'Cuộc đua' đường sắt cao tốc – metro: Các doanh nghiệp lớn đã sẵn sàng?
Cuộc đua phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết, nhất là trong những lĩnh vực mới còn nhiều dư địa phát triển như đường sắt đô thị (metro) hay đường sắt tốc độ cao. Với tầm nhìn dài hạn, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang chuẩn bị những gì cho 'cuộc đua' dài hơi này?
Tầm nhìn dài hạn của những doanh nghiệp lớn
Hạ tầng giao thông được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong lĩnh vực đường sắt, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2035, hàng chục tỷ USD sẽ được đầu tư vào hệ thống đường sắt đô thị cũng như các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Ngày 25/11/2024, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh (UTH) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để các doanh nghiệp trong nước tiếp tục khẳng định thực lực, củng cố tên tuổi, góp phần kiến tạo một hệ thống giao thông hiện đại, bền vững cho đất nước. Dư địa rộng mở, triển vọng tăng trưởng hấp dẫn trong lĩnh vực đường sắt cao tốc - metro đã và đang thu hút nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực hạ tầng giao thông của Việt Nam quan tâm.
Nhận định về cơ hội của doanh nghiệp Việt ở lĩnh vực mới này, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho hay: “Việt Nam dự kiến đầu tư hàng chục tỷ USD cho đường sắt tốc độ cao, các tuyến metro đường sắt đô thị. Đó là cơ hội mà Đèo Cả xác định nắm bắt một cách bài bản. Chúng tôi đang chuẩn bị toàn diện về nhân sự và công nghệ, kỹ thuật để có thể sẵn sàng bước vào sân chơi mới, dựa trên nền tảng năng lực lõi của mình đã làm tốt ở mảng đường bộ thì nếu tham gia ở lĩnh vực đường sắt sẽ làm tốt hơn nữa. Đèo Cả đã có những bước đi chủ động từ việc đào tạo con người, tiếp cận và nắm bắt công nghệ để đầu tư máy móc thiết bị, đồng thời xác lập lợi ích phù hợp của doanh nghiệp để sẵn sàng cạnh tranh quốc tế khi cần”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp trong nước không chỉ từng bước tham gia, trực tiếp triển khai thực hiện mà còn hướng tới mục tiêu tiếp nhận công nghệ, làm chủ “cuộc chơi” để dẫn dắt các lĩnh vực mới như đường sắt cao tốc - metro ngay trên “sân nhà”.
Hợp lực để giảm thiểu rủi ro khi áp dụng công nghệ mới TBM để khoan hầm
Mới đây, liên danh Đèo Cả - Fecon - PowerChina - Sucgi đã đề xuất với UBND TP. Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù để tham gia tuyến metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương). Liên danh này cam kết thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, với nguồn lực nhân sự và thiết bị TBM (Tunnel Boring Machine) được huy động từ chính các doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn công nghệ, tránh việc độc quyền công nghệ của nước ngoài.

Lễ ký kết thỏa thuận mua sắm thiết bị TBM giữa Tập đoàn Đèo Cả với Tổng công ty Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCHI).
Cách làm này không xa lạ đối với Tập đoàn Đèo Cả. Tại dự án hầm Đèo Cả, khi hợp tác với Nhật Bản, doanh nghiệp đã lần đầu tiên trực tiếp triển khai bằng cách thuê chuyên gia để từng bước tiếp cận, dần làm chủ công nghệ, sau đó đã có những sáng tạo, cải tiến đưa ra phương pháp đào riêng của mình. Cần nhớ, đó là thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa từng thực hiện được công nghệ khoan hầm này và cũng chưa sở hữu máy móc, nhân sự lớn mạnh như hôm nay.
Trước liên danh Đèo Cả - Fecon - PowerChina - Sucgi, nhiều doanh nghiệp khác cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư tuyến metro số 4, trong khi Thaco nghiên cứu metro số 2 và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Liên danh Tập đoàn Đại Dũng - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Tập đoàn Hòa Phát cũng sẵn sàng góp mặt nhưng để tổ chức thực hiện không đơn giản chỉ là đăng ký làm mà cần có quá trình chuẩn bị bằng chính nội lực của doanh nghiệp Việt Nam. “Tự lực - Tự cường - Tự tôn dân tộc” và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình làm ra.
Tổ chức thực hiện khoa học - chìa khóa cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới
Hiện tại, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ khoan hầm NATM, trong đó Tập đoàn Đèo Cả không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng mà còn sáng tạo, cải tiến thành công nghệ khoan hầm NATM “hệ Đèo Cả” đã được chứng thực qua việc thi công thành công hơn 55km hầm đường bộ trên khắp cả nước. Tuy nhiên, để tiến tới sử dụng và làm chủ công nghệ TBM hiện đại, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải học hỏi, nắm vững lý thuyết từ các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Trung Quốc, Nhật Bản… mà còn phải có năng lực thực chiến.

Đội ngũ học viên Đèo Cả tham gia chương trình tu nghiệp chuyên sâu về công nghệ thi công hầm bằng máy khoan TBM.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, vào tháng 5/2025, Tập đoàn đã cử đội ngũ kỹ sư và công nhân sang Trung Quốc học tập từ Cục 2 Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc - đơn vị hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng TBM. Chương trình đào tạo này giúp nhân sự tiếp cận từ lý thuyết đến trực tiếp thị phạm, thực hành tại các công trường thực tế như tuyến đường sắt Quảng Châu - Đông Quan - Thâm Quyến hay dự án nhà ga Long Thành thuộc tuyến đường sắt liên thành phố Thâm Quyến - Huệ Châu.
Trước đó, Đèo Cả đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh để “đặt hàng” đào tạo gần 200 nhân sự trong hệ thống, tham gia chương trình đào tạo văn bằng hai chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị, dự kiến tốt nghiệp vào tháng 8/2025. Nhìn xa hơn, doanh nghiệp này đang xây dựng kế hoạch hợp tác với các cơ sở giáo dục quốc tế như Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu và Trường Cao đẳng Đường sắt Vũ Hán, nhằm thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đường sắt.
Những nỗ lực trên đây không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án lớn mà còn giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi. Điều này giảm sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và tăng tính tự chủ trong thi công. Nhờ vậy, các doanh nghiệp Việt ngày càng tự tin khi tham gia các dự án quy mô quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay, doanh nghiệp xác định muốn tham gia hiệu quả vào các dự án lớn trong tương lai, không thể chỉ chuẩn bị về thiết bị mà phải đi cùng quá trình đào tạo nhân sự, chuyển giao và tiến tới làm chủ công nghệ lõi. Việc đầu tư cho đội ngũ nhân sự còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu, là bước đi chiến lược để đảm bảo thành công trong dài hạn.
Nhìn ra quốc tế, mà điển hình như Trung Quốc, với hơn 6 thập kỷ nghiên cứu công nghệ TBM (từ thập niên 1950), Trung Quốc đang là thị trường TBM lớn nhất thế giới với hơn 70% thị phần toàn cầu. Quốc gia này cũng sở hữu năng lực số một với khoảng 5.000 thiết bị và những TBM siêu lớn, đường kính lên tới hơn 16m như Jianghai hay hơn 17m như Shanhe.
Đầu tư thiết bị để làm chủ công nghệ khoan ngầm
Đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại là một bước đi quan trọng của các doanh nghiệp Việt. Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã tiên phong trở thành doanh nghiệp nội địa đầu tiên đặt mua thiết bị TBM thông qua thỏa thuận với Tổng công ty Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCHI) - nhà sản xuất TBM hàng đầu thế giới hiện nay và đại lý ủy quyền tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Thiết bị và Dịch vụ TCE.

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Trong thi công đường sắt đô thị, TBM là thiết bị không thể thiếu với hiệu quả tối ưu về tốc độ, an toàn và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy vậy, các dự án metro trước đây ở Việt Nam thường bị phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài sở hữu TBM, nhà thầu trong nước chưa thể chủ động bởi vượt quá khả năng. Việc sở hữu TBM giúp doanh nghiệp trong nước giảm phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sự chuẩn bị bài bản từ nhân lực đến thiết bị sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước đặt nền tảng vững chắc cho các các tuyến metro tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhìn xa hơn, là minh chứng cho khát vọng vươn xa của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời khẳng định năng lực nội tại, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa giao thông quốc gia.