Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia tiếp tục được củng cố, mở rộng, hợp tác toàn diện và kỳ vọng nâng kim ngạch song phương lên 20 tỷ USD.
Củng cố, vun đắp, mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình từ ngày 21 - 24/11/2024.
Chia sẻ về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội tới Campuchia, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Campuchia một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó, có Vương quốc Campuchia; cũng như thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.
“Tôi cho rằng, chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tiếp tục củng cố, vun đắp, mở rộng, tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Đồng thời, tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu” - Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhận định.
Cùng chung nhận định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cũng đánh giá, chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam, ưu tiên quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống" với Campuchia. Chuyến thăm thể hiện sự tin cậy giữa lãnh đạo hai nước và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận cấp cao, đặc biệt là kết quả các cuộc gặp giữa lãnh đạo Việt Nam, Campuchia và Lào.
Cũng theo Đại sứ, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam còn mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư mới cho hai nước Việt Nam - Campuchia.
Theo thống kê, thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia trong những năm qua đã có bước tiến lớn, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015 - 2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,95 tỷ USD. Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN mà còn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Số liệu thống kế mới nhất của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt 7,5 tỷ USD, tăng 15,4%. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia đạt 3,936 tỷ USD, tăng 4,28%, với các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, sản phẩm từ chất dẻo, cà phê và cao su đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho rằng, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Campuchia đang giảm sút, phản ánh nhu cầu thị trường thay đổi. Do vậy, Thương vụ khuyến nghị, các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm hướng đi mới trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Campuchia đạt 3,617 tỷ USD, tăng 30,56%. Hạt điều là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này với kim ngạch đạt 1,05 tỷ USD, trong khi đó cao su và quặng khoáng sản tăng trưởng mạnh. Nguyên phụ liệu dệt may, da giày và thuốc lá tăng mạnh, trong khi vải và máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm sâu, phản ánh thách thức trong các ngành công nghiệp truyền thống.
Theo báo cáo từ Liên đoàn Lúa gạo Campuchia, trong 9 tháng đầu năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu 445.913 tấn gạo, đạt tổng doanh thu 335,4 triệu USD.
Thông cáo báo chí cho biết, 54 công ty đã vận chuyển gạo xay đến 65 quốc gia và khu vực trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc vẫn là một trong những khách hàng chính của mặt hàng này. Vương quốc này đã xuất khẩu 81.423 tấn gạo sang Trung Quốc trong giai đoạn nói trên, thu về tổng doanh thu 52,63 triệu USD. Các loại gạo mà quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu bao gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo đồ và gạo hữu cơ.
Nắm bắt cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước Campuchia và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính, hệ thống luật còn nhiều điểm khác biệt. Thêm vào đó, sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ cũng gây trở ngại không nhỏ trong việc thúc đẩy giao thương hiệu quả.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia. Trong đó có hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, vốn là những lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm.
Đồng thời, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết như: Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023 - 2024, Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giai đoạn 2023 - 2028.
Bên cạnh đó, giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm những cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây chính là những tiền đề cơ bản để Việt Nam và Campuchia có thể nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD như kỳ vọng.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia nhấn mạnh, trong thời gian tới, thương vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia.
"Trong 9 tháng năm 2024, thương vụ đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam như Uni-President, VieON, Megasteel, Vilaconic và Hải Hà tìm kiếm đối tác nhập khẩu và phân phối sản phẩm tại thị trường Campuchia. Bên cạnh đó, thương vụ cũng chủ trì tổ chức khu trưng bày sản phẩm Việt Nam tại Hội chợ Property, Business & Lifestyle EXPO 2024 tại Phnom Penh, nhằm quảng bá thương hiệu và mở rộng mạng lưới kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt” - tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Campuchia thông tin và cho biết thêm, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia ban hành Thông báo số 014 MEF.N, gia hạn ưu đãi thuế trong lĩnh vực bất động sản. Đây là bước đi cụ thể hóa bài phát biểu của Thủ tướng Hun Manet trong Nhiệm kỳ thứ 7 của Quốc hội, nhằm giảm gánh nặng thuế cho các nhà phát triển nhà ở và chủ sở hữu bất động sản. Cùng với Thông báo 014, hai văn bản quan trọng khác được ban hành là Prakas 576 về thuế bất động sản (TIM) và Prakas 573 về thuế đất chưa sử dụng.
Do vậy, để tận dụng hiệu quả các cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt kịp thời các thay đổi về chính sách, đẩy mạnh khai thác các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng cao. Đồng thời, không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường Campuchia.