Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp miễn nhiệm là hết sức kịp thời

LTS: Như Báo SGGP đã thông tin, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Dự thảo này đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, không chỉ vì tầm quan trọng của các quy định mà còn bởi những điểm mới được bổ sung, đặc biệt là quy định từ chức với công chức lãnh đạo, quản lý. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

* Ông VŨ VĂN THỂ

Nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng:

Tổ chức thực hiện cần khách quan, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức mà Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất kịp thời và cần thiết để phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng về chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, về từ chức, miễn nhiệm… Nội dung sửa đổi cũng nhằm phù hợp với sự vận động của thực tiễn cuộc sống đang biến đổi nhanh chóng và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới.

Dự thảo nghị định lần này quy định không xem xét cho từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu thuộc một trong hai trường hợp. Một là, đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng an ninh, quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước. Hai là, đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Theo tôi, cả hai quy định này đều rất chặt chẽ, cần thiết và cụ thể, là cơ sở để nhận diện chính xác khi áp dụng cho công chức từ chức. Song, trong trường hợp thứ hai cũng cần quan tâm đến trường hợp công chức biết mình không thể thoát khỏi bị điều tra truy tố… nên chủ động xin từ chức để thoát điều tra truy tố, nhưng lại phù hợp với văn hóa từ chức theo quy định. Mặt khác, dự thảo nghị định này cũng tập trung sửa đổi, bổ sung nội dung về miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị định quy định việc xem xét miễn nhiệm được xem xét trong 7 trường hợp là phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng.

Việc miễn nhiệm chức vụ đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, cần được quyết định thận trọng, kỹ lưỡng đúng nguyên tắc. Vì vậy, tôi cho rằng trong quy trình xem xét, miễn nhiệm là cần thiết và phù hợp với quy định của Đảng.

Tuy nhiên, có được một quy trình xem xét khoa học đã khó, vấn đề đặt ra hiện nay là việc tổ chức thực hiện sao cho nghiêm túc khách quan, trung thực phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn cảnh của mỗi cá nhân công chức là quan trọng nhất, vì điều này còn phụ thuộc vào cả yếu tố khách quan và chủ quan trong công tác cán bộ.

* ThS NGUYỄN NHẬT KHANH

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM:

Cụ thể các tiêu chí miễn nhiệm công chức

Công chức lãnh đạo, quản lý là những người được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và đơn vị tín nhiệm để bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý đơn vị. Họ là những người đáp ứng các tiêu chuẩn về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo cũng như sự tín nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và đơn vị. Khi đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý họ được kỳ vọng phát huy năng lực cũng như vai trò nêu gương để giúp đơn vị hoàn thành tốt các công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Ngược lại, khi công chức lãnh đạo, quản lý không thể phát huy được năng lực trong việc điều hành đơn vị, để cấp dưới xảy ra hành vi vi phạm hoặc chính mình thực hiện hành vi vi phạm bị kỷ luật hoặc không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc thì cấp có thẩm quyền cần phải miễn nhiệm chức vụ của họ.

Có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý là hết sức kịp thời và cần thiết; một mặt việc bổ sung này phù hợp với các quy định mới ban hành của Đảng về công tác cán bộ, mặt khác giúp cấp có thẩm quyền có cơ sở pháp lý rõ ràng để tiến hành miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong thực tế.

Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả quy định này, tránh sự chủ quan duy ý chí, tùy tiện và lạm quyền trong việc miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý đòi hỏi Bộ Nội vụ cần diễn đạt chi tiết, cụ thể hơn một số nội dung. Chẳng hạn, công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm nếu bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ; câu hỏi thực tiễn đặt ra là tiêu chí “uy tín giảm sút không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ” được xác định như thế nào, dựa trên cơ sở gì để kết luận điều này, quy trình đánh giá như thế nào? Tương tự, đối với trường hợp miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý do để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì cũng phải làm rõ cơ sở xác định mức độ tham nhũng, tiêu cực thế nào.

THÀNH TRỌNG - THU HƯỜNG ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sua-doi-bo-sung-quy-dinh-ve-cac-truong-hop-mien-nhiem-la-het-suc-kip-thoi-post752913.html