Cuộc đấu tranh vì chân lý và sự thật Bài cuối: Thành tựu, thách thức trong bảo vệ quyền con người

Mỗi cá nhân cần phải được tôn trọng, được bảo vệ và ngày càng có điều kiện tốt hơn trong việc thỏa mãn các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những đối tượng bất lợi, dễ bị tổn thương càng cần phải được chăm sóc, được tạo điều kiện để hòa nhập xã hội, khẳng định giá trị bản thân.

Thành tựu về nhận thức

Trong cuốn sách “Chân lý và sự thật” (NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tháng 7.2020), tác giả Vũ Hoàng Công nhấn mạnh, vấn đề quyền con người hoàn toàn phù hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội, không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta cũng nhận thức rõ, quyền con người thể hiện cụ thể ở quyền công dân, song không đồng nhất với quyền công dân.

Quyền công dân có tính đặc thù, tùy thuộc vào trình độ phát triển trong mỗi giai đoạn lịch sử, phụ thuộc nhất định vào hệ giá trị mang tính quốc gia, dân tộc, nhưng quyền con người có tính phổ quát mà Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Chúng ta hiểu rõ, việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia là trách nhiệm của nhà nước có chủ quyền mà không một tổ chức quốc tế, không một lực lượng bên ngoài nào có thể thay thế được. Việt Nam chống lại những kẻ lợi dụng vấn đề quyền con người để thực hiện các hoạt động thù địch, phá hoại độc lập, chủ quyền của Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế trong thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất rộng rãi, ký kết, tham gia hầu hết các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người từ Công ước về quyền dân sự, chính trị, Công ước các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội đến Công ước về chống phân biệt chủng tộc, Công ước về quyền trẻ em, Công ước về chống tra tấn, nhục hình...

Từ sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, chỉ trong 2 năm 2014-2015, Việt Nam tiếp tục sửa đổi một loạt các đạo luật, luật với mục tiêu thể hiện rõ hơn nữa quan điểm của Đảng lấy con người là trung tâm của phát triển, là mục tiêu và động lực của phát triển, thực hiện những cam kết của nhà nước Việt Nam khi tham gia hoặc ký các công ước quốc tế về quyền con người. Bao gồm: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Lao động, Luật Công đoàn; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Bảo hiểm, Luật Trẻ em; xây dựng Luật Tôn giáo, Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Về hội...

Thành tựu trong thực tiễn bảo vệ và thúc đẩy quyền con người: Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã thông qua và triển khai thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ phát triển các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ở cả miền núi, hải đảo như các Chương trình 134, 135, Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em...

Cùng với Chính phủ, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đã ra đời nhằm bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các chương trình, dự án hướng tới các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người già... Với việc tăng cường đối thoại với các tổ chức quốc tế, quốc gia quan tâm tới vấn đề quyền con người ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện báo cáo kiểm điểm định kỳ về tình hình nhân quyền trước Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc với tinh thần khách quan, cầu thị. Cùng với quyền được sống trong môi trường hòa bình, trong một quốc gia độc lập, tự do, tự quyết về vận mệnh, chế độ chính trị - xã hội, con đường phát triển, kể từ khi thành lập nước, đặc biệt từ khi tiến hành đổi mới, quyền con người của Việt Nam đã đạt được những bước tiến to lớn, không thể phủ nhận. Theo báo cáo toàn cầu của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) về phát triển con người năm 2013, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 41% trong vòng hai thập niên (chỉ số HDI vào năm 1991 là 0,41; năm 2012 là 0,617 đứng thứ 127 trong tổng số 187 quốc gia - nằm trong nhóm các nước được xếp loại “trung bình” về phát triển con người). Nhiều chỉ tiêu của chương trình mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ đã được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn.

Thách thức

Dựa trên nhiều bảng số liệu, tác giả phân tích chỉ số phát triển con người của Việt Nam theo xu hướng đi lên, song nhịp độ cải thiện không đều, nước ta đang đứng trước những thách thức lớn về chỉ số phát triển con người, cần có giải pháp tháo gỡ.

Về khách quan, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khá lớn: 7% dân số khuyết tật do nhiều nguyên nhân, trong đó có di hại của chất độc da cam. 15% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi cao, điều kiện khó khăn, chiếm hơn 50% số người nghèo của cả nước. Hàng chục triệu dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ làm mất đi khoảng 12% - 15% diện tích đất nông nghiệp. Hàng triệu nông dân ở các vùng đã và sẽ bị tiếp tục bị ảnh hưởng do đô thị hóa, công nghiệp hóa, do chưa được chuẩn bị để đối phó với các hiệp định thương mại tự do.

Về chủ quan, năng lực của bộ máy và chính sách chưa đủ để giúp người dân ở những nơi khó khăn vượt qua đói nghèo một cách bền vững. Không thể phủ nhận trách nhiệm của Nhà nước trong sự gia tăng tai nạn giao thông, sự thiệt hại và rủi ro của người nông dân trong sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản, sự gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, thuốc giả... Nhà nước chưa có các biện pháp tuyên truyền và các công cụ pháp lý thích đáng để ngăn ngừa và trừng phạt những kẻ làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội…

Bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người

Theo tác giả cuốn sách “Chân lý và sự thật”, điều quan trọng nhất trong những năm tới đây là phải xác định rõ những quyền mang tính ưu tiên và cấp bách để tập trung nguồn lực tạo nên chuyển biến rõ rệt. Trước hết, phải xác định quyền được sống an toàn về tính mạng là quyền con người tối thiểu. Phải xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo đảm cho mỗi người sống trên đất nước Việt Nam tránh được những nguy cơ thiệt mạng từ nguyên nhân do con người trực tiếp hay gián tiếp tạo ra như thực phẩm bẩn, lở đất, lũ quét do tàn phá rừng, khai thác khoáng sản vô tổ chức; thoát khỏi các tổ chức tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Muốn vậy, trong Luật Hình sự phải tăng hình phạt đối với các tội phạm liên quan, phải tăng cường quy hoạch và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch thủy điện, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trừng trị nghiêm khắc những kẻ làm ăn chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp lợi ích cộng đồng, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người khác. Đặc biệt, phải bảo đảm cho quyền của mỗi người được an toàn trong tham gia giao thông. Tiếp theo, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển ở các vùng khó khăn, bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Để làm được điều này cần phải tăng cường kiểm soát chi tiêu công, phòng, chống tham nhũng, tinh giản bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải cách hệ thống tư pháp để bảo vệ và đáp ứng tốt hơn các quyền tự do, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân. Sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là bản chất của chủ nghĩa xã hội, là quá trình liên tục, cần sự nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống chính trị.

Việt Đông

Để có công bằng, bình đẳng trong xã hội luôn cần phải có tiếng nói, sự phán xử của Nhà nước, nhìn rộng hơn là thái độ khách quan, công bằng của hệ thống chính trị. Nhà nước và hệ thống chính trị có trách nhiệm ban hành chính sách, pháp luật thể hiện tinh thần công bằng, bình đẳng nhiều hơn. Muốn vậy, điều trước tiên là phải có nhận thức mới về công bằng, bình đẳng phù hợp với thời đại, phù hợp với trình độ phát triển hiện thời của đất nước. Bình đẳng là trạng thái pháp lý mà ở đó mọi công dân có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau, có được phẩm chất người như nhau. Trạng thái đó do Nhà nước thiết định và dành sẵn cho mọi người, bất luận các cá nhân có làm gì với các quyền mình có hay không. Để có được điều đơn giản này, loài người phải trải qua hàng nghìn năm đấu tranh chính trị, xã hội.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-thanh-tuu-thach-thuc-trong-bao-ve-quyen-con-nguoi-a182187.html