Cuộc sống thật tuyệt diệu, 'chẳng việc gì phải phí sức để lớn lên'

Trong lời kết khi viết về cuốn 'Lại thằng nhóc Emil' ở tuần trước, chúng tôi đã nhắc đến việc từ khi ra mắt khán giả, chú nhóc Emil và cô nhóc Pippi Tất dài trong cuốn truyện cùng tên là bộ đôi sứ giả được yêu mến nhất của tượng đài văn học thiếu nhi Thụy Điển, Astrid Lindgren.

“Pippi Tất dài” là một cái tên lạ lùng ngay với chính tác giả, cô bé xuất hiện ngẫu nhiên và cứ thế đi vào từng trang viết của nhà văn: “Năm 1941, Karin, con gái bảy tuổi của tôi, mắc chứng viêm phổi. Mỗi buổi tối khi tôi ngồi bên giường, con bé đều nằn nì “mẹ kể một câu chuyện đi mẹ”. Một buổi tối nọ, sau khi đã cạn sạch vốn, tôi hỏi lại Karin: “Mẹ kể gì bây giờ nhỉ” và con bé bảo: “Kể về bạn Pippi Tất dài”. Karin đã bật ra cái tên cô bé ngay tại đó, ngay lúc đó. Còn tôi, tôi đã không hỏi Pippi Tất dài là ai. Tôi cứ thế bắt đầu câu chuyện”.

Và thế là, cô nhóc nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất thế giới - Pippi Tất dài ra đời, lần lượt gặp gỡ thiếu nhi ở 90 nước, với 7 lần bước từ những trang sách vào màn ảnh nhỏ.

Từ bao giờ, cô nhóc có mái tóc màu cà rốt, mặt đầy tàn nhang và khỏe đến nỗi có thể nhấc được cả một con ngựa này đã truyền cảm hứng đọc sách cho hàng triệu thế hệ thiếu nhi trên khắp thế giới, ngay cả người lớn cũng đọc đi đọc lại cuốn truyện này mà không bao giờ thấy chán. Bởi cuốn truyện - từng câu, từng chữ là những giọt nước nguồn mát lành về nguồn sống và về cảm hứng sống - yêu mình và yêu thương mọi người. Còn theo lời tác giả, đó là “niềm kính ngưỡng sự sống”.

Pippi là một đứa trẻ thiếu may mắn, mẹ mất “từ lúc cô bé hãy còn là một hình hài tí xíu nằm trong nôi”, còn ông bố thuyền trưởng thì “bị bão cuốn xuống biển mất tích”. Nghịch cảnh đó, chỉ càng khiến Pippi thêm bản lĩnh và sống một cuộc sống tự do, tự tại mà bất kỳ đứa trẻ nào đều thèm khát. Cô bé thường ngửa cổ vẫy mẹ và kêu lên: “Mẹ đừng lo cho con! Con tự lo liệu được”. Về bố, Pippi luôn tin tưởng và khẳng định một cách tuyệt đối và đầy hãnh diện rằng “bố tớ là vua của dân da đen”. Với những đồng đội của bố trên tàu, Pippi động viên họ khi từ biệt: “Đừng lo cho cháu. Cháu tự xoay sở được”. Và Pippi từ biệt họ, rời tàu để về ở tại căn Biệt thự Bát nháo mà bố cô bé đã mua nhiều năm trước, với một con khỉ tên là Ông Nilsson, một chú ngựa mà cô bé thường vác từ vườn vào hành lang và ngược lại, cùng một va li đầy những đồng tiền vàng.

Kể từ đây, một Pippi “rất đỗi kỳ lạ” trở thành thỏi nam châm hút hai người bạn hàng xóm là Thomas và Annika vào những câu chuyện và những “cuộc phiêu lưu” mà không một đứa trẻ bình thường nào từng được trải qua. Từ việc vì sao Pippi đi giật lùi và khi ngủ thì luôn trùm kín đầu và để hở đôi chân đeo tất dài gác lên gối, đến việc “bên Brasil mọi người đều đi lại với trứng trên đầu... trừ một ông già nọ điên rồ tới mức chén sạch chỗ trứng...”. Từ những bộ sưu tập ốc, đá quý, gương bạc mà bố Pippi sưu tập trong những chuyến phiêu lưu trên biển được cô bé cất vào cái tủ lớn có nhiều ngăn kéo, đến việc trở thành những “người thu nhặt” - cái nghề chưa từng xuất hiện trên thế giới. Và tất nhiên, trong tất cả các “cuộc phiêu lưu” cùng người bạn kỳ lạ, Thomas và Annika luôn được cô bạn đeo đôi tất dài mọi lúc mọi nơi, dành cho những món quà bất ngờ và tinh tế.

Thomas và Annika trở thành những đứa trẻ may mắn nhất thế giới khi được đồng hành cùng cô bạn hàng xóm trong những trải nghiệm kỳ lạ nhất, nhưng là khao khát của bất kỳ đứa trẻ nào trên thế gian này. Tuổi thơ, có đứa trẻ nào không ao ước được phiêu lưu trên khắp thế gian, được sở hữu chí ít là một căn phòng riêng để thoải mái bày biện, thật giàu có để mua bất cứ thứ gì mình thích, có một kho đồ chơi dường như vô tận, có sức khỏe vô địch và nhất là chẳng phải đến trường đi học, chỉ việc rong chơi suốt ngày đêm... Pippi có tất cả điều đó, và cô bé sẵn sàng chia sẻ cuộc sống tuyệt vời của mình với tất cả bạn bè của mình. Ngay cả việc khi đã trở thành công chúa, con của đức vua Efraim Tất dài Đệ nhất. Vì thế, có đứa trẻ nào không ước được một lần làm bạn hàng xóm của Pippi Tất dài đâu.

Và cuối cùng, Pippi dường như đã nói lên “lý tưởng sống” của tất cả trẻ em trên thế giới này, rằng “chúng mình muốn lúc nào cũng bày ra trò vui” cùng ước muốn “chẳng bao giờ lớn lên”, “chẳng việc gì phải phí sức để lớn lên” vì “người lớn có được trò vui gì đâu”.

Đó thực ra cũng là tuổi thơ tuyệt vời và kỳ diệu mà bất kỳ ai cũng khao khát được một lần trở lại khi gấp lại cuốn truyện.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/cuoc-song-that-tuyet-dieu-chang-viec-gi-phai-phi-suc-de-lon-len/26287.htm