Cuộc mít tinh đặc biệt

Cuối năm 1944, trước chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo Thành ủy Hà Nội thành lập Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu là một tổ chức tuyên truyền vũ trang cách mạng, để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Vũ Oanh (1924 - 2022), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, lúc đó là cán bộ của Thành ủy Hà Nội, được giao nhiệm vụ thành lập lực lượng này.

Tuy lực lượng còn nhỏ bé và non trẻ nhưng Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã nắm vững thời cơ cách mạng, có nhiều phương thức hoạt động mưu trí, dũng cảm… ngay giữa hang ổ của địch, gây thanh thế cho Mặt trận Việt Minh, khiến kẻ thù hoang mang lo sợ… Đặc biệt trong cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu thực sự là lực lượng vũ trang nòng cốt trong phong trào cách mạng của quần chúng, thúc đẩy khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi.

 Đồng chí Vũ Oanh (ngồi giữa) và các cựu đoàn viên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu trong lần họp mặt tháng 8/1997.

Đồng chí Vũ Oanh (ngồi giữa) và các cựu đoàn viên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu trong lần họp mặt tháng 8/1997.

Sinh thời, đồng chí Vũ Oanh, tuy tuổi cao sức yếu nhưng thường xuyên tham dự các cuộc họp mặt truyền thống của các cựu thành viên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 hằng năm. Do nhiệm vụ công việc ở Hà Nội, tôi may mắn được có mặt trong nhiều cuộc họp mặt trên đây, được nghe nhiều câu chuyện “tuyên truyền xung phong” sinh động và hấp dẫn do chính các nhân vật và nhân chứng lịch sử kể lại.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Thành ủy Hà Nội quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở ngoại thành, với đối tượng chủ yếu là nữ thanh niên, nhằm biểu dương lực lượng Việt Minh và đoàn thể phụ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ cứu quốc phát triển. Thành ủy giao cho Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong đi trinh sát chọn địa điểm để kịp thời tổ chức cuộc mít tinh đặc biệt này. Đồng chí Vũ Oanh cùng 2 cộng sự đắc lực nhất là Hà Minh Tuân và Thái Hy trực tiếp đi khảo sát, ngang dọc khắp các ngả đường từ nội thành đến ngoại thành, cuối cùng các ông thấy cánh đồng Mễ Trì là địa điểm thuận tiện nhất.

Từ đường Cầu Mới - Hà Đông (nay là đường Nguyễn Trãi) đi vào Mễ Trì không có đường lớn cho cơ giới địch tiếp cận khu vực mít tinh. Chung quanh một cái miếu, khuất bóng dưới gốc đa lớn, trên một bãi rộng có thể tập trung được hàng ngàn người. Từ thị xã Hà Đông và nội thành Hà Nội, người đi dự mít tinh có thể đến Mễ Trì từ nhiều hướng. Sau cuộc mít tinh, có thể tổ chức biểu tình tuần hành trong khu vực làng Mễ Trì trước khi tỏa ra các hướng để cổ vũ khí thế nhân dân cả một vùng rộng lớn từ Bắc thị xã Hà Đông đến vùng ngoại ô Tây Nam Hà Nội...

 Các “tiểu thư Việt Minh” trong ngày hội ngộ.

Các “tiểu thư Việt Minh” trong ngày hội ngộ.

Ngày 29/4/1945 là một ngày Chủ nhật đẹp trời. Từ sáng sớm, trên các ngả đường, thanh niên và học sinh mà phần đông là nữ, đi thành từng tốp tiến vào cánh đồng Mễ Trì. Vì danh nghĩa là cuộc mít tinh của Phụ nữ cứu quốc Hoàng Diệu nên đối tượng chủ yếu là nữ thanh niên Hà Nội và thị xã Hà Đông. Không khí náo nức như đi trẩy hội, tuy nhiều chị em “băm sáu phố phường” cũng khá vất vả khi phải men theo bờ ruộng gồ ghề. Trên những ngã ba, ngã tư... các cô thỉnh thoảng gặp một vài bạn trai trước đây cùng trường, cùng lớp... đang chỉnh tề, trang nghiêm đứng làm nhiệm vụ canh gác và chỉ đường.

Các chàng trai không khỏi tự hào về vị trí của mình và nhất là về thứ vũ khí mà họ “may mắn” được trang bị, như súng kíp, súng ngắn, súng trường... được gọi bằng những cái tên “tiếng Tây” rất... oách! Những cái liếc mắt, những nụ cười thông cảm một cách rất tế nhị, như muốn chia sẻ với bạn đồng môn, đồng khóa về tình cảm cách mạng của lớp trẻ hôm nay. Xen lẫn những bộ quần áo thị thành thướt tha nhiều màu sắc của các “tiểu thư Hà Nội” là những chiếc áo cánh trắng, áo dài nâu, quần thâm... của chị em phụ nữ địa phương.

Giờ mít tinh đã đến. Đám đông giãn ra, nhường lối cho 3 cô gái cùng lá cờ đỏ sao vàng tiến vào phía cây đa trên mô đất cạnh ngôi miếu. Đúng lúc đó, 4 nam thanh niên bận đồng phục Hướng đạo sinh tiến theo, tay cầm súng ngắn bảo vệ diễn giả và lá cờ. Tất cả đột nhiên im lặng. Sự im lặng trang nghiêm và tự giác càng tôn vẻ uy nghi của lá cờ cách mạng giương cao, đang tung bay trên gò đất giữa cánh đồng lộng gió. Sau khi một bạn trẻ trong Ban tổ chức tuyên bố cuộc mít tinh bắt đầu, chị Tạ Thị Thọ, một cán bộ phụ nữ từ lâu vẫn bám sát phong trào phụ nữ ở Hà Nội và Hà Đông, nhanh nhẹn bước lên, cất tiếng diễn thuyết về những tấm gương phụ nữ cứu nước oanh liệt như Bà Trưng, Bà Triệu...

Đặc biệt là tấm gương hy sinh của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Noi theo những tấm gương liệt nữ trên đây, mọi người mà nhất là các bạn trẻ nữ giới, không phân biệt thành thị hay thôn quê, hãy mau chóng đứng vào các tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh để cứu nước, cứu nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng, bình quyền...

Cuộc mít tinh kết thúc và chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành. Cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn diễu hành từ miếu Mễ Trì vào làng. Nhiều người đón ở cổng làng hoặc trước ngõ, đợi đoàn biểu tình đi qua để hoan hô, tán thưởng rồi gia nhập đội ngũ diễu hành, khiến cho đoàn người mỗi lúc càng thêm đông. Tiếng hô "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập vạn tuế", "Đả đảo phát xít Nhật và tay sai"... chốc chốc lại vang lên hừng hực khí thế.

Tiếp sau lời chị Thọ, đồng chí Vũ Oanh tóm tắt tình hình thế giới và trong nước, chỉ rõ ngày tận số của chủ nghĩa phát xít từ Âu sang Á đã đến gần. Đồng chí đưa ra những dẫn chứng về sự lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ nói chung, của nữ thanh niên nói riêng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, động viên chị em hãy tham gia đoàn thể Phụ nữ cứu quốc, chuẩn bị cùng toàn dân đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, vì thời cơ ngàn năm có một đang chín muồi để dân tộc Việt Nam và phụ nữ Việt Nam thoát khỏi vòng nô lệ...

Cuộc mít tinh kết thúc và chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành. Cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn diễu hành từ miếu Mễ Trì vào làng. Nhiều người đón ở cổng làng hoặc trước ngõ, đợi đoàn biểu tình đi qua để hoan hô, tán thưởng rồi gia nhập đội ngũ diễu hành, khiến cho đoàn người mỗi lúc càng thêm đông. Tiếng hô "Ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập vạn tuế", "Đả đảo phát xít Nhật và tay sai"... chốc chốc lại vang lên hừng hực khí thế. Xế chiều, đoàn biểu tình ra khỏi làng Mễ Trì và tỏa ra nhiều hướng. Các chiến sĩ tự vệ đi ngược dòng người bắc loa hướng dẫn: “Cuộc biểu tình tuần hành đến đây đã kết thúc. Xin mời đồng bào và anh chị em giải tán. Ai đến bằng hướng nào, thì về theo hướng ấy”... Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu và đoàn viên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đứng trên các ngã ba, ngã tư, tiếp tục hướng dẫn từng dòng người tỏa về các ngả đường...

Câu chuyện về cuộc mít tinh đặc biệt trên đây, tôi được nghe trực tiếp trong lần họp mặt kỷ niệm 54 năm truyền thống Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, tổ chức giữa tháng 8/1997 tại Hà Nội. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, những người có mặt trong bức ảnh chụp hôm đó, nay hầu hết đã qua đời. Những người còn tại thế thì đã rất già yếu, nên những cuộc họp mặt thường niên gần đây cũng dần vắng mặt. Điều đặc biệt là tuy thế, nhưng cuộc họp mặt năm nào cũng rất đông người tham dự; đó là con cháu của họ đến để ôn lại truyền thống hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà cha mẹ và ông bà của họ đã vinh dự được tham gia. Và vì thế, tinh thần của Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, của các “tiểu thư Việt Minh” Hà Nội năm xưa, vẫn không ngừng được tiếp nối và phát huy...

Nhà thơ Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cuoc-mit-tinh-dac-biet-103941.bbg