Cung cấp thông tin về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Sở Công Thương vừa tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP), thị trường, quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với thị trường giữa các nước trong hiệp định cho hơn 40 đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng Phòng Quản lý xuất – nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương) phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP tại hội nghị. Ảnh: VÕ PHÊ

Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng Phòng Quản lý xuất – nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương) phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP tại hội nghị. Ảnh: VÕ PHÊ

Tại đây, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh đã phổ biến về nội dung truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, quy định về chế độ thuế quan phổ cập (GSP) cho đại diện lãnh đạo, bộ phận chuyên môn của các doanh nghiệp, cơ sở.

Đồng thời hướng dẫn cách chọn FTA, chọn form C/O để mang lại lợi thế tối ưu cho hàng xuất khẩu; quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP tập trung cho các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như thủy, hải sản, tinh bột sắn, nông sản, gỗ...

Theo ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Ở Việt Nam, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác; mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa và nhập khẩu máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan; góp phần gia tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Là thành viên của Hiệp định RCEP, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh ở cả trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Với lĩnh vực xuất khẩu, hiệp định sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á, trong đó một số nước có thế mạnh về các sản phẩm tương tự như Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn.

Do đó để có đủ thông tin và biết cách gia nhập thị trường này, các doanh nghiệp của tỉnh cần tiếp tục cập nhật và nâng cao kiến thức, hiểu các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa, cung ứng hàng hóa theo quy chuẩn, quy định của các quốc gia, nhu cầu thị trường, đối tác…

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương tiếp tục kết nối, tổ chức các hoạt động, lớp đào tạo, hướng dẫn để doanh nghiệp có thêm kỹ năng trong quá trình tiếp cận, gia nhập thị trường.

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319100/cung-cap-thong-tin-ve-hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc.html