Cuộc thi viết 'LÒNG TỐT QUANH TA': Người thầy nơi 'đầu sóng ngọn gió'

Sau 2 lần viết đơn tình nguyện, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú được xét duyệt ra đảo công tác tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

Sinh năm 1982, Nguyễn Hữu Phú là con út trong gia đình có 9 anh chị em; quê ở tỉnh Quảng Ngãi, gia đình vào định cư ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Đạt ước nguyện ra Trường Sa dạy học

Từ nhỏ Phú luôn ham học và ước mơ trở thành một nhà giáo. Vì gia đình nghèo nên việc học của anh cũng không được dễ dàng như các bạn đồng trang lứa. Khi đó, gia đình tính cho Phú nghỉ học từ năm lớp 8 nhưng anh vẫn năn nỉ xin được tiếp tục đến trường. Gia đình khó khăn, bố mẹ già lại ốm đau suốt, để phụ giúp gia đình, anh Phú từng làm rất nhiều nghề từ phụ hồ, giúp việc ở tiệm bánh, phục vụ ở quán cà phê, quán nhậu…

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Phú đi học Đại học Huế và hoàn thành khóa học tháng 5-2015. Tốt nghiệp, ra trường đi dạy 3 năm, Phú viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học và trở thành giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cùng học trò trên đảo Song Tử Tây

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cùng học trò trên đảo Song Tử Tây

"Khi nhận được quyết định trúng tuyển từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi vui lắm, cảm xúc lúc đó không có lời nào tả hết được. Nhưng người thân của tôi thì vừa mừng vừa lo. Mừng vì tôi đạt được ước nguyện ra Trường Sa dạy học, nhưng cũng lo vì ở đảo chắc chắn thiếu thốn hơn đất liền. Dù vậy, thấy được quyết tâm của tôi, cuối cùng, cả nhà cũng đều ủng hộ" - Phú kể.

Cuối tháng 5-2018, anh lên tàu HQ571 để ra đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. "Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo đã cảm nhận khí hậu khắc nghiệt nhưng được các chiến sĩ bộ đội, người dân và học sinh đón tiếp hết sức tận tình nên không có cảm giác mệt mỏi. Tôi thấy như được về ngôi nhà của mình vậy" - anh Phú nhớ lại.

Trước khi bắt đầu công việc, Nguyễn Hữu Phú cũng được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức, chương trình bởi việc dạy học ở đảo sẽ khác nhiều so với ở đất liền. Ở ngoài đảo Trường Sa, các giáo viên sẽ phải điều hành "mô hình lớp ghép", trong cùng một lớp sẽ có nhiều học sinh ở các lứa tuổi, trình độ khác nhau. "Giai đoạn đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân chia thời gian, giữa các môn của các khối lớp trong cùng một giờ học. Cứ chạy tới chạy lui, hết bạn này đến bạn khác như con thoi. Nhưng ưu điểm là nhà em nào cũng ở gần trường, rất hiền lành, chăm học, cha mẹ cũng đều quan tâm, kèm cặp các con sát sao. Những ngày nghỉ hoặc buổi tối, em nào chưa hiểu bài thì có thể mang sách vở đến trường để thầy giáo kèm thêm".

Thầy trò cùng vượt khó

Chính điều đó đã giúp tình cảm của anh với học trò, với quân dân trên đảo như những người thân trong một gia đình. "Đây cũng là động lực khiến tôi phải cố gắng hoàn thiện mình từng ngày" - thầy giáo trẻ tâm sự.

Khó khăn còn đến ở việc chuẩn bị trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập cho cả thầy và trò. Những thiết bị này dù đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà hảo tâm, hội khuyến học gửi ra đầy đủ, nhưng khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm, độ mặn cao khiến đồ dùng rất nhanh hỏng. Nhiều thời điểm, đồ dùng học tập từ đất liền không thể tới kịp. Để khắc phục, các giáo viên đã dùng những vật liệu có sẵn tại chỗ như giấy cứng, vỏ ốc, san hô để tự làm đồ dùng dạy học.

Thầy Nguyễn Hữu Phú trong một tiết dạy tại đảo Song Tử Tây

Thầy Nguyễn Hữu Phú trong một tiết dạy tại đảo Song Tử Tây

Trường Tiểu học Song Tử Tây có 2 giáo viên, do đó các thầy phải dạy lớp ghép từ mẫu giáo cho đến lớp 5. Để có thể truyền thụ kiến thức cho học sinh và tạo hứng thú trong từng giờ dạy, thầy Phú cùng đồng nghiệp tập trung nghiên cứu giáo án, tài liệu cũng như chọn phương pháp giảng dạy hiệu quả. Thầy Phú cho biết mỗi buổi lên lớp, thầy ưu tiên hướng dẫn dạy cho trẻ mẫu giáo trước. Đến khi nhóm này đã ổn định, thầy bắt đầu dạy trò lớp lớn. Nhiều bé mới 2-3 tuổi cũng được các thầy đón đến trường học để các con làm quen với trường lớp, thầy cô.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú được LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa biểu dương trong phong trào học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.

Nhưng khó khăn nhất là khi mùa bão đến. Thầy Phú kể: Mỗi lần bão đến, cha mẹ lại đưa con đến gửi thầy. Lúc đó, thầy và trò đưa nhau lên tầng hai thư viện của trường để trú. Nhiều cơn bão ập đến khiến cây đổ, mái nhà bếp bị tốc, không thể nấu ăn. Học sinh vừa đói, vừa sợ, khóc đòi về nhà với bố mẹ. Để trấn an học sinh, thầy Phú kể chuyện, dạy hát để các em quên đi nỗi sợ. Nhiều phụ huynh vẫn nói vui, các thầy giáo cũng là cô giáo mầm non kiêm bảo mẫu. Thầy Phú nhớ lại: "Một lần thấy chùm hoa sứ mới nở đẹp quá, tôi đứng lại ngắm. Vô tình học trò chứng kiến, các em đã phân công một bạn thức để trông, rồi hôm sau hái tặng thầy. Hôm sau, cầm chùm hoa trong tay và nghe các em kể lại câu chuyện, tôi không cầm được nước mắt. Hạnh phúc của nhà giáo bình dị nhưng giúp tôi yêu nghề hơn".

Nói về 5 năm công tác tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, thầy Phú tâm sự: "Việc dạy học ở đây vất vả hơn so với trên đất liền. Người thầy không chỉ làm công việc dạy học mà còn phải như người cha, người mẹ chăm lo cho học trò để trò đi học chuyên cần, gắn bó với trường, với lớp. Ngày trước, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo đã khiến tôi vững vàng bước tiếp. Giờ đây, tôi tri ân thầy cô của mình bằng cách tiếp nối sự nghiệp "trồng người", để những học trò của mình được trang bị kiến thức giúp cho bản thân và gia đình có cuộc sống ngày một tốt hơn. Đó cũng là hành động thiết thực để đóng góp cho quê hương".

Viết báo, làm thơ

Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Phú: "Không biết nghiệp viết của tôi lúc nào sẽ dừng lại, nhưng tôi chắc chắn một điều, tình yêu đối với biển đảo thiêng liêng là mãi mãi". Dù công việc dạy học vất vả nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian để làm thơ, viết báo. Tình cảm đặc biệt cho Trường Sa của anh luôn được thể hiện trong các tác phẩm thơ.

Thầy Nguyễn Bá Ngọc và thầy Nguyễn Hữu Phú (giữa, hàng sau) trong lễ tổng kết năm học ở điểm trường xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thầy Nguyễn Bá Ngọc và thầy Nguyễn Hữu Phú (giữa, hàng sau) trong lễ tổng kết năm học ở điểm trường xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh cũng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu bài thơ sáng tác về Trường Sa, thời điểm bắt đầu chấp bút là khi lần đầu lên tàu ra đảo. Sống ở đảo Song Tử Tây, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tận mắt chứng kiến sự vất vả của cán bộ - chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đây có những chiến sĩ chưa từng gặp mặt con từ khi cháu bé chào đời. Nhưng vượt lên trên hết nỗi nhớ nhà, nhớ người thân ấy, cán bộ - chiến sĩ vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ, bởi "đảo là nhà, biển cả là quê hương".

Tất cả những câu chuyện, khoảnh khắc đáng nhớ ấy đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho anh. Anh còn rất xúc động khi nhiều học sinh cũng thuộc, cũng nhớ các bài thơ của anh viết về Trường Sa. "Thật sự tôi rất vui, hạnh phúc và xúc động khi biết được các em yêu thích và đọc thuộc lòng thơ của tôi. Qua những vần thơ, tôi cũng mong muốn các em hiểu thêm về tình yêu biển đảo quê hương, biết ơn những người đã hy sinh bảo vệ vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - Phú chia sẻ.

"Thầy có phạt em cũng ra phụ giúp thầy!"

Trải qua 5 năm gắn bó trên đảo, một kỷ niệm mà thầy Phú không bao giờ quên đó là thời điểm tháng 12-2021. Khi đó, đảo Song Tử Tây là tâm của bão Rai (bão số 9), cây cối gãy đổ gần như hoàn toàn, nhà tốc mái, hư hỏng nặng. Trong lúc cơn bão mạnh quét qua, sợ nước dâng, nhà cửa chịu không nổi với sức gió, cha mẹ phải gửi tất cả học sinh lên thư viện nhờ giáo viên trông giữ. "Cửa khóa chốt, cột dây thừng, vậy mà gió lùa vào giật tung. Lúc này, tôi phải chạy ra cố gắng kéo cửa đóng lại. Các em ngồi nép vào nhau trong góc thư viện. Trước khi ra, tôi dặn các em ngồi đó, nhất định không được ra, bạn nào ra sẽ bị phạt nặng.

Thấy tôi kéo mãi không được, gió càng ngày càng mạnh, trời càng ngày càng tối hơn, các em chạy ra phụ tôi kéo cửa vào. Khi mọi chuyện đã qua, tôi quay lại hỏi học trò: "Các em không sợ bão, không sợ bị thầy phạt hả". Các em hồn nhiên nói: "Em hết sợ bão rồi, thầy có phạt em cũng ra phụ giúp thầy". Hành động ấy đã làm tôi nhớ mãi tình cảm của các học trò dành cho mình" - thầy Phú rưng rưng kể lại.

ĐOÀN TAM KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-nguoi-thay-noi-dau-song-ngon-gio-196240712190726172.htm