Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Có một nhà triết gia đã nói: 'Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách'. Việt Nam của chúng ta đang trong quá trình phấn đấu để vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh, dân trí tiến bộ. Một đất nước chỉ thực sự đạt đến trình độ đó khi văn hóa đọc phát triển. Tuy nhiên, văn hóa đọc trong cuộc cạnh tranh với sức hấp dẫn từ internet, các phương tiện nghe nhìn... đang là câu chuyện khó tìm lời giải hiện nay.
Nhiều năm nay, để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong cộng đồng các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm để truyền cảm hứng tình yêu sách.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Sơn đọc sách trong giờ giải lao.
Với thông điệp “Sách tìm đến với bạn đọc, những năm qua” hình ảnh chiếc ô tô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” của Thư viện tỉnh đã trở nên quen thuộc với thầy và trò nhiều trường học vùng nông thôn. Em Trang Phương Anh, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Quý Quân (Yên Sơn), không giấu được niềm vui: “Ở quê không đa dạng sách như ở thành phố. Khi thư viện lưu động về, chúng em rất thích vì có nhiều sách hay để đọc, học thêm nhiều điều bổ ích ngoài sách giáo khoa”. Sự linh hoạt trong cách tiếp cận đã giúp “Ánh sáng tri thức” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng giáo viên và học sinh.
Một mô hình độc đáo khác được nhiều trường học tại Tuyên Quang duy trì hiệu quả trong nhiều năm qua là “Thư viện xanh”. Thay vì những thư viện truyền thống với giá sách đơn điệu, “Thư viện xanh” thường được đặt ngay dưới sân trường, dưới những tán cây rợp bóng mát hay bên cạnh những bồn hoa rực rỡ. Các trường như Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang, Tiểu học Thái Bình (Yên Sơn), Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang), Tiểu học Vĩnh Lợi (Sơn Dương)... đã xây dựng thành công những không gian đọc sách thân thiện và gần gũi với thiên nhiên.
Tận dụng mọi địa điểm, mọi ngóc ngách để sáng tạo nên không gian đọc sách ngẫu hứng cho các em học sinh được nhiều trường học thực hiện. Cô giáo Trần Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) chia sẻ, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, tận dụng những khoảng không gian nhỏ bé dưới chân cầu thang, nhà trường tạo thành những “Góc thư viện” độc đáo và đầy màu sắc. Nhờ sáng kiến này, học sinh ở mọi khối lớp, dù không có lịch đọc tại thư viện chính, vẫn có thể dễ dàng tìm đến những trang sách thú vị trong giờ ra chơi.
Thêm một cách làm hay đó là nhiều đơn vị, cơ quan, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi khơi dậy tình yêu sách từ lứa tuổi học sinh. Điển hình như: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm; Cuộc thi đọc sách cấp tỉnh lần thứ nhất dành cho học sinh Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học Bổng Gạo tổ chức…
Em Nguyễn Lê Minh Hạnh, lớp 5G, trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) đoạt giải Nhất cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Tuyên Quang năm 2024. Sau đó bài dự thi của em vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải Nhất. Em Hạnh chia sẻ: “Cuộc thi giúp em thể hiện niềm đam mê đọc sách của mình và lan tỏa sở thích đó đến nhiều bạn bè trong nước. Đây là một sân chơi bổ ích và lý thú”.
Thư viện tỉnh luôn xác định “đầu tàu” để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Bà Đỗ Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, Thư viện tỉnh liên tục bổ sung thêm đầu sách mới phù hợp xu thế và nhu cầu của người đọc, trong đó ưu tiên những bạn đọc trẻ tuổi. Thực hiện xây dựng và phát triển thư viện điện tử, tập trung đẩy mạnh số hóa việc tra cứu, cung cấp tài liệu trên môi trường số.

Cô và trò Trường THCS Thái Hòa (Hàm Yên) trao đổi kiến thức trong sách báo. Ảnh: Huy Hoàng
Từ nhiều năm qua, phát triển văn hóa đọc luôn nhận được sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ Nhân dân miền núi, biên giới vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng mô hình điểm “Mô hình thư viện cơ sở” và tổ chức nhân rộng mô hình theo phạm vi của Chương trình tại địa phương; UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện, sắp xếp thực hiện vận hành “mô hình thư viện cơ sở” tại địa phương…
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay với thông điệp “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Tại Tuyên Quang, UBND các huyện, thành phố, đơn vị trường học, thư viện tổ chức hưởng ứng. Với nhiều hoạt động như: Tổ chức trưng bày các loại sách theo chủ đề; hoạt động trải nghiệm cùng sách, phục vụ nhiều thể loại sách khác nhau; trưng bày, giới thiệu và bán sách, tranh ảnh, các sản phẩm STEM…
Với xu hướng trong kỷ nguyên mới, sách còn được phát triển ở dạng điện tử, e-book... Dẫu tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào thì sách vẫn khẳng định được vai trò, vị thế mang đến nguồn tri thức cho nhân loại của mình. Do đó việc lan tỏa tình yêu sách là “sứ mệnh” của tất cả mỗi người và bắt đầu ngay từ hôm nay.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong
Cần sự đầu tư đồng bộ
Văn hóa đọc thời nào cũng quan trọng. Thế nhưng, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay thì việc đọc sách truyền thống ít nhiều có sự ảnh hưởng nhất là với giới trẻ. Tôi cho rằng, với việc đọc cần nhất là rèn thói quen từ lúc nhỏ và duy trì suốt đời. Sẽ rất khó cho một người thích đọc mà xung quanh không có các thiết kế như thư viện, tủ sách nghèo nàn, không có nơi chia sẻ, đọc một cuốn sách không biết trao đổi với ai. Vì vậy, làm thế nào để văn hóa đọc phát triển đấy là một việc rất đáng suy nghĩ nhất là những người làm công tác tuyên truyền, công tác thư viện. Muốn thu hút nhiều người tìm đến kho tàng tri thức của nhân loại thì từ chính tác giả cần có những tác phẩm hay, rồi đến các nhà xuất bản trong việc lựa chọn và xuất bản những cuốn sách có giá trị nội dung và hình thức hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của độc giả. Các cơ quan, tổ chức, trường học, địa phương cần có nhiều các hoạt động như giới thiệu sách, các cuộc thi liên quan đến sách, tủ sách cơ sở phải đa dạng, thường xuyên có những đầu sách mới để thu hút độc giả. Từ đó, lan tỏa tình yêu đọc sách trong cộng đồng.

Cô giáo Trần Thị Vân
Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang)
Tạo môi trường, cảm hứng đọc sách
Nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong học đường, nhà trường thường xuyên phát động phong trào “Mỗi tuần một cuốn sách” đến tất cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh việc duy trì hiệu quả mô hình Thư viện thân thiện với hơn 10.000 cuốn sách đa dạng các thể loại phù hợp với học sinh, nhà trường đã tận dụng khoảng không gian ở chân các cầu thang để tu sửa, trang trí thành các góc thư viện mở giúp học sinh thoải mái đọc sách trong giờ ra chơi. Tại mỗi lớp học, từ nhiều năm nay luôn duy trì hoạt động của tủ sách mini để các em thường xuyên trao đổi với nhau những cuốn sách hay. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa về sách như: Kể chuyện theo sách, tìm hiểu về sách... để các em phát triển tư duy và vận dụng hiệu quả vào học tập; tổ chức hoạt động “Góp 1 cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách” trong toàn trường và nhận được sự hưởng ứng cao từ học sinh, giáo viên và phụ huynh. Đặc biệt, để lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh vùng sâu vùng xa, trường cũng lựa chọn các cuốn sách, truyện phù hợp để trao tặng các điểm trường với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé, hỗ trợ việc học, đọc sách cho các em tại những vùng còn khó khăn.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh
Đa dạng hình thức phục vụ bạn đọc
Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, Thư viện tỉnh luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhằm đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, nhất là độc giả vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Thư viện tỉnh mở rộng hình thức phục vụ bạn đọc qua xe thư viện lưu động đa phương tiện; luân chuyển, bổ sung thêm đầu sách, báo xuống các địa phương, trường học. Đơn vị cũng chú trọng tổ chức các cuộc thi như “Đại sứ văn hóa đọc”, các hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam; ngày hội đọc sách, tuyên truyền giới thiệu sách; tổ chức triển lãm sách, báo, tư liệu nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn. Đặc biệt, Thư viện tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc cả trên nền tảng mạng trực tuyến; đưa các ấn phẩm báo, tạp chí lên các nền tảng số qua việc xây dựng chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới, ấn phẩm thông tin trên mạng xã hội. Trên trang fanpage Thư viện Tuyên Quang mỗi tuần đều có chuyên mục giới thiệu sách mới đến bạn đọc. Từ đó, giúp độc giả có thêm kênh tiếp cận, sự lựa chọn để tìm đọc những cuốn sách hay.

Chị Phạm Thị Huyền Chang, xã Trung Môn (Yên Sơn)
Người bạn đồng hành không thể thiếu
Thời đại công nghệ số đã tạo ra nhiều thay đổi trong văn hóa đọc đặc biệt là đối với giới trẻ như tôi. Bên cạnh việc đọc sách truyền thống, tôi tìm đến sách điện tử để lựa chọn cho mình những cuốn sách hay, đa dạng hình thức đọc từ thể loại lật trang đến sách tương tác, sách 3D, sách nói… Mỗi ngày, tôi dành khoảng 30 - 45 phút để đọc sách. Với việc đọc trên thiết bị điện thoại thông minh nên tôi có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Mỗi khi đọc, thấy những câu hay, bài học ý nghĩa hay kiến thức mới tôi sẽ cẩn thận ghi lại vào quyển sổ. Cũng nhờ nền tảng số mà tôi dễ dàng đặt mua sách giấy online trên các nhà sách trực tuyến. Theo tôi, dù lựa chọn hình thức đọc sách nào thì quan trọng vẫn là cách khai thác, sử dụng của mỗi người để giá trị mỗi cuốn sách được phát huy.