Cuộc chiến giảm giá chip giữa các xưởng đúc Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc
Các xưởng đúc chip ở Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đang liên tục giảm giá sản xuất các dòng chip đời cũ.
Theo nguồn tin của TrendForce, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm giá thành để giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút các công ty thiết kế vi mạch của Đài Loan.
Xu hướng này xuất hiện khi Trung Quốc đang mở rộng đáng kể hoạt động sản xuất chip cấp thấp. Nước này đang có kế hoạch "làm ngập" thị trường bằng các loại chip giá rẻ để đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh. Mặc dù đến nay các nhà sản xuất chip theo hợp đồng của Trung Quốc vẫn chưa tăng sản lượng đáng kể, nhưng việc giành được khách hàng sẽ rất quan trọng vì điều này sẽ giúp tăng sản lượng trong các quý tới.
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc gồm có SMIC, Hua Hong Semiconductor và Nexchip đã giảm giá dịch vụ tapeout (thiết kế tiền sản xuất) cho các công ty thiết kế chip Đài Loan để đảm bảo đơn đặt hàng đáp ứng công suất mới.
Điều này khiến cho một số khách hàng của GlobalFoundries, PSMC, Samsung Foundry và UMC đã hủy đơn đặt hàng với các xưởng đúc này để chuyển sang hợp tác với các nhà máy sản xuất của Trung Quốc.
Để đối phó với việc Trung Quốc giảm giá, UMC và PSMC có trụ sở tại Đài Loan được cho là đã phải hạ giá để duy trì tính cạnh tranh. UMC đã giảm giá các dịch vụ đúc wafer 300 mm từ 10% đến 15% và dịch vụ wafer 200 mm khoảng 20%. Thay đổi này có hiệu lực vào quý 4 năm 2023, cho thấy phản ứng trực tiếp trước áp lực thị trường do các xưởng đúc Trung Quốc khởi xướng. Samsung Foundry cũng tham gia cuộc cạnh tranh về giá này trong quý đầu tiên của năm 2024, đưa ra mức giảm từ 5% đến 15%.
Ngoài việc các xưởng đúc của Trung Quốc sắp mở rộng sản xuất, sự trì trệ chung của thị trường bán dẫn vào năm 2023 đã thúc đẩy tình trạng giảm giá thành sản xuất chip này. Trung Quốc và Hàn Quốc đã giảm giá mạnh mẽ, với mức giảm từ 20% đến 30% đối với các quy trình 200 mm và 300 mm. Các xưởng đúc Đài Loan cũng đã phải giảm giá để duy trì vị thế trên thị trường.
Ngay cả TSMC - công ty sản xuất chip số một thế giới, đã kiếm được 75% doanh thu trong quý 4 từ các công nghệ xử lý dựa trên FinFET (16nm trở xuống), đã thực hiện một số điều chỉnh trong báo giá của mình trong bối cảnh nhu cầu về chip chậm lại.
Được biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc không ảnh hưởng đến các chip đời cũ, vì vậy các công ty Trung Quốc có thể và sẽ cướp khách hàng của các xưởng đúc khác trong những năm tới.