Cuộc sống đổi thay của các tộc người ở thung lũng Trường Sơn

Từ cuộc sống luôn bị các hủ tục bủa vây, đời sống quẩn quanh dựa vào rừng núi và khe suối, những năm gần đây các tộc người ở thung lũng dãy núi Trường Sơn trên đất Quảng Bình đang có cuộc sống ngày một khởi sắc, phát triển. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, con em được chăm sóc đến trường…

Thành quả đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính bà con và các cấp chính quyền ở địa phương, trong đó lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng luôn đi đầu trong việc góp sức cùng người dân thay đổi bản làng.

Gần nửa thế kỷ đấu tranh xóa bỏ hủ tục

Chúng tôi đến Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình nơi sinh sống của bà con tộc người Rục khi trời gần tối. Cách đây ít năm, khi màn đêm buông xuống thì nơi đây rơi vào bức màn sương, người lạ lên với bản làng ít người dám ở lại qua đêm.

Lãnh đạo chính quyền địa phương và các đơn vị ở Quảng Bình trao nhà tặng bà con các tộc người ở thung lũng Trường Sơn.

Lãnh đạo chính quyền địa phương và các đơn vị ở Quảng Bình trao nhà tặng bà con các tộc người ở thung lũng Trường Sơn.

Cảm giác e ngại có phần lo sợ cứ bao bọc xung quanh, bởi trong màn đêm đặc quánh của núi là tiếng kêu, tiếng hú của thú rừng. Những âm thanh của rừng già trong đêm luôn gây giật thót với người lạ. Cũng vì vậy, nhiều cán bộ ở miền xuôi lên đây công tác thường tìm cách ra về khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi. Ít ai bám trụ lại với bản làng.

Song nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an và Bộ đội Biên phòng đã chọn ở lại với bà con dân bản. Và từ đó, bản làng ngày một khởi sắc, đời sống bà con thay đổi từng ngày khi họ được hướng dẫn biết cầm cái cuốc, cái thuổng để làm ruộng, biết chăn nuôi con gà, con bò thay bằng săn bắt thú rừng. Đêm ở Thượng Hóa bây giờ tiếng trẻ con học bài, tiếng bà con dân bản ngồi bên nhau bàn việc trồng cây lúa, cây bắp… đã xua tan màn đêm âm u của núi rừng.

Đến đầu năm 2013, tộc người Rục ở miền Tây Quảng Bình còn được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới. Người Rục hiện nay định cư ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O - Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và được xem là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Được biết, khi được phát hiện và đưa rời khỏi hang đá, người Rục chỉ có 34 người gồm 11 nam, 23 nữ, bốn em nhỏ và một già làng. Họ sống tách biệt, dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài… Cùng với tộc người Rục, người Sách, người Mày, người Khùa, người Ma Coong ở các thung lũng dãy núi Trường Sơn qua đất Quảng Bình luôn bị các hủ tục bủa vây, những hủ tục đã nhiều lần uy hiếp đến sự tồn vong của các tộc người này.

Hủ tục mẹ chết phải chôn con theo đã nhiều lần gây ra cảnh tượng rùng rợn ở nơi thâm sơn của nhiều bản làng. Nhiều lần lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng cắm bản đã kịp thời cứu được nhiều em bé khỏi bị chôn sống khi mẹ không may qua đời. Đó là đôi bé kháu khỉnh con của Y Hoi, hay con trai của bà Hồ Thị L… Khi chị Hồ Thị L. sinh con không may bị băng huyết qua đời, bản làng bắt người nhà phải chôn sống đứa bé theo mẹ. Nghe tin, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo và Công an xã Dân Hóa đã kịp thời có mặt giằng lấy đứa bé trong tay Trưởng bản. Đứa trẻ được cứu sống đặt tên là Hồ D.

Được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của nhiều người, nay Hồ D. khỏe mạnh, ngày một trưởng thành. Sau khi xóa bỏ được hủ tục mẹ chết chôn con theo, hiện nay lực lượng Công an, Biên phòng ở nhiều bản làng đang nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ bà con một số nơi xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Do kết hôn quá trẻ khi cơ thể chưa hoàn thiện đầy đủ, nên nhiều thai nhi chậm phát triển, thậm chí dẫn đến tử vong cho mẹ lẫn con.

Hủ tục hôn nhân cận huyết thống làm bào mòn, đảo lộn cuộc sống bình yên nhiều bản làng. Một số nơi anh chị em ruột lấy nhau, con chú lấy con bác, con cô lấy con cậu… đã sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, và khi thấy vậy, bản làng lại tổ chức cúng tế, một số đối tượng bên ngoài lại tìm đến lợi dụng việc mê tín của người dân để thực hiện ý đồ gây mất an ninh chính trị trên địa bàn.

Sát cánh giúp bà con thay đổi cuộc sống

Những năm gần đây, về các bản làng của các tộc người ở miền Tây Quảng Bình trên dãy Trường Sơn, cuộc sống đổi thay từng ngày. Hiện các trục đường đã được rải nhựa hoặc bê tông để ôtô vào tận các thôn, bản. Nhiều bản làng ngói mới, bê tông kiên cố như phố mới thấp thoáng xuất hiện giữa các thung lũng rừng già.

Chủ tịch xã Dân Hóa, ông Đinh Văn Chinh cho chúng tôi biết: Từ những bản làng luôn thiếu ăn, cuộc sống bị bủa vây bởi những hủ tục, những năm gần đây, được sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình của CBCS Đồn Biên phòng Cha Lo và Công an đứng chân trên địa bàn, bà con dân bản ở Dân Hóa đã có cuộc sống đổi thay, nhiều bà con dân bản làm được nhà mới, trẻ em được đến trường.

Xã Dân Hóa có hơn 1.107 hộ với 4.543 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,2% gồm đồng bào Bru-Vân Kiều, Chứt, Mường, Thái, Tày. Ngoài 4 bản nằm sâu phía trong thung lũng Trường Sơn là bản Ba Loóc, bản Hà Nôông, bản Tà Rà, bản K-Ai thì 7 bản còn lại bà con sinh sống hai bên đường 12A lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Khu tái định cư bản mới ở Cha Lo vừa được bàn giao cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây vào cuối năm 2021. Những ngôi nhà kiên cố điểm tô giữa màu xanh ngắt của núi rừng Trường Sơn.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Cha Lo, ông Hồ Thong nắm tay chúng tôi thật chặt vui vẻ tâm sự: Năm nay là năm thứ hai 34 hộ bà con được về bản mới, có nhà mới khang trang. Nếu so với trước đây, cuộc sống bà con chỉ biết quẩn quanh dựa vào săn bắt con thú trên rừng, con cá, con tôm dưới suối thì giờ đây cuộc sống bà con ổn định, yên cái bụng lo làm ăn. Bà con dân bản đã biết làm lúa nước, trồng rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống.

Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Bước đi đầu tiên để thay đổi các bản làng là chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an, Biên phòng cắm bản giúp bà xóa bỏ các hủ tục như mẹ chết chôn con theo, hạn chế tảo hôn, và tìm cách không để hôn nhân cận huyết xảy ra. Nhiều điểm trường học, cơ sở y tế được mở ra để giúp bà con dân bản biết chữ, trẻ con được đến lớp, được thăm khám bệnh tật định kỳ…

Tộc người Rục từ không một ai biết chữ, chỉ có 34 người nay đã có gần 500 người, nhiều em đã học xong tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Gần đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa 87 nhà cho bà con các đồng bào Rục để người dân yên tâm sinh sống, và phát triển kinh tế sản xuất như chăn nuôi, trồng lúa nước…

Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, trên địa bàn huyện Minh Hóa hiện có hàng chục hộ gia đình tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo là bà con người dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, nơi có phần đông các tộc người sinh sống khẳng định: Từ những tộc người luôn bị đói nghèo, lạc hậu, hủ tục bủa vây, đến nay hàng vạn đồng bào các dân tộc nơi đây có nhà ở kiên cố, đời sống văn hóa, kinh tế ngày một phát triển đó là sự nỗ lực hết mình của các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con các dân tộc.

Huyện Minh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con như: Giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; tuyên truyền xuất khẩu lao động; hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo các thôn, bản vùng giáp biên giới.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/cuoc-song-doi-thay-cua-cac-toc-nguoi-o-thung-lung-truong-son-i687630/