Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia: Cộng hưởng sức mạnh, vững bước vươn mình

Malaysia, quốc gia láng giềng hữu nghị, người anh em trong mái nhà ASEAN là điển hình thành công về phát triển. Chuyến thăm chính thức Malaysia dịp này của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân diễn ra trong khí thế sôi nổi hoàn thành mục tiêu của Đại hội XIII để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, siết chặt vòng tay bè bạn, cộng hưởng khát vọng và quyết tâm để vững bước vươn mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Nguồn: TTXVN)

Tạo thêm sức mạnh cho nhau để cùng bước vào giai đoạn phát triển mới của hai đất nước; thúc đẩy tình đoàn kết giữa các nước ASEAN vì cộng đồng chung hạnh phúc và thịnh vượng; khẳng định chính sách coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và Đối tác chiến lược, sẵn sàng khai mở tầng nấc mới trong hợp tác song phương… là những thông điệp trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân (từ ngày 21-23/11).

Chuyến thăm diễn ra trước thềm kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia (2015-2025) góp phần củng cố mạnh mẽ nền tảng quan hệ chính trị, tiếp thêm động lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn, hướng tới một tầm cao mới.

Tích lũy đủ “chất - lượng” sẽ có “chuyển hóa”

Chặng đường dài hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đã xây dựng nền tảng tốt đẹp trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất mà Malaysia xác lập Đối tác chiến lược, hành trình chín năm Đối tác chiến lược này đã phát huy cao độ nền tảng hợp tác, đưa quan hệ hai nước gặt hái được không ít “trái ngọt”.

Điều đó được phản ánh qua thực tế quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, tin cậy chính trị không ngừng gia tăng, hợp tác thương mại, đầu tư, lao động, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân thu được nhiều kết quả tích cực. Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN, luôn là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Hiện nay, hàng chục nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Hằng năm có khoảng 700 - 800 nghìn người Việt Nam và Malaysia sang du lịch đất nước của nhau… nối dài những nhịp cầu hữu nghị nhân dân.

Cảm nhận được độ “chín” của Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia gần một thập kỷ, chia sẻ với báo chí, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung kỳ vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ góp phần nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

“Tầm cao mới” đó cũng được nhắc đến trong bài trả lời phỏng vấn TG&VN của Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh, khi cho rằng quan hệ song phương đã tích lũy đủ cả về lượng và chất để có thể tính tới việc nâng tầm, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của hai bên. Trong chuyến thăm, Lãnh đạo hai nước sẽ đi sâu trao đổi, thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới, ổn định, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với những định hướng rất lớn, trong đó đề ra định hướng rất quan trọng về kinh tế là giải phóng và phát huy lực lượng sản xuất mới, trong đó có những vấn đề liên quan đến công nghệ số, kinh tế xanh, năng lượng. Đây cũng là những hướng mà Malaysia coi trọng”.

Sẻ chia khát vọng lẫn tầm nhìn

Đạt phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, chiến lược quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số - MyDIGITAL hay chiến lược “Malaysia Madani” với những điểm nhấn là quản trị tốt, phát triển bền vững và đổi mới – những “la bàn” trong chính sách hiện nay của Malaysia dường như có nhiều nội hàm tương thích với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới của Việt Nam.

Malaysia đang phát triển rất mạnh về công nghệ số, công nghệ xanh. Đất nước này có mục tiêu đạt 31% công suất năng lượng tái tạo vào năm 2025 và trở thành quốc gia có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mặc dù chỉ đóng góp chưa đến 1% lượng khí thải toàn cầu. Nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN cũng có mục đích tạo ra một nền kinh tế số bền vững vào năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực chính như cơ sở hạ tầng số, chính phủ số, doanh nghiệp số, kỹ năng số đổi mới sáng tạo, cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trong khi đó, chuyển đổi số là một trong những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các chiến lược xanh hóa nền kinh tế cũng đã và đang được thai nghén với quyết tâm không chấp nhận “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.

Có lẽ cũng vì thế, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định với chuyến thăm lần này, Việt Nam và Malaysia sẽ tăng cường hiểu biết, bổ sung cho nhau và cùng phát triển với tầm nhìn cho giai đoạn mới.

“Bằng cách tập hợp nguồn lực và chuyên môn trong kinh tế số, kinh tế xanh, Malaysia và Việt Nam có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á cũng như củng cố vị thế của chúng ta trong bối cảnh số hóa đang phát triển nhanh chóng”, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai chia sẻ với TG&VN.

Ngoài ra, với đặc thù có chung lợi thế từ biển, cùng coi trọng phát triển kinh tế biển, là láng giềng trên biển, theo Đại sứ Đinh Ngọc Linh, việc tăng cường hợp tác kinh tế biển giữa hai nước cần được ưu tiên nhằm phát huy tiềm năng các ngành kinh tế biển, đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, năng lực, trao đổi thông tin về các vấn đề phát sinh trên biển.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang có lộ trình bài bản nhằm hướng đến tham gia sâu vào thị trường Halal toàn cầu thông qua xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030. Trong khi Malaysia đã và đang khẳng định vị thế là trung tâm Halal hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu các sản phẩm Halal đạt trên 7 tỷ USD/năm. Lãnh đạo Malaysia nhiều lần bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác sang lĩnh vực này và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Do đó, ngành công nghiệp Halal hứa hẹn là chân trời hợp tác mới, đầy triển vọng giữa hai nước.

Dự kiến trong chuyến thăm chính thức Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có các cuộc gặp gỡ với các nhà chính trị, nhà lãnh đạo cao nhất của Malaysia, trong đó có Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch của các Đảng, chính đảng lớn nhất của Malaysia. Ngoài ra, Tổng Bí thư có phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Malaya, là đại học lớn nhất, có uy tín của Malaysia cũng như khu vực và trên thế giới.

Cùng ước muốn về ASEAN tầm vóc

Malaysia là nước có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á, có uy tín và ảnh hưởng trong ASEAN. Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm từng kể tháng 7/1992, Việt Nam trở thành quan sát viên của ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam được mời dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khi đó, ông Abdullah Badawi vỗ vai ông Nguyễn Mạnh Cầm và nói: “Cầm ơi, Việt Nam sẽ sớm vào ASEAN thôi!”.

Từ những cái vỗ vai như vậy, Malaysia luôn hỗ trợ Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội năm 1995. Hai nước luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và sẵn sàng tham gia đóng góp nhiều hơn, chủ động hơn cho công việc chung.

Trong chuyến thăm Malaysia lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ một lần nữa nhấn mạnh cam kết ủng hộ Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và triển khai toàn diện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Malaysia và các nước thành viên ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả các tầm nhìn cộng đồng cũng như các chiến lược và sáng kiến có liên quan nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN hài hòa, gắn kết, giàu bản sắc, có khả năng ứng phó trước những vấn đề nổi lên trong khu vực và trên thế giới.

“Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong mối quan hệ với ASEAN, đánh dấu 30 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội. Trong năm ASEAN 2025, Malaysia hy vọng, với vị thế chiến lược và vai trò tích cực của Việt Nam trong ASEAN, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng cùng các nước thành viên giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và an ninh khu vực”, Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai bày tỏ.

Người Malaysia có câu “Harapan bangsa, menjadi kenyataan” (Tạm dịch: Hy vọng của dân tộc sẽ trở thành hiện thực), thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng và sự phát triển của đất nước. Đến với nước bạn, Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam mang theo một niềm tin lớn lao về tương lai của dân tộc mình, sự phát triển của đất nước bạn và giá trị của cộng hưởng sức mạnh, đoàn kết vì hạnh phúc, hòa bình, thịnh vượng chung.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-bi-thu-to-lam-tham-chinh-thuc-malaysia-cong-huong-suc-manh-vung-buoc-vuon-minh-294530.html