Cuộc bầu cử định hình tương lai EU theo cách nào?

Nghị viện châu Âu (EP) đóng vai trò đáng kể trong một số quyết định của Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy, trong bối cảnh làn sóng các đảng cực hữu với quan điểm bài hội nhập và châu Âu đang nổi lên, cuộc bầu cử sẽ định hình tương lai của Liên minh, đặc biệt là những tác động đối với chính sách môi trường, nhập cư, quốc phòng và đối ngoại.

Cách Nghị viện châu Âu tác động đến chính sách

Là một cơ quan lập pháp ngày càng chứng tỏ quyền lực, vai trò của EP sẽ được thể hiện rõ nét trong ba lĩnh vực:

Nghị viện châu Âu khóa 9. Nguồn: Europarl

Nghị viện châu Âu khóa 9. Nguồn: Europarl

Thứ nhất, EP khóa mới sẽ chịu trách nhiệm bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu và phê chuẩn thành phần Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới. Điều này ảnh hưởng đến các chính sách như phòng thủ châu Âu, pháp quyền, việc kết nạp thêm thành viên đối với Ukraine hay Tây Balkan, chính sách di cư.

Thứ hai, EP sẽ tham gia trực tiếp vào quy trình lập ngân sách cho kế hoạch ngân sách tiếp theo của EU, bắt đầu từ năm 2028. Trong trường hợp các đảng cực hữu giành được nhiều ghế hơn trong cơ quan lập pháp, EP sẽ khó có thể tiếp tục ưu tiên một ngân sách tham vọng về môi trường và chuyển đổi xanh.

Thứ ba, EP đóng vai trò chính trong việc phê duyệt hoặc bác bỏ các đạo luật của liên minh, cải cách các hiệp ước để cho phép mở rộng ổn định, xem xét Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng cũng như các chính sách cạnh tranh, chưa kể đến các quy định mới trong lĩnh vực công nghệ, thương mại và công nghiệp.

Các cuộc thăm dò cho thấy ưu thế các đảng cánh hữu và cực hữu dù trung tâm chính trị truyền thống dự kiến sẽ được giữ vững. Sự thay đổi này có thể sẽ tác động đến quá trình hoạch định chính sách của EU.

Chính sách an ninh và quốc phòng

Thoạt nhìn, cuộc bầu cử dường như có tác động không đáng kể đến chính sách an ninh và quốc phòng châu Âu. Lý do chính mang tính thể chế: Chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU mang tính liên Chính phủ, được chỉ đạo bởi những người đứng đầu nhà nước và Chính phủ trong Hội đồng châu Âu hoặc Hội đồng Đối ngoại, còn EP đóng vai trò chủ yếu như một cơ quan tư vấn hoặc giám sát.

Tuy nhiên, EP hoàn toàn có thể tận dụng vị thế của mình thông qua các biện pháp gây sức ép. Chẳng hạn gần đây họ từ chối phê duyệt ngân sách cho đến khi các hệ thống phòng không Patriot mới được cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, EP phê duyệt thành phần của Ủy ban và bầu Chủ tịch Ủy ban. Nếu các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc giành được sức mạnh trong EP, họ có thể xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của Ủy ban trong các lĩnh vực chủ quyền quan trọng, bao gồm cả quốc phòng. Điều quan trọng là EP cũng tham gia vào việc thông qua ngân sách chung, bao gồm khuôn khổ tài chính 7 năm (MFF) và ngân sách hàng năm. Trong các cuộc đàm phán MFF gần đây nhất, đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng đã được giảm bớt để ưu tiên cho các lĩnh vực truyền thống hơn như nông nghiệp.

Liệu EU có áp dụng một chính sách quốc phòng tham vọng hơn hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thành phần của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới. Ứng cử viên nặng ký nhất, bà Ursula von der Leyen, đã đặt quốc phòng vào trung tâm chiến dịch của mình khi bày tỏ muốn thành lập vị trí Ủy viên Quốc phòng châu Âu cũng như phát hành trái phiếu quốc phòng.

Chính sách kinh tế và tài chính

Cuộc bầu cử sẽ không tác động đối với quỹ đạo của nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng ở khu vực đồng euro tiếp tục tăng, vào khoảng 1%, con số khá khả quan đối với châu Âu.

Tuy nhiên, thành phần của EP sẽ rất quan trọng trong việc định hình một số chính sách chiến lược liên quan đến kinh tế. Thứ nhất, EP phải tiếp tục thúc đẩy các chính sách về khí hậu và chuyển đổi năng lượng, tập trung vào việc tăng cường kết nối điện và tài trợ cho Thỏa thuận Xanh châu Âu. Thứ hai, EP phải bảo đảm tiến bộ trong chính sách công nghiệp và an ninh kinh tế, đặc biệt là về công nghệ, nguyên liệu thô quan trọng, chất bán dẫn, xe điện, khả năng phục hồi kinh tế và khả năng cạnh tranh tổng thể. Thứ ba, EP phải giải quyết các nhu cầu xã hội của công dân, bao gồm mối lo ngại về nhà nước phúc lợi, bất bình đẳng, khả năng tiếp cận nhà ở, việc làm có chất lượng, tất cả trong bối cảnh dân số già đi khiến việc tài trợ dịch vụ công trở nên phức tạp. Thứ tư, EP sẽ phải thúc đẩy viện trợ cho Ukraine, tăng cường năng lực quân sự và có được các phương tiện để đóng vai trò lớn hơn trong địa chính trị toàn cầu. Cuối cùng, EU sẽ cần có những cải cách ngân sách đáng kể để giải quyết những thách thức này, có thể bao gồm cả việc tạo ra các loại thuế châu Âu và phát hành nợ chung cho các mục đích cụ thể.

Một EP bị phân mảnh, và đặc biệt là một EP trong đó các đảng cực đoan cánh hữu có nhiều ảnh hưởng hơn, sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực thống nhất chính sách, cung cấp các nguồn lực của châu Âu thông qua các liên minh tài chính, ngân hàng và năng lượng.

Chính sách môi trường và nhập cư

Sự đột phá của phe cực hữu vào ngày 9.6 sẽ có tác động lớn đến chính sách nhập cư. Vào ngày 10.4 vừa qua, EP đã thông qua Hiệp ước Tị nạn và Di cư, một văn bản sàng lọc những người xin tị nạn ở biên giới EU và thử thách tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên EU: hoặc họ đồng ý chào đón người di cư, hoặc họ phải trả tiền cho những nước khác tiếp nhận. Chính sách này không chỉ bị một số quốc gia như Hungary và Ba Lan bác bỏ, những nước không muốn chào đón người nhập cư, cũng không muốn trả tiền, mà còn bị phe cực hữu - vốn nổi tiếng với quan điểm bài ngoại, cực lực lên án.

Một vấn đề quan trọng khác là chính sách môi trường. Sau bước đột phá của chủ nghĩa bảo vệ môi trường trong cuộc bầu cử châu Âu vào năm 2019, vấn đề môi trường đã trở thành ưu tiên hàng đầu của EU trong việc triển khai Thỏa thuận Xanh - với mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, sự tức giận của giới nông dân, được các đảng dân túy chống lưng, đã dẫn đến một cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn châu Âu thời gian qua nhằm chống lại các tiêu chuẩn môi trường. Một EP thiên hữu có thể sẽ khiến các chương trình môi trường tham vọng phải điều chỉnh trong đó, Thỏa thuận Xanh có thể phải tạm dừng.

Chính sách đối ngoại và mở rộng

Mặc dù các quốc gia thành viên nắm quyền lực chính trong chính sách đối ngoại, EP có ảnh hưởng đáng kể thông qua ngân sách (tài trợ cho các quốc gia trước khi gia nhập), và có quyền phê duyệt các thành viên mới của EU. Sự gia tăng đại diện của phe cực hữu có thể làm phức tạp thêm quá trình phê chuẩn của EP đối với các hiệp ước gia nhập, tăng cường hỗ trợ tài chính cho các cải cách liên quan đến mở rộng và củng cố pháp quyền.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cuoc-bau-cu-dinh-hinh-tuong-lai-eu-theo-cach-nao--i375010/