Dân tộc Kháng là một trong 19 dân tộc anh em sinh sống lâu đời tại miền núi Tây Bắc. Tại Điện Biên, người Kháng sinh sống thành từng bản, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé. Trong ảnh: Khu vực tổ chức Lễ cúng thần rừng được diễn ra ở cạnh suối, lán để thờ thần rừng sẽ được dựng trang nghiêm dưới gốc cây cổ thụ, được rào xung quanh tránh trâu, bò phá.
Việc phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, sinh kế chủ yếu là ăn theo đất, theo nước nên đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của người Kháng rất đa dạng, luôn gắn liền với nông nghiệp. Trong đó Lễ cúng thần rừng là một trong những nghi lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Kháng.
Bởi thần rừng là người cai quản, bảo vệ con người, cây trồng, vật nuôi trong bản làng, về ý nghĩa nào đó, cúng thần rừng cũng là một nghi thức cầu mưa, mùa khô hạn nhanh qua, mùa mưa nhanh tới để sản xuất nông nghiệp, đồng thời cầu xin các thế lực siêu nhiên che chở, bảo vệ mỗi cá thể trong cộng đồng dân tộc Kháng, mọi người không ốm đau, bệnh tật, có sức khỏe tốt, cây trồng, vật nuôi ít bị bệnh, mùa màng bội thu, tươi tốt.
Thực hiện các nghi lễ, chuẩn bị lễ vật đều được những người đàn ông trong bản thực hiện, phụ nữ sẽ không được đến gần khu vực làm lễ.
Chế tạo các vật dụng, dụng cụ thờ cúng như chén, bát, đũa bằng tre
Lễ cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) được dân tộc Kháng tổ chức thường niên hàng năm và cứ khoảng ba năm sẽ tổ chức lớn một lần. Thời gian tổ chức lễ cúng thường sẽ là cuối mùa khô (cuối T4, đầu T5). Khi tham dự, mỗi gia đình sẽ mang một chiếc áo của chủ nhà (là đàn ông) để cạnh mâm cúng thần linh để các thần, các quan biết mặt, làm chứng.
Tổng cộng có 13 mâm lễ, 1 mâm lễ chính được bày trong lán thờ, 12 mâm lễ còn lại được bày ở bãi đất trống ngoài trời.
Mâm lễ chính đại diện cho vị thần chủ nhà, là vị thần cai quản nơi tổ chức lễ, 12 mâm lễ còn lại sẽ là mâm cúng của các vị thần khách mời.
Thầy mo sẽ chọn một thân cây nhỏ, chặt làm 13 khúc dài 10cm và chẻ đôi để làm quẻ âm dương, nhằm câu thông với thần linh.
Trong lễ cúng thầy mo sẽ làm lí, cúng mời thần rừng, thần đất, thần nước… về làm chứng, đồng thời sẽ gieo quẻ âm dương để xin phép tổ chức lễ. Trong ảnh: Thầy mo và người phụ việc sắp lễ để “cúng sống”, mời thần rừng và các vị thần cai quản bản mường về dự và mở lễ.
Khi tổ chức lễ, người Kháng sẽ cắm “ta leo” với ngụ ý ở bản đang cúng lễ và tạm thời cấm bản, nếu ai vào bản sẽ bị phạt, phải nhờ thầy mo làm lí. Giữa các taleo sẽ được giắt lông gà và các cọng lạt bện thành mắt xích tượng trưng cho các bậc thang để các vị thần có đường đi xuống dùng lễ.
Lễ vật bao gồm thịt lợn, thịt gà, rượu, xôi nếp.
Thầy mo tiến hành mời các vị thần khách về dự, sau khi khấn cầu thầy mo sẽ tung quẻ âm dương, cứ như vậy tuần tự đến hết 12 mâm lễ.
Sau khi xin quẻ âm dương, được chấp thuận mở lễ, mọi người trong bản tiến hành chế biến, nấu chín các lễ vật.
Sau khi cúng xong, đợi một khoảng thời gian nhất định, thầy mo và người phụ việc sẽ thay mặt người dân trong bản xin phép thần linh tại lán chính để có thể kết thúc lễ, dọn lễ và tổ chức ăn uống. Trong không khí vui mừng, ấm cúng của bản làng, mọi người cùng nhau tâm sự, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong cuộc sống. Có thể thấy đây cũng là dịp để các thành viên trong cộng đồng dân tộc Kháng gặp mặt giao lưu và học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng./.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc