Cuộc đua 'xe bay': BMW, Toyota và Boeing đang dẫn đầu
Cuộc đua xe bay bùng nổ khi Toyota đầu tư 398 triệu USD vào Joby Aviation, BMW phát triển Skai chạy hydro, Honda hướng tới eVTOL 400 km/h.
Cuộc đua phát triển phương tiện bay cá nhân đang nóng lên khi nhiều hãng xe lớn như Honda, Hyundai và BMW tăng tốc giới thiệu những mẫu "xe bay" thế hệ mới, mở ra kỷ nguyên di chuyển trên không.
![BMW’s Skai. Ảnh: BMW](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51420429/c48ccc27f5691c374578.jpg)
BMW’s Skai. Ảnh: BMW
Các phương tiện này thuộc nhóm eVTOL - viết tắt của "electric vertical take-off and landing" (cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy điện). Chúng có khả năng bay lơ lửng, cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng, khiến cơ chế hoạt động giống trực thăng hơn là ô tô hay máy bay thông thường.
Hiện tại, nhiều hãng xe và công ty hàng không đã trình làng những thiết kế khác nhau, mỗi mẫu xe đại diện cho một tầm nhìn riêng về tương lai di chuyển trên không.
BMW Skai
BMW thông qua công ty thiết kế Designworks đã phát triển mẫu Skai – một phương tiện bay bốn chỗ sử dụng năng lượng hydro, hướng đến mô hình "di chuyển hàng không đô thị".
Mẫu xe bay này trang bị sáu động cơ điện, có thể đạt vận tốc tối đa 190 km/h. Về an toàn, Skai vẫn có thể tiếp tục bay ngay cả khi hai trong số sáu động cơ gặp sự cố. Trong trường hợp toàn bộ động cơ ngừng hoạt động, hệ thống dù khẩn cấp sẽ được kích hoạt để đảm bảo an toàn cho hành khách.
BMW mô tả Skai là "một trong những đột phá lớn nhất trong ngành di chuyển kể từ khi ô tô ra đời".
Toyota Joby eVTOL
Năm 2020, Toyota đã đầu tư 398 triệu USD để sở hữu Joby Aviation – một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực eVTOL. Hiện tại, dự án này đã vượt qua ba trong năm giai đoạn cần thiết để được cấp chứng nhận bay.
![Toyota and Joby’s eVTOL. Ảnh: Toyota](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51420429/d06edac5e38b0ad5539a.jpg)
Toyota and Joby’s eVTOL. Ảnh: Toyota
Mẫu eVTOL của Joby có thể đạt tốc độ tối đa 322 km/h, thiết kế đuôi chữ V, sáu cánh quạt và khoang hành khách hai chỗ ngồi.
Hãng xe Nhật Bản từng khẳng định sẽ đẩy nhanh quá trình thương mại hóa sản phẩm này, với tuyên bố: "Từ khi thành lập, Toyota luôn hướng tới một xã hội nơi mọi người có thể di chuyển tự do".
Honda eVTOL
Không đứng ngoài cuộc chơi, Honda cũng đang phát triển một mẫu eVTOL lai hybrid, dù chưa công bố tên chính thức.
Theo hãng xe Nhật, eVTOL này sẽ là trung tâm của một "hệ sinh thái di chuyển" rộng lớn mà Honda đang hướng đến. Hình ảnh thiết kế cho thấy mẫu xe có cánh quạt cùng động cơ tuabin, mang dáng dấp của một chiếc thủy phi cơ.
Honda cho biết phương tiện này có thể đạt tốc độ gần 400 km/h, đồng thời kỳ vọng sẽ kết nối các phương thức di chuyển trên bộ, trên không và trên biển trong tương lai.
Hyundai Supernal S-A2
Tại triển lãm CES 2024, Hyundai đã giới thiệu mẫu xe bay SA-2 với thiết kế tinh tế, mang phong cách của một trực thăng hiện đại nhưng lại sở hữu sự tiện nghi của một chiếc xe sang.
Theo Hyundai, SA-2 sử dụng tám cánh quạt cùng thiết kế đuôi chữ V, có thể đạt vận tốc hành trình 193 km/h mà gần như không phát ra tiếng ồn. Khoang hành khách có sức chứa bốn người.
Hãng xe Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa SA-2 vào vận hành chính thức vào năm 2028.
Porsche và Boeing
Porsche và Boeing đã ấp ủ kế hoạch phát triển một mẫu eVTOL trong nhiều năm qua. Mẫu xe bay này được mô tả là mang phong cách viễn tưởng, không thua kém những thiết kế xuất hiện trong "Star Wars" hay "Batman".
![Thiết kế sơ bộ eVTOL của Porsche và Boeing. Ảnh: New York Post](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51420429/c892c739fe7717294e66.jpg)
Thiết kế sơ bộ eVTOL của Porsche và Boeing. Ảnh: New York Post
Detlev von Platen, thành viên hội đồng quản trị của Porsche, từng chia sẻ với Top Gear rằng hãng đang hướng đến "kích hoạt chiều không gian thứ ba của giao thông đô thị" trong dài hạn.
Stellantis Midnight
Archer Aviation – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực eVTOL – đã nhận được khoản đầu tư 150 triệu USD từ Stellantis để phát triển mẫu Midnight. Đây sẽ là mẫu xe bay độc quyền do tập đoàn ô tô khổng lồ này sản xuất.
Midnight có khả năng di chuyển quãng đường 160 km cho mỗi lần sạc. Tuy nhiên, điểm mạnh của mẫu eVTOL này không nằm ở tầm bay xa, mà ở khả năng thực hiện các chuyến bay ngắn từ 32 đến 80 km một cách liên tục, đáp ứng nhu cầu di chuyển trong đô thị.
Thiết kế của Midnight có phần giống một máy bay cỡ nhỏ, nhưng nổi bật với 12 cánh quạt quay hướng lên, tương tự trực thăng.
Suzuki SkyDrive
Góp mặt trong cuộc đua, Suzuki trình làng mẫu SkyDrive – một phương tiện eVTOL ba chỗ có trọng lượng nhẹ.
Theo bản thiết kế, mẫu xe này có phần cánh quạt xếp thành hình chữ thập, với dáng vẻ gọn gàng như một chiếc trực thăng mini. SkyDrive có tốc độ tối đa 100 km/h và dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong năm nay.
Xpeng AeroHT eVTOL
Xpeng, thương hiệu xe điện Trung Quốc, đã tạo ra một mẫu eVTOL độc đáo có khả năng "tách rời" khỏi chiếc SUV chuyên dụng của hãng.
![Xpeng AeroHT’s eVTOL. Ảnh: Xpeng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51420429/d290d23beb75022b5b64.jpg)
Xpeng AeroHT’s eVTOL. Ảnh: Xpeng
Theo thiết kế, phương tiện này được tích hợp trong cốp xe và có thể tự động triển khai để sẵn sàng cất cánh. Mẫu eVTOL này được quảng bá như một "drone chở người", mang lại sự linh hoạt trong di chuyển.
Được biết, đã có hơn 3.000 khách hàng đặt trước mẫu xe bay này, trong khi hãng đang tiến gần đến giai đoạn phê duyệt chính thức.