Cuộc chuyển quân lịch sử
Ngày 3-9-1954, Tổng Quân ủy ra chỉ thị về việc đón tiếp cán bộ, đồng bào miền Nam, Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào về nước, ra Bắc. Thành công của chuyển quân tập kết từ Nam ra Bắc thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng. Đây là một bước chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng, tổ chức lực lượng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thực hiện Chỉ thị của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Cục Quân lực khẩn trương liên hệ với các chiến trường, mặt trận, nắm lực lượng bộ đội, đồng bào, cán bộ dân-chính-đảng tập kết và Quân tình nguyện về nước; phối hợp với Tổng cục Cung cấp lập kế hoạch, xây dựng cơ sở đón tiếp, bảo đảm cung cấp; lập đề án tổ chức biên chế cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Cùng với đó, Cục Quân lực được lệnh cử cán bộ trực tiếp đến nơi đón tiếp, giúp các đơn vị tổ chức đón tiếp đồng bào, chiến sĩ từ miền Nam ra và từ Lào về.
Theo kế hoạch, sau khi ra miền Bắc, đồng bào, chiến sĩ miền Nam sẽ được học tập; LLVT được Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức lại biên chế, quản lý theo chế độ quân nhân; thương binh sẽ được điều trị, an dưỡng, hồi phục sức khỏe, tiếp tục phục vụ Quân đội. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật, công nhân được bố trí công tác. Với gia đình cán bộ và một số đồng bào trong diện tập kết sẽ được chính quyền và các đoàn thể giúp đỡ, bảo đảm nơi ăn ở, tìm việc làm ổn định. Trung ương cũng yêu cầu các tỉnh được nhận đồng bào tập kết phải lập ngay ban phụ trách, chuẩn bị việc tiếp đón và lập kế hoạch phân phối người về các huyện, xã (là những nơi phải đủ các điều kiện); đồng thời yêu cầu tổ chức một đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp là nghĩa vụ và vinh dự...
Sau khi tổ chức mít tinh mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva, tại các địa phương, cơ quan kháng chiến và LLVT các cấp tiến hành lập danh sách, phân loại, cử người tiếp tục ở lại và người ra đi tập kết. Trong một tháng, lực lượng tập kết chuyển quân đã hành quân an toàn về các khu vực quy định. Tại đây, các đơn vị vũ trang cùng với cán bộ các ngành dân-chính-đảng được sắp xếp lại, tổ chức thành các trung đoàn để lên đường ra miền Bắc.
Tại Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, lực lượng tập kết có hơn 11.000 người, trong đó gần 7.500 người là bộ đội, 937 thương binh, bệnh binh, 1.514 cán bộ dân-chính và các lực lượng khác. Tại Phân liên khu miền Tây, lực lượng tập kết tập trung về Cà Mau với tổng cộng gần 30.000 người, trong đó có 17.344 quân nhân thuộc các đơn vị chủ lực miền Tây, được biên chế thành 4 trung đoàn, lực lượng còn lại gồm công nhân quân giới, công nhân viên các cơ quan dân-chính-đảng, số du kích và các cán bộ xã không thể ở lại địa phương được biên chế thành từng khối mỗi tỉnh... Trong thời gian chờ đợi lên tàu tập kết, các đơn vị vừa học tập vừa khẩn trương làm công tác dân vận, thực hiện chức năng của đội quân công tác; góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng cuộc sống mới ở khu vực chờ chuyển quân ra miền Bắc. Tại đây, bộ đội đã sửa chữa trường học cũ, dựng thêm 20 trường mới; lập thêm 24 trạm y tế; dựng hàng trăm ngôi nhà cho các gia đình không có nơi ở ổn định...
Để có phương tiện di chuyển lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào từ miền Nam ra Bắc, Trung ương Đảng ta đã nhờ Liên Xô giúp đỡ. Phía bạn đã lập một ủy ban hỗn hợp lo liệu việc thuê tàu, tổ chức chuyên chở. Công ty vận tải biển Sovfracht (Liên Xô) được giao thực thi công việc này. Công ty lập phương án chọn các tàu hàng có tải trọng lớn, đang có mặt ở vùng Viễn Đông để hoán cải chở người. Năm con tàu: Kilinski (Ba Lan), Arkhangelsk và Stavropol (Liên Xô), Sunny Queen và Sunny Prince (Na Uy) được lựa chọn. Các tàu trên được đưa đến nhà máy đóng tàu Quảng Châu (Trung Quốc) để sửa chữa, cải tạo...
Trong khi đó, ở miền Bắc, các địa điểm được lựa chọn đón đồng bào, chiến sĩ tập kết cũng hết sức khẩn trương làm công tác chuẩn bị, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 4 tổ chức chỉ đạo các tỉnh lập “Phòng miền Nam”, đảm nhận công tác đón tiếp, sắp xếp cho đồng bào, chiến sĩ tập kết. Ngày 25-9-1954, tàu Arkhangelsk thực hiện chuyến chuyển quân tập kết đầu tiên, chở đồng bào, chiến sĩ từ Hàm Tân rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới trong niềm hân hoan, thắm đượm tình cảm của nhân dân tỉnh Thanh Hóa; đến hết tháng 5-1955, Sầm Sơn trở thành địa điểm đón tiếp chính của các chuyến tàu đưa lực lượng tập kết ra miền Bắc. Đã có 45 chuyến tàu cập bến tại đây với gần 80.000 người, trong đó có hơn 47.300 cán bộ, chiến sĩ Quân đội...
Xây dựng lực lượng bộ đội miền Nam sau khi tập kết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là vấn đề được Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu đặc biệt quan tâm. Để thực hiện nhiệm vụ này, đầu tháng 11-1954, Tổng Quân ủy quyết định thành lập tổ phụ trách công tác xây dựng lực lượng bộ đội miền Nam tập kết do đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí Trần Văn Trà, Nguyễn Chánh chủ trì, làm kế hoạch và tổ chức thực hiện. Tổ đã nhanh chóng hoàn chỉnh đề án, được Tổng Quân ủy thông qua. Thực hiện đề án, sau khi chuyển quân đến khu vực tập kết, LLVT miền Nam tập kết được biên chế thành các sư đoàn, trung đoàn. Sau khi thành lập, các đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức, điều chỉnh cán bộ, chỉ định cấp ủy và cán bộ chủ trì, xây dựng cơ sở vật chất và tham gia công tác dân vận, tiến hành luyện tập quân sự, học tập chính trị.
Trong điều kiện đất nước còn hết sức khó khăn, kẻ thù tìm cách phá hoại nhưng dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và cấp ủy đảng các cấp, với tinh thần đoàn kết, tích cực đấu tranh, công tác chuyển quân tập kết đã giành được thắng lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản. Đây là bước chuẩn bị lực lượng quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.