Cuộc chiến rác: Mặt tối của những giao thương 'tái chế' toàn cầu
Cuốn sách quan trọng 'Waste Wars' của Alexander Clapp giải thích tác hại môi trường từ việc thế giới phương Tây thải bỏ rác mỗi ngày, theo Financial Times.

Người dân tại Guiyu, Trung Quốc tại bãi rác chứa máy tính cũ được nhập về. Ảnh: Theguardian.
Ở các nước phương Tây vốn quen với dịch vụ giao hàng từ lâu của Amazon, những chiếc xe tải chở hàng đầy ắp cùng các gói hàng được bọc trong nhiều lớp bao bì thừa thãi dường như đã quá quen thuộc.
Sự che giấu thiếu đạo đức
Tuy nhiên, nhiều người lại luôn cho rằng họ đã làm rất tốt về việc quản lý rác thải. Ví dụ, ở Anh, chính phủ tự khen mình vì giảm được hơn một nửa lượng rác thải đưa đến các bãi chôn lấp trong nước trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Và câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở các quốc gia giàu có khác. Nhưng những tuyên ngôn tươi đẹp này có bao nhiêu phần là sự thật?
Theo Alexander Clapp, tác giả của Waste Wars, thì phần lớn chúng không phải là sự thật. Là một nhà báo sống tại Athens, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về quản lý rác thải toàn cầu, Clapp cho rằng sự che giấu thiếu đạo đức trên khiến công chúng không biết được thực tế quản lý rác thải thiếu trách nhiệm nảy sinh đã lâu từ chủ nghĩa tiêu dùng ở các quốc gia giàu có.
Waste Wars không chỉ đưa người đọc hiểu về rác thải mà còn về cách rác thải trở thành một ngành thương mại quốc tế.
Ngay từ những năm 1970, Mỹ đã có những nỗ lực nhằm xử lý rác thải và nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường. Một hậu quả là việc xử lý rác thải nguy hại trong nước trở nên đắt đỏ hơn nhiều và do đó nhiều công ty Mỹ phải đi tìm nơi đổ rác mới. Những nơi này có thể là vùng Caribe, châu Mỹ Latinh và châu Phi, nơi nhóm chất độc hại amiăng có thể được đổ với giá vài USD/tấn thay vì 250 USD/tấn như ở Mỹ.

Cuốn sách ra mắt ngày 25/2. Ảnh: Amazon.
Họ bắt đầu đi khắp thế giới để tìm kiếm những quốc gia sẵn sàng nhận rác thải. Một ví dụ được Clapp ghi lại là Khian Sea, một tàu chở hàng rỉ sét rời Vịnh Delaware năm 1986 với một lô hàng chất độc hại. Con tàu này đã đi khắp thế giới trong nhiều năm để tìm kiếm một nơi chấp nhận lô hàng họ có.
Tuy nhiên, mặt hàng này không dễ bán và Khian Sea có lẽ đã đổ phần lớn hàng hóa của mình xuống đại dương.
Sau đó, Quốc hội Mỹ không đồng tình với với hoạt động buôn bán rác này, lo ngại bị đối thủ lôi ra để chỉ trích, đặc biệt là giữa thời Chiến tranh Lạnh đầy căng thẳng.
Ứng phó với tình trạng này, những kẻ buôn rác thải đã tinh chỉnh tuyên ngôn của mình: thay vì đổ rác, họ đổi tên thành tái chế.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng các quốc gia sẵn sàng chấp nhận đổ rác tăng vọt và thái độ đối với hoạt động buôn bán này trở nên dễ dãi hơn. Năm 1991, một bản ghi nhớ bị rò rỉ do nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Lawrence Summers ký và nêu rằng "logic đằng sau việc đổ một đống chất thải độc hại vào các quốc gia có mức lương thấp là hoàn hảo".
Sau đó, Summers nói rằng đó chỉ là câu đùa và xin lỗi "vì bất kỳ quan niệm sai lầm nào câu văn đó tạo nên". Tuy nhiên, một số người đã nhìn nhận logic kinh tế đó một cách nghiêm túc và nền kinh tế rác thải toàn cầu đã ra đời.
Rác thải trở thành một phần của thế giới đang phát triển
Clapp đã đi khắp thế giới để tìm hiểu cách rác thải phương Tây trở thành một phần của nền kinh tế địa phương. Tại Ghana, người dân nghèo tại nhiều quận của thủ đô Accra sinh sống nhờ các bãi rác thải. Họ được trả một vài USD để moi ruột những chiếc điện thoại thông minh cũ và lấy kim loại có giá trị bên trong. Sau khi thu hoạch được “kho báu”, những chiếc điện thoại bị đốt cháy kèm theo ô nhiễm không khí.
Hoặc tại các xưởng phá dỡ tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi những công nhân hầu như không được đào tạo nhưng phải làm một công việc nguy hiểm là phá dỡ các con tàu du lịch khổng lồ. Sau khi phá dỡ, các vật liệu độc hại từ tàu được chôn ở vùng nông thôn.
Hay tại Indonesia, các nhà máy giấy nhập khẩu giấy đã qua sử dụng từ nước ngoài để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào. Một mặt hàng đi kèm các kiện giấy là rác thải nhựa. Từ đây, một hoạt động thương mại thứ cấp nảy sinh là buôn bán nhựa đã qua sử dụng. Chúng thường được bán làm nhiên liệu (rất độc hại) cho nhiều nhà máy đậu phụ của Indonesia. Clapp nhận xét rằng hoạt động này "rất nguy hiểm" đối với sức khỏe con người.
Trong khi rác có thể mang lại một số tiền cho các nước đang phát triển, thì cái giá phải trả là sự độc hại và suy thoái môi trường kinh khủng, điều trái ngược hoàn toàn với những thành tích đẹp đẽ về môi trường ở phương Tây.
Một vòng tròn tội ác vẫn diễn ra hàng ngày. Khi thế giới phương Tây không nhận ra hậu quả của mình, họ vẫn tiếp tục tiêu dùng một cách thoải mái, phần lớn là dạng rác thải nhựa gần như không thể phân hủy sinh học và không thể tái chế. Chúng được âm thầm đưa đến thế giới đang phát triển, phần nào giúp họ sinh nhai nhưng cũng tàn phá môi trường và sức khỏe con người nơi đó ngày một nghiêm trọng.
Ngoài việc chỉ trích hoạt động buôn bán rác thải, Clapp tuyên bố rằng "bất kỳ giải pháp bền vững nào đều phải bắt đầu từ việc yêu cầu những kẻ tạo ra phần lớn chất thải, như các công ty công nghệ, nhà điều hành tàu du lịch hay các tập đoàn hóa dầu, phải chịu trách nhiệm". Trong khi cách nhìn này không sai, khả năng nó thành hiện thực dường như rất xa vời.