Cuộc chơi tỷ đô của HLP Invest ở Bình Thuận
Dự án điện gió Biển Cổ Thạch quy mô hơn 4,4 tỷ USD liệu có rơi vào cảnh bị 'sang tay' sau khi được phê duyệt?
UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương về việc xem xét chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đưa vào danh mục trong Quy hoạch điện VIII – cụm dự án nhà máy điện gió ngoài khơi biển Cổ Thạch.
Văn bản của tỉnh nêu rõ, cụm dự án nhà máy điện gió Biển Cổ Thạch do liên danh Công ty CP Đầu tư HLP và Scatec Solar ASA (Na Uy) đề xuất đầu tư với công suất dự kiến 2.000MW (giai đoạn 1 công suất 600MW, giai đoạn 2 công suất 600MW và giai đoạn 3 công suất 800MW).
Diện tích đề xuất cho phép khảo sát trên biển khoảng 41.261ha (thuộc vùng biển huyện Tuy Phong), cách bờ khoảng từ 10 - 40km. Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 102.432 tỷ đồng (hơn 4,4 tỷ USD), sản lượng điện sản xuất dự kiến khoảng 6.960 GWh/năm, tiến độ từ năm 2021 - 2030.
Trước đó, tháng 10/2020, tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung danh mục Cụm dự án nhà máy điện gió Biển Cổ Thạch vào Quy hoạch điện VIII. Sau đó ít ngày, dự án này cũng nằm trong công văn bộ gửi Thủ tướng.
UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý, sau khi Cụm dự án nhà máy điện gió Biển Cổ Thạch được phê duyệt công suất cụ thể, đưa vào danh mục các dự án trong Quy hoạch điện VIII, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ phải thực hiện theo các quy định hiện hành.
Về liên danh nhà đầu tư, HLP Invest (đóng vai trò đại diện) từng theo đuổi dự án điện gió ngoài khơi vài năm trước.
Gần nhất, tháng 6/2019, liên danh Công ty CP Đầu tư HLP - Công ty CP Xây dựng và thương mại Đông Sơn - Công ty CP Năng lượng Mirat Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo bổ sung quy hoạch và đề xuất đầu tư dự án cánh đồng gió biển Cổ Thạch.
Cụ thể, dự án có diện tích khảo sát 30.264ha, nằm ngoài đường chân triều và cách đường chân triều không quá 20km về phía biển. Tổng công suất dự án 2.000MW với 200 turbine và tổng mức đầu tư khoảng 4,4 tỷ USD.
Tới tháng 8/2019, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) gửi công văn tới UBND tỉnh Bình Thuận với thông tin: điện gió Biển Cổ Thạch là dự án quy mô lớn có nhiều đặc thù về lĩnh vực kinh tế, năng lượng, môi trường, vận tải, an ninh, quốc phòng và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến đối với dự án để xem xét, báo cáo Thủ tướng.
Đáng chú ý, chỉ sau đó 1 tháng, hai thành viên trong liên danh nhà đầu tư (Công ty Đông Sơn và Công ty Năng lượng Mirat) đã được HLP báo cáo là không có khả năng và năng lực để tham gia dự án. Điều đó đồng nghĩa, pháp nhân của dự án chỉ còn HLP Invest.
Trước đó, ngay đầu năm 2019, HLP Invest đã bày tỏ quan tâm tới dự án cánh đồng gió biển Cổ Thạch. Khi đó, doanh nghiệp này đã phải giải trình với Bình Thuận về năng lực thực sự của mình – do liên quan tới một trường hợp chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp năng lượng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, đầu quý I/2019, tổng giám đốc của HLP Invest là cổ đông sáng lập Công ty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, hiện Công ty này đề nghị chuyển nhượng vốn 100% cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, tỉnh Bình Thuận đưa ra yêu cầu rà soát kỹ năng lực tài chính của nhà đầu tư theo quy định, tránh tình trạng lập dự án để chuyển nhượng.
Về vấn đề này, HLP Invest lý giải: ông Nguyễn Mạnh Cường (Tổng giám đốc HLP Invest) là Tổng giám đốc Công ty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, đồng thời là người sáng lập và nắm giữ 38% cổ phần tại công ty. Các cổ đông lớn khác là bà Đào Thị Hảo (35%), ông Trần Văn Hải 10%. Tháng 7/2017, ông Nguyễn Mạnh Cường chuyển toàn bộ phần vốn góp cho ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Cường) để trở thành cổ đông sáng lập nắm giữ 37,45% vốn điều lệ của VSP Bình Thuận II. Còn ông Cường tham gia với vai trò là Tổng giám đốc, trực tiếp quản trị điều hành để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Để thoái vốn đầu tư các dự án khác, các cổ đông của VSP Bình Thuận II đã đồng ý chuyển nhượng 100% cổ phần cho cổ đông nước ngoài (Trung Quốc). Việc chuyển nhượng này đã được tỉnh đồng ý bằng văn bản ngày 28/2/2019.
Hiện dự án điện gió ngoài khơi biển Cổ Thạch đang nằm ở khâu quy hoạch điện lực, trước khi tiến tới lập dự án triển khai cụ thể. Điều đáng quan tâm là dấu hỏi về khả năng dự án này có bị ứng xử tương tự như trường hợp dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận II – đặt trong mối liên hệ với HLP Invest (sau khi dự án được cấp phép là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp và thay đổi quyền kiểm soát dự án).
Cần nhắc lại, tháng 4/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết: đến 31/12/2018, HLP có vốn chủ sở hữu 1.347,3 tỷ đồng (căn cứ BCTC kiểm toán của đơn vị). Nhưng hơn một năm sau (cuối tháng 5/2020), Sở Công thương tỉnh lại khẳng định với UBND tỉnh Bình Thuận: HLP Invest chưa có báo cáo về năng lực (tài chính, kinh nghiệm) để tiếp cận siêu dự án điện gió này.
Sát cánh với HLP Invest lần này, là nhà đầu tư Scatec Solar ASA – một tên tuổi mạnh đến từ Na Uy. Cuối tháng 5/2019, Scatec Solar ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm chính thức Na Uy của lãnh đạo Chính phủ. Tập đoàn cho biết khoản đầu tư hợp tác để xây dựng 3 dự án điện mặt trời quy mô lớn tại các tỉnh Bình Phước, Quảng Trị và Nghệ An.
HLP Invest thành lập từ năm 2017, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. Đến cuối năm 2019, HLP Invest có 7 cổ đông sáng lập: ông Nguyễn Mạnh Cường nắm 38%, ông Trương Việt Hùng (35%), ông Trần Văn Hải (10%), bà Đỗ Thu Trang (7%), ông Nguyễn Như Nam (3%), ông Bùi Xuân Huy (3%), bà Phạm Thị Đông (2%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2%).
Trong số này, ông Trần Văn Hải từng có thời gian giữ trọng trách tại Tập đoàn Việt Phương, thành viên BKS tại Tổng công ty Dược Việt Nam và gần nhất là thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cuoc-choi-cua-hlp-invest-o-binh-thuan-1614409759999.htm