Cuộc cách mạng truyền thông số lần thứ ba: Báo chí có thể bắt kịp?

Khi không ít tổ chức báo chí trên thế giới vẫn đang loay hoay với những bước đi đầu tiên trong kỷ nguyên số, thì thế giới truyền thông đã bước sang 'cuộc cách mạng thứ ba' bởi những bước tiến thần tốc của trí tuệ nhân tạo (AI). Báo chí cần phải tiếp tục chuyển mình để theo kịp xu thế thời đại, nếu không muốn trở thành người thua cuộc!

Kỷ nguyên mới của Internet - Kỷ nguyên mới của truyền thông Mỗi cuộc cách mạng trong thế giới internet đều tác động mạnh mẽ đến truyền thông và báo chí, khiến các tổ chức tin tức buộc phải thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển. Và một kỷ nguyên mới nữa của internet lại đang hình thành một cách nhanh chóng bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Thế giới báo chí đang phải vội vàng bước sang một ngã rẽ tiếp theo, dù vô cùng thách thức song vẫn còn đó những cơ hội.

“Cuộc cách mạng truyền thông số lần thứ ba”

Hãy trở lại quá khứ để thấy các cuộc cách mạng truyền thông đã diễn ra với tốc độ chóng mặt đến mức nào, không khác gì tốc độ đường truyền internet hiện nay. Cuộc cách mạng truyền thông số đầu tiên của báo chí có thể nói gắn liền với cái gọi là Web 1.0, một từ viết tắt đề cập đến giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển của World Wide Web, từ khoảng năm 1989 đến năm 2004.

Nhưng đó là một sự khởi đầu khá nhẹ nhàng với ngành truyền thông, khi các trang web hoạt động khá sơ sài, thậm chí còn gần như chưa tác động tới cả ngành báo in truyền thống. Tuy nhiên, rất nhanh, sự bùng nổ với tốc độ như ánh sáng của công nghệ đã thay đổi tất cả. Kỷ nguyên Web 2.0 ra đời, được đánh dấu bằng Hội nghị Web 2.0 đầu tiên vào năm 2004.

Web 2.0 được định nghĩa là một giai đoạn mà các trang web trở thành một nền tảng đa dữ liệu, giúp ngay cả người dùng bình thường cũng có thể dễ dàng tham gia vào cuộc chơi, thông qua sự xuất hiện của các nền tảng đầy sự tương tác như Yahoo, Facebook, Blogger... Lúc này chất lượng internet cũng đã được cải thiện vượt bậc và lan truyền tới gần như mọi ngõ ngách trên hành tinh, thiết bị truy cập cũng trong tầm với của mọi người.

 Các gã khổng lồ công nghệ như Google đang không ngừng phát triển các mô hình tìm kiếm AI mới. Ảnh minh họa: Digichefs

Các gã khổng lồ công nghệ như Google đang không ngừng phát triển các mô hình tìm kiếm AI mới. Ảnh minh họa: Digichefs

Chatbot ngày càng được sử dụng nhiều thay cho công cụ tìm kiếm

Theo khảo sát của YouGov từ Vương quốc Anh, nhận thức của công chúng về những công cụ AI đang tăng lên. Cuộc thăm dò cho thấy khoảng 2/3 (65%) dân số trưởng thành ở Vương quốc Anh đã nghe nói về 1 trong 5 chatbot, trong đó ChatGPT (59%) được ghi nhận nhiều nhất. Tỷ lệ sử dụng ChatGPT thường xuyên (hàng tuần) tính chung chỉ là 9%, song con số này tăng lên 25% đối với nhóm tuổi 18 - 24. Những lý do hàng đầu để sử dụng chatbot bao gồm đặt các câu hỏi nhanh mang tính thực tế (37%), viết bài luận (29%) và nghiên cứu một chủ đề quan tâm (28%) - những tác vụ mà trước đây người ta thường sử dụng công cụ tìm kiếm.

Kể từ đó, nền báo chí thế giới đã chính thức rẽ sang một hướng khác. Ngành báo in từng đầy ngạo nghễ và có truyền thống hàng thế kỷ sụp đổ. Công cuộc chuyển đổi số trong báo chí bắt đầu diễn ra. Các tòa báo đồng loạt đổ lên không gian mạng tìm lại độc giả.

Nhưng, miếng bánh lúc này đã được chia lại! Rất nhiều tờ báo in danh tiếng thất bại, đồng thời đã xuất hiện những người chiến thắng mới: những trang tin nóng hổi, những tòa báo sinh ra đã là “điện tử” và một số tờ báo in thức thời. Họ là những người đã nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng được khẩu vị mới của độc giả, nhờ những hàng tin nóng liên tục, những dòng tít đầy khiêu khích hay những thể loại báo chí đầy màu sắc và sinh động... trong một không gian internet vô tận như vũ trụ.

Dẫu sao, báo chí lúc đó nói chung vẫn là người chiến thắng. Mọi người vẫn vào các trang báo khi muốn tìm tin tức. Nhưng vị thế của báo chí và thói quen của độc giả đó không còn kéo dài được lâu. Thời đại bùng nổ của internet đã sinh ra cái gọi là ông lớn công nghệ (Big Tech), bắt đầu từ Yahoo, Meta, Google, Microsoft… và giờ có thêm TikTok. Họ đã lên kế hoạch âm thầm “thôn tính” tất cả người dùng trên mạng, gồm độc giả của báo chí.

Bằng nhiều cách, gồm công nghệ vượt trội và cả chiêu trò, rút cuộc thì như đã biết họ đã thành công. Kết quả là nếu internet nói chung biến báo chí thành sản phẩm miễn phí để đổi lấy tiền quảng cáo, thì các Big Tech còn khiến báo chí phải phụ thuộc họ trong việc phát hành, qua đó tiếp tục khiến báo chí mất thêm phần lớn nguồn thu và độc giả của mình.

Nhưng thực tế còn sẽ khắc nghiệt hơn với báo chí tới đây. Ngay cả một số trang báo mạnh mẽ nhất, vẫn đang giành được lợi nhuận từ quảng cáo nhờ lượt truy cập cao, cũng đang và sẽ phải đối mặt với một tương lai bất định. Đơn giản, kỷ nguyên kỹ thuật số thứ hai của báo chí, tức các trang web tin tức dựa vào kênh phát hành của Google hay các nền tảng MXH, cũng đang lụi tàn.

Đó là xu hướng đã được thế giới báo chí dự báo, thậm chí các thống kê còn đang khẳng định điều đó. Facebook và những MXH khác đang ngày càng giảm mức độ ưu tiên của tin tức trong những năm qua. Những người làm báo hẳn vẫn còn nhớ Facebook từng tuyên bố tin tức gần như không có giá trị kinh tế gì với họ.

Công ty mẹ Meta của Facebook còn đang học theo TikTok để khuyến khích những người sáng tạo nội dung, hoặc “nhà báo ngồi nhà”, tự “sáng tạo” nội dung hơn là các nhà báo, tòa soạn truyền thống. Dữ liệu từ công ty phân tích Chartbeat, nguồn cung cấp cho Báo cáo Xu hướng Báo chí năm 2024 của Viện Báo chí Reuters chỉ ra rằng lưu lượng truy cập Facebook đến các sản phẩm tin tức và truyền thông đã giảm 48%, với lưu lượng truy cập từ X (trước là Twitter) giảm 27% và Instagram giảm 10%. Đó là thực tại mà báo chí không thể trốn tránh.

Song chẳng phải vẫn còn đó những nền tảng đề xuất lớn hơn như Google hay Bing hay sao? Câu trả lời là những niềm hy vọng cuối cùng này cũng đang tan như bong bóng xà phòng. Tại sao ư? Vì thế giới internet đã lại thay đổi một lần nữa. “Cuộc cách mạng thứ ba” của truyền thông số với sự tăng cường vũ bão của AI đã bắt đầu!

 Mô hình GPT-4o của OpenAI có thể giúp người dùng nói chuyện và hỏi AI về mọi thứ theo thời gian thực, gồm cả tin tức.

Mô hình GPT-4o của OpenAI có thể giúp người dùng nói chuyện và hỏi AI về mọi thứ theo thời gian thực, gồm cả tin tức.

Cuộc cách mạng tìm kiếm AI: “Hung tin” với báo chí

Không lâu trước khi bài báo này đến tay độc giả, một tin thú vị đã đến với thế giới công nghệ và người dùng nói chung, nhưng lại là “hung tin” với báo chí. Đó là Google chính thức cho ra mắt công cụ tìm kiếm AI tổng hợp - có tên tiếng Anh là AI Overviews - mà hãng công nghệ này đã ấp ủ từ lâu. Google vốn đã bổ sung AI vào công cụ tìm kiếm nổi tiếng của mình trước đó, nhưng đây mới được xem có thể là đòn giáng “chí mạng” với báo chí.

Với AI Overviews, Google sẽ tổng hợp mọi thông tin xuất hiện trên mạng, dễ dàng lục lọi cả các nguồn tin báo chí bản quyền hoặc kể cả độc quyền (như các hãng tin và trang báo trả phí), để trả lời cho độc giả, thay vì đưa ra các link liên kết, qua đó chắc chắn sẽ càng khiến lượng truy cập của báo chí ngày càng giảm sút, thậm chí về con số 0. Trước Google, thì OpenAI cũng đã công bố sẽ sớm tung ra những sản phẩm tìm kiếm AI tương tự.

Thực ra, báo chí đã lường trước được xu thế đáng lo ngại này, không phải đến khi Google hay OpenAI công bố cả sản phẩm tìm kiếm tin tức AI nói trên. Ngay từ giữa năm 2023, Google, Microsoft và những công ty công nghệ khác đã đua nhau phát triển công cụ tìm kiếm hiển thị nội dung mới được gọi là Trải nghiệm sáng tạo tìm kiếm (SGE), cung cấp câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi, thay vì danh sách liên kết truyền thống đến các trang web báo chí và tin tức.

Bing của Microsoft cũng là một trong những công cụ AI đầu tiên tích hợp tin tức theo thời gian thực thông qua sự hợp tác với OpenAI. Các mô hình AI này đã được đào tạo về nội dung từ khắp nơi trên internet, bao gồm cả các trang web tin tức. Giờ đây, những khả năng này đang được tích hợp trong bộ sản phẩm mở rộng của Microsoft, được đổi tên thành trợ lý Copilot AI.

Về phần mình, Google cũng tiếp tục “vũ trang” trong cuộc đua AI bằng việc phát hành Gemini, một tập hợp các mô hình ngôn ngữ lớn đa phương thức có khả năng tương tự như ChatGPT. Gemini, cũng được đào tạo về nội dung từ internet cũng như các nguồn khác, có thể hoạt động trên văn bản, hình ảnh, âm thanh và video.

“Sự can thiệp của AI sẽ làm gia tăng các vấn đề về mô hình kinh doanh báo chí. Trải nghiệm sáng tạo tìm kiếm sẽ thay thế một số chức năng của các phương tiện truyền thông” - nhà báo Chani Guyot từ nền tảng truyền thông kỹ thuật số chuyên về giải pháp báo chí RED/ACCÍON của Argentina nhận định trong sự lo lắng.

Thậm chí, với AI, không chỉ Big Tech mà cả các Startup công nghệ cũng có thể tham gia vào cuộc đua tìm kiếm, để giành giật tin tức báo chí. Perplexity.ai là một trang web và trình duyệt tiện ích mở rộng cho phép bạn đặt câu hỏi hoặc tóm tắt bất kỳ bài báo nào. Pi.ai tự nhận mình là người bạn đồng hành có khả năng trò chuyện tự nhiên về bất kỳ chủ đề nào, kể cả những tin tức mới nhất!

 Các mô hình AI tìm kiếm tinh vi sẽ tiếp tục “đánh cắp” các sản phẩm của báo chí và sẽ khiến độc giả ngày càng ít vào các trang tin tức truyền thống. Ảnh: Getty Images

Các mô hình AI tìm kiếm tinh vi sẽ tiếp tục “đánh cắp” các sản phẩm của báo chí và sẽ khiến độc giả ngày càng ít vào các trang tin tức truyền thống. Ảnh: Getty Images

AI sẽ thay thế các trang web tìm kiếm, mua sắm

Phát biểu tại sự kiện AI Forward 2023, Tỷ phú Bill Gates - nhà đồng sáng lập Microsoft, cho biết cuộc đua công nghệ hiện nay là phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) và chúng sẽ thay thế công cụ tìm kiếm, hay trang web mua sắm trực tuyến. Bill Gates nói: “Bạn sẽ không bao giờ vào một trang web tìm kiếm nữa. Bạn sẽ không bao giờ đến Amazon”.

Báo chí phải thích ứng với một tương lai internet hoàn toàn khác

Vấn đề không chỉ là các Big Tech sẽ cải tiến dịch vụ tìm kiếm trên internet nhờ AI, mà thậm chí thay đổi hoàn toàn cả hình thức hoặc mô hình này, cụ thể thông qua các chatbot hay trợ lý ảo - điều mà những người thường xuyên sử dụng ô tô có màn hình thông minh rất hiểu.

Người dùng sẽ hỏi trực tiếp AI thông qua chatbot hay trợ lý ảo - những mô hình AI sẽ lục lọi khắp nơi trên internet để tìm kiếm và tổng hợp lại để trả lời câu hỏi của họ chỉ trong tích tắc, thậm chí có thể nói chuyện với họ như một người bình thường.

Đó là những gì đã được thể hiện bởi mô hình GPT-4o của OpenAI hay Gemini 1.5 của Google vừa được cho ra mắt hồi giữa tháng 5/2024. Không khó hình dung rằng một ngày nào đó, người ta có thể sẽ không vào các trình duyệt internet hoặc ít nhất các trang web tìm kiếm (kể cả của Google) để tìm đọc tin tức hay nghiền ngẫm các bài báo nữa.

Đó sẽ là lúc kỷ nguyên tìm kiếm thông tin mới sẽ bắt đầu, cũng đồng nghĩa kỷ nguyên truyền thông hoặc thậm chí cả kỷ nguyên internet nói chung sẽ bước vào cuộc cách mạng tiếp theo, nơi có thể sẽ còn “nghiệt ngã” hơn với báo chí so với cả dự báo trước đây của giới công nghệ về kỷ nguyên web 3.0, trong đó họ vốn đã nói rằng dữ liệu và nội dung sẽ được tập trung vào một nhóm nhỏ các Big Tech.

Thực ra, đến lúc này, kẻ chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm AI giữa các Big Tech vẫn chưa thể đoán định trước, khi mà ngay cả gã khổng lồ Google dù đang thống trị 90% lưu lượng tìm kiếm internet cũng chưa cho thấy có gì nhỉnh hơn các đối thủ.

Song kẻ thắng có là ai, thì báo chí vẫn sẽ đứng trước một thách thức khổng lồ tiếp theo, thậm chí mang tính chất “sống còn” hơn nữa. Độc giả sẽ ngày càng ít vào trang báo tới đây, kể cả qua các công cụ đề xuất như Google. Lý do vì người dùng thậm chí còn không phải tìm kiếm, mà chỉ qua hình thức “hỏi - trả lời” trên một giao diện AI hoặc chatbot nào đó.

Xa hơn nữa, người dùng có thể còn chẳng cần một giao diện hay chatbot nào, mà hỏi ngay chính chiếc điện thoại thông minh của mình. Thực tế, hồi cuối tháng 2 năm nay, tập đoàn Deutsche Telekom của Đức đã giới thiệu sản phẩm điện thoại AI có tên T-phone. Nó gần như không có bất cứ một phần mềm nào, chỉ có một trợ lý AI để làm mọi tác vụ, kể cả tìm thông tin báo chí trên internet.

Đến lúc này những câu hỏi được đặt ra là: Vậy báo chí khi đó sẽ làm không công ư? Báo chí sẽ làm gì để ngăn Big Tech tiếp tục giành lợi nhuận từ các sản phẩm của mình? Liệu báo chí sẽ một lần nữa chấp nhận buông xuôi?

Cả thế giới báo chí sẽ phải cùng nhau tìm câu trả lời để giải quyết những vấn đề nói trên. Song dù bằng cách nào, thế giới báo chí vẫn sẽ buộc phải thay đổi toàn diện một lần nữa, thậm chí phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết, để bắt kịp và thích ứng với cuộc cách mạng internet, cuộc cách mạng truyền thông tới đây!

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-cach-mang-truyen-thong-so-lan-thu-ba-bao-chi-co-the-bat-kip-post299870.html