo giảm TNGT đường bộ. Ảnh: N.H.

Quy định mới về nồng độ cồn sẽ kéo giảm TNGT đường bộ. Ảnh: N.H.

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Thời gian qua, khi lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Điều này chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.

Luật Trật tự ATGT đường bộ đã trải qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện. Luật lần này được Quốc hội thông qua mang lại những ý nghĩa gì?

Luật Trật tự ATGT đường bộ được thông qua tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông đường bộ.

Qua đó góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, với việc Luật chính thức đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý về trật tự ATGT đường bộ, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông.

Trong Luật Trật tự ATGT đường bộ, hạng của giấy phép lái xe cũng được phân loại lại.

Trong Luật Trật tự ATGT đường bộ, hạng của giấy phép lái xe cũng được phân loại lại.

Để triển khai áp dụng Luật Trật tự ATGT đường bộ vào thực tiễn, cần có thêm những điều kiện gì?

- Để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc triển khai áp dụng Luật Trật tự ATGT đường bộ từ ngày 1/1/2025, Bộ Công an sẽ sớm tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật để giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ gồm: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung Luật; Xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật.

Trong quá trình triển khai áp dụng Luật trên thực tế, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Bộ Công an sẽ thực hiện các giải pháp, biện pháp và tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

Cám ơn Thiếu tướng!

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuc-truong-phap-che-luat-trat-tu-atgt-duong-bo-co-nhieu-y-nghia-thuc-tien-192240627070246483.htm