Cuộc cách mạng công nghệ ở nông thôn Ấn Độ

Kriti Kumari, 19 tuổi, là một trong 31 phụ nữ khó khăn tại Trung tâm Sapna ở làng Kandabari (tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ).

Một buổi học trực tuyến về lập trình được các sinh viên tại Trung tâm Sapna tham dự. Ảnh: Rishabh Jain

Một buổi học trực tuyến về lập trình được các sinh viên tại Trung tâm Sapna tham dự. Ảnh: Rishabh Jain

Trung tâm cung cấp chương trình đào tạo kéo dài một năm, trong đó phụ nữ được dạy lập trình và thiết kế web, học quản lý dự án và toán tiểu học cho những người có nguyện vọng trở thành giáo viên.

Kumari, quê ở tiểu bang Jharkhand, miền Trung Ấn Độ, đã làm việc tại trung tâm 4 tháng. Cô cho biết, nếu không có trung tâm, cô đã kết hôn và phải ở nhà làm việc.

Trung tâm này do Sajhe Sapne điều hành, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2020 bởi Surabhi Yadav, 34 tuổi. Cô là cựu sinh viên của trường kỹ thuật hàng đầu, Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) tại Delhi. Cho đến nay, trung tâm đã có 90 học viên tốt nghiệp.

Đối với những phụ nữ trẻ như Kumari, các kỹ năng lập trình giúp họ tiếp cận ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trị giá 250 tỷ USD của Ấn Độ, nơi tuyển dụng hơn 5 triệu người và có 36% lực lượng lao động là phụ nữ.

Kumari cho biết, mục tiêu của cô sau khi hoàn thành khóa học là có việc làm trong ngành CNTT, mặc dù đến nay đó không phải là một hành trình dễ dàng. Cô chưa bao giờ nghe đến việc viết chương trình cho máy tính và ban đầu gặp khó khăn trong việc hiểu khái niệm này.

Cô Yadav cho biết, rào cản ngôn ngữ là một trong những lý do khiến phụ nữ nông thôn có thể không xuất sắc trong các khóa học STEM. Tại Sajhe Sapne, giáo viên không quan tâm đến việc học viên có tốt nghiệp trung học hay không, đặc biệt là vì trình độ giáo dục ở nông thôn Ấn Độ có thể rất không đồng đều. Thay vào đó, học viên phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh để kiểm tra kiến thức về tiếng Anh và lý luận.

Giáo viên sử dụng ngôn ngữ địa phương từ các vùng khác nhau của học viên, gồm Bundelkhandi, Maghi, Bhojpuri hoặc tiếng Hindi, để dạy các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và JavaScript.

Muskaan, một người quản lý chương trình tại Sajhe, đã làm việc với trung tâm 2 năm qua và tin rằng ngôn ngữ là khía cạnh quan trọng nhất của phương pháp sư phạm.

Cô Yadav kể về cựu học sinh Anjani Kumari đến từ làng Baghmara ở Uttar Pradesh. Năm ngoái, cô dạy anh trai cách sử dụng Google Trang tính để ghi lại các dịch vụ tưới tiêu và quản lý các khoản thanh toán cho trang trại của họ. Tương tự như vậy, cô cũng giới thiệu một hệ thống kỹ thuật số tại nhà trẻ trong làng để ghi lại dữ liệu về trẻ em.

Vượt qua khó khăn

Preeti Kumari là người bản xứ Bihar, một trong những tiểu bang nghèo nhất Ấn Độ và là học viên tại trung tâm, đang được đào tạo để trở thành nhà phát triển web. Cô nhớ lại mình đã phải đấu tranh rất nhiều để được đi học. Cô biết về cơ hội này từ một người họ hàng, nhưng bố mẹ đã ngăn cản cô đi học.

Tỷ lệ bỏ học sau lớp 10 ở Bihar lên tới 42%, một trong những nơi tệ nhất cả nước. Hôn nhân ở tuổi mới lớn trên khắp cả nước vẫn khá phổ biến với 41% phụ nữ kết hôn trước 19 tuổi và nhiều người không bao giờ học cao đẳng hoặc đại học.

Hầu hết phụ nữ tại Trung tâm Sapna đã phải vượt qua các ranh giới xã hội, chống lại sự phản đối của cha mẹ và trong một số trường hợp thoát khỏi những cuộc hôn nhân sớm. Như Kriti Kumari, người đã chịu áp lực từ cha mẹ để kết hôn và chỉ được giải thoát sau khi gia đình chú rể không hài lòng với của hồi môn được đưa ra.

 Bà Surabhi Yadav (đeo kính) muốn đào tạo ít nhất 20.000 phụ nữ trong 5 năm tới. Ảnh: Rishabh Jain

Bà Surabhi Yadav (đeo kính) muốn đào tạo ít nhất 20.000 phụ nữ trong 5 năm tới. Ảnh: Rishabh Jain

Kế hoạch mở rộng

Nhóm học viên đầu tiên của cô Yadav năm 2020 là 25 người, gồm phụ nữ từ cộng đồng Musahar ở Bihar, một trong những cộng đồng nghèo nhất và bị xã hội xa lánh nhất của Ấn Độ.

Cô nhận được khoản đầu tư khởi điểm thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng. Mục tiêu gây quỹ ban đầu là 1,5 triệu rupee, nhưng 3 ngày sau khi phát động chiến dịch, cô đã gây quỹ được 2,6 triệu rupee. Không chỉ gia đình và bạn bè đóng góp, những người nổi tiếng cũng biết đến và chia sẻ sáng kiến, giúp cô vượt qua mục tiêu của mình. Từ đó, cô nhận được nhiều khoản tài trợ từ các doanh nghiệp xã hội khác nhau.

 Học viên biểu diễn vở kịch bằng tiếng Anh tại Trung tâm Sapna. Ảnh: Rishabh Jain

Học viên biểu diễn vở kịch bằng tiếng Anh tại Trung tâm Sapna. Ảnh: Rishabh Jain

 Tờ rơi giới thiệu trò chơi do một số học viên tạo ra. Ảnh: Rishabh Jain

Tờ rơi giới thiệu trò chơi do một số học viên tạo ra. Ảnh: Rishabh Jain

Mục tiêu của Yadav là đào tạo ít nhất 20.000 phụ nữ trong 5 năm tới. Cô muốn tập trung vào một hoặc 2 khu vực địa lý để có sự thay đổi xã hội mạnh mẽ về những gì được kỳ vọng ở phụ nữ nông thôn. Điều đó sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể.

Chương trình lưu trú kéo dài một năm tại Trung tâm Sapna có giá 1.146 USD/học viên. Cô đang cân nhắc ý tưởng thành lập các trung tâm phi lưu trú, nơi có thể đào tạo cùng lúc 20 - 25 phụ nữ từ một ngôi làng.

Ý tưởng đó vẫn còn trong giai đoạn đầu. Hiện, Yadav đang hướng đến chính các học viên với ý tưởng “Mỗi người dạy một người” và yêu cầu người tốt nghiệp trả học phí cho học viên mới, giống như họ từng được giúp đỡ. Mục tiêu của cô là củng cố mạng lưới cựu sinh viên để trở thành những nhà đầu tư, người có sức ảnh hưởng và nguồn cảm hứng chính cho học viên tương lai.

Cô cũng yêu cầu các gia đình của học viên hiện tại trả khoản phí hàng tháng là 24 USD nếu họ có đủ khả năng tài chính. Đây là thử nghiệm xem liệu có thành công trong việc hỗ trợ nhu cầu tài trợ của trung tâm hay không.

Tuy nhiên, Yadav thừa nhận về lâu dài, không có cách nào trong số trên có thể đáp ứng đủ nhu cầu nếu bà muốn tạo ra tác động lớn hơn. Cách duy nhất để làm được điều đó là trở thành một phần của các chương trình và kế hoạch hiện có của chính phủ.

Hiện, học viên Trung tâm Sapna có tỷ lệ tìm được việc làm là 75%. Học viên tốt nghiệp tìm được việc làm liên quan đến quản lý dự án, lĩnh vực kỹ thuật và giáo viên Toán tiểu học.

Tuy nhiên, học viên tốt nghiệp không phải lúc nào cũng có con đường dễ dàng nhất để tìm việc làm. Một số người đã phải đối mặt với sự từ chối từ nhà tuyển dụng do chưa có bằng đại học. Những người bị từ chối đã tìm lối đi riêng như là tự kinh doanh, cung cấp dịch vụ phát triển web và tạo các ứng dụng.

Theo Al Jazeera

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghe-o-nong-thon-an-do-post706099.html