Cuộc chiến với 'cái chết trắng' của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La - Bài 1: Ma túy và những nỗi đau

LTS: Tội phạm ma túy trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng những hệ lụy do ma túy để lại vẫn còn quá lớn và đeo đẳng sang những thế hệ tiếp theo.

Ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La và các lực lượng chức năng vẫn thầm lặng chiến đấu với loại tội phạm nguy hiểm này cùng quyết tâm chữa lành những vết thương do hiểm họa ma túy gây ra.

Bài 1: Ma túy và những nỗi đau

Sơn La-vùng đất nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, khung cảnh hùng vĩ, nên thơ. Song, đằng sau vẻ đẹp rất đỗi bình yên đó, biết bao gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng, cả gia đình vào trại cai nghiện, những bản làng xơ xác, tuổi thơ đầy ám ảnh của những đứa trẻ bỗng chốc mất cha, mất mẹ chỉ vì ma túy. Tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh do ma túy gây nên, chúng tôi mới cảm nhận được tận cùng nỗi đau từ "cái chết trắng".

Những vùng đất vắng bóng đàn ông

Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã có 23 bản với 2.779 hộ dân là đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Xinh Mun, Khơ Mú... Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bà con các dân tộc ở vùng lân cận di cư về Chiềng Khương sinh sống với ước mơ đẩy lùi được cái đói, cái nghèo. Thế nhưng giấc mơ đổi đời chưa kịp thực hiện thì người dân ở đây lần lượt dính vào ma túy. Ma túy bắt đầu xâm nhập vào các bản từ năm 1991 và đỉnh điểm trong khoảng những năm 2002-2006. Hiện nay, ma túy vẫn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Vừa đến cổng nhà ông Lò Văn Nung ở bản Cò, xã Chiềng Khương, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ khoảng 3 tuổi, nhìn chẳng rõ là trai hay gái vì quần áo lấm lem, gương mặt nhem nhuốc, đang chơi một mình. Trong ánh mắt đượm buồn, ông Nung chia sẻ: “3 năm trước, con trai tôi là Lò Văn Son bị kết án tù chung thân về tội danh vận chuyển ma túy. Từ khi Son bị bắt, vợ nó cũng bỏ đi biệt tích, để lại con cho tôi nuôi. Tôi cũng chẳng biết sống được đến lúc nào để nuôi cháu”.

Sau cuộc điện thoại của Chủ tịch UBND xã gọi báo trước có người đến thăm, em Cầm Thị Ngần (sinh năm 2011), ở xã Pi Toong, huyện Mường La, mướt mải mồ hôi chạy về mở cửa đón chúng tôi vào nhà. 13 tuổi nhưng trông Ngần thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Em vừa xuống xã để nhận tiền hỗ trợ bảo vệ rừng nhưng chưa đến lượt nên đành quay về để chiều đi tiếp. Chưa lấy được tiền, vậy là hôm nay, bữa trưa của hai chị em Ngần vẫn chẳng có gì ngoài cơm trắng và rau luộc. Kê mấy chiếc ghế gỗ ra hè ngồi, tôi chưa kịp hỏi gì, Ngần đã òa khóc, nghẹn ngào: “Cháu nhớ bố quá cô ơi!”. Rồi cứ thế, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt em. Bố em tên là Cầm Văn Ngát, sinh năm 1995, nghiện ma túy nhiều năm, đang đi cai nghiện. Mẹ em đã bỏ các con đi từ lâu. Dưới Ngần vẫn còn một em trai sinh năm 2016. Trong căn nhà mà “chạy từ đằng trước ra đằng sau chẳng vướng đồ đạc gì”, chị em Ngần vẫn nương tựa vào nhau chờ ngày bố trở về. Cầm Thị Ngần chia sẻ: “Bố cháu là trẻ mồ côi. Vì thế, khi bố cháu đi cai nghiện, chỉ còn hai chị em chúng cháu chăm nhau. Cháu chỉ mong bố sớm cai được ma túy về ở bên chúng cháu”.

 Con trai bị kết án tù chung thân, ông Lò Văn Nung phải nuôi cháu thay con.

Con trai bị kết án tù chung thân, ông Lò Văn Nung phải nuôi cháu thay con.

Những ngày giữa tháng 6, sau khi vượt qua con đường đất gập ghềnh từ trung tâm xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, chúng tôi có mặt tại bản Buốc Pát, một bản của đồng bào Mông nằm sát biên giới. 10 năm trước, nhắc đến ma túy thì Lóng Sập là “điểm nóng” ở Tây Bắc, ai nghe đến cũng ái ngại. “Bản không đàn ông” là cái tên được đặt cho Buốc Pát lúc bấy giờ, vì hầu hết đàn ông, thanh niên bị cuốn vào vòng xoáy của ma túy. Lần theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà Trưởng bản Mùa A Dê.

Trong bộ quần áo còn ướt đẫm mồ hôi do mới đi làm nương về, nhấp ngụm nước chè, anh Dê tâm sự: “Bây giờ, cả bản chỉ có 18 nóc nhà thì 16 nóc nhà có người đi tù, đi cai nghiện vì ma túy. Trong bản giờ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Giáp bên kia là bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã bao năm nay là “điểm nóng” về ma túy. Có một thời, bà con ở bản sang Lào làm thuê, rồi cứ thế dính vào ma túy, nghiện hút và tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày ấy, cả bản nghiện, tôi được ra trung tâm huyện để học THPT, chứ không thì có khi cũng đã dính vào ma túy. Tôi vẫn nhớ cái mùi ngai ngái của khói thuốc phiện bay khắp bản. Một vài người đốt bàn đèn hút ở đầu bản, cả bản ngửi thấy mùi. Mùi thuốc theo sương núi bay là là từ mái nhà nọ sang mái nhà kia như con ma rừng”.

Cả gia đình... cùng vào trại cai nghiện

Dù đã là bà nội, bà ngoại nhưng bà Đinh Thị Sứng, 50 tuổi, dân tộc Mường, ở xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, vừa cùng chồng vào Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La) đầu năm nay. Chồng của bà Sứng đã nhiều lần đi cai nghiện, nhưng năm nay, vợ chồng bà đều thuộc diện cai nghiện bắt buộc của xã Xuân Nha. Gặp bà Đinh Thị Sứng tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, bà chia sẻ: “Tôi xấu hổ lắm, đã lớn tuổi, có cháu rồi mà còn nghiện. Chồng tôi nghiện gần 20 năm nay thấy khổ lắm rồi, nhưng đợt Tết vừa rồi, tôi bị ho mấy tháng không khỏi. Chồng bảo cứ chơi “vài viên” là khỏi ho ngay! Vậy là... tôi nghiện. Đi cai nghiện, tôi cố gắng điều trị, lao động tốt để sớm về nhà trông cháu giúp con”.

Vừa địu con sau lưng vừa nước mắt ngắn dài, đứng bần thần trước cổng Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, đây là lần thứ 5 chị Vì Thị Thắm tiễn bố là Vì Văn Thành ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã đi cai nghiện ma túy. Thương bố tuổi cao, sức yếu, những đứa con đã trưởng thành của ông Thành chỉ có niềm hy vọng ông dứt bỏ được ma túy, trở về bên gia đình. Chị Thắm vừa tiễn bố vừa nói: “Bố giữ gìn sức khỏe, lần này cố gắng cai nghiện, trở về với gia đình. Đừng dính vào ma túy nữa, khổ lắm rồi bố ơi!”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay, cơ sở đang điều trị cai nghiện cho hơn 2.000 học viên. Thật sự, chúng tôi đang ở trong tình trạng quá tải. Có nhiều trường hợp, cả gia đình cùng đi cai nghiện. Chồng nghiện rồi rủ vợ, con cùng nghiện để có người đi mua ma túy về sử dụng. Nghiện ma túy, họ rất dễ bị tội phạm ma túy lôi kéo, tiếp tay, tham gia vào các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Suốt quãng đường trở về trung tâm huyện, hình ảnh hai đứa trẻ bơ vơ, gầy yếu, ngồi cúi mặt khóc ở xã Pi Toong cứ ám ảnh tôi mãi. Thật khó để có thể thống kê cũng như thấu hiểu đến tận cùng hoàn cảnh, bất hạnh mà ma túy gây ra cho mỗi gia đình. Nhưng có một điều dễ dàng nhận thấy, ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe người nghiện mà còn đưa nhiều gia đình đến bờ vực khánh kiệt, bần cùng, nhiều thảm kịch không lường cũng từ ma túy.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cuoc-chien-voi-cai-chet-trang-cua-bo-doi-bien-phong-tinh-son-la-bai-1-ma-tuy-va-nhung-noi-dau-781519