Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Lớp học Gieo mầm của cô giáo thủy tinh
Phải trải qua 2 biến cố cuộc đời khi mới tròn 30 tuổi, Hoàng Thị Dịu đã vượt lên trên nỗi đau thể xác và tinh thần để trở thành cô giáo của lớp học Gieo mầm
Về thôn Minh Thành (xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, Thái Bình) hỏi thăm lớp học Gieo mầm, tôi được các em nhỏ đang nô đùa trên đường làng dẫn đến tận nơi. Gieo mầm là lớp học miễn phí của cô giáo khuyết tật Hoàng Thị Dịu, em nhỏ nào cũng biết.
Vượt lên sự nghiệt ngã
Lớp học Gieo mầm cũng có bảng đen phấn trắng, bàn ghế, đèn học đầy đủ, đó là tâm huyết, là đứa con tinh thần vô giá của cô Dịu. Bởi lẽ, sau những biến cố sức khỏe gần như đã đánh gục ý chí của cô gái nhưng bằng tình thương của mẹ và nghị lực bản thân, cô Dịu đã sống tích cực, góp công vun trồng những mầm xanh tương lai nẩy lộc, đâm chồi.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh chị em, Dịu là út. Số phận như đùa giỡn với Dịu khi năm 18 tuổi cô phát hiện cơ thể không bình thường như các bạn gái khác. Dịu đến bệnh viện khám bác sĩ thông báo cô bị mắc hội chứng Kallma, một hội chứng bẩm sinh rất hiếm gặp khiến phụ nữ không có buồng trứng, không có tử cung và không thể làm mẹ.
Đối với một phụ nữ, tin này như sét đánh vào tim nhưng chẳng có cách nào khác, cô đành chấp nhận số phận. Cô chịu khó làm lụng tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng với ước vọng xây cho bố mẹ căn nhà nhỏ nhưng tai ương chưa ngừng ập đến.
Vào một chiều thu tháng 9-2020, Dịu đang đứng trước hiên nhà bỗng nhiên đôi chân cô không còn chút sức lực nào và đổ người rầm về phía trước. Dịu bị gãy xương cổ đùi, rất đau đớn. Thăm khám tại Bệnh viện Việt Đức, một lần nữa cô nhận tin dữ từ bác sĩ thông báo: Dịu bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.
Sau đó cô phải nằm liệt giường, toàn thân đau nhức, 2 đầu gối sưng to, mọi sinh hoạt cá nhân đều do mẹ trợ giúp. Đau đớn cùng cực, Hoàng Thị Dịu xin mẹ một nắm thuốc để giải thoát số phận. Bà Đỗ Thị Hồi - mẹ Dịu - chỉ biết chạy ra góc sân khóc đẫm vạt áo. Có người mẹ nào nỡ nhìn con chết, có người mẹ nào thấy con đau đớn mà không đau.
Kiên trì động viên tinh thần con mỗi ngày một chút, đồng thời xoa bóp, tập luyện hằng ngày để giúp Dịu ngồi được xe lăn, niềm vui đã dần trở lại với hai mẹ con và mái nhà nho nhỏ sau 6 tháng nằm liệt. Không nghĩ đến cái chết nữa, Hoàng Thị Dịu bắt đầu cảm thấy cần làm việc gì đó cho ý nghĩa với những tháng ngày được sống, Dịu kèm cặp chính cháu trai của mình khi cháu chuẩn bị vào lớp 1. Duyên nghề giáo cứ thế bén lành để một cô giáo mang trong mình hai bệnh hiểm nghèo được tái sinh cuộc đời.
Lớp học của nghị lực sống
Ý thức được hành trình của mình, cô giáo Dịu đã không ngừng học hỏi. Để rồi tiếng lành đồn xa, không chỉ các cháu ruột theo học lớp Gieo mầm mà một số hàng xóm, phụ huynh làng bên cũng đặt niềm tin và giao con cho cô Dịu kèm cặp. Lớp học Gieo mầm ra đời trên mảnh đất khô hạn về cơ sở vật chất nhưng tràn đầy nhựa sống và đầy ắp sự hy vọng của cả cô và trò.
Lớp học của Hoàng Thị Dịu chỉ vỏn vẹn 10 m2 và ban đầu chỉ có 3 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 và được dạy vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, cả cô và trò đều rất trân quý từng buổi học, chưa từng lỡ "hẹn" nhau buổi nào. Những kiến thức cô Dịu dạy dỗ các em nhỏ chẳng phải cao siêu, xa vời, nào là uốn nắn các em từ cách cầm bút, sắp xếp sách vở, tư thế ngồi học, cách chào hỏi mọi người, luyện chữ đẹp hay những phép tính toán đời thường. Nhưng những bài học đó còn gửi gắm thông điệp về nghị lực sống, tình yêu cuộc đời và khát khao cống hiến cho sức cùng lực kiệt…
Em Ngô Minh Thái, học sinh lớp 4A Trường Tiểu học và THCS Đông Hà, chia sẻ: "Em cảm thấy cô Dịu rất hiền lành, dạy dỗ chúng em hết lòng và cẩn thận. Ngoài ra, lớp học cô Dịu còn có tủ sách Yêu Thương để sau mỗi giờ học chúng em tìm được những cuốn sách yêu thích để đọc hoặc mượn mang về nhà giúp chúng em giải trí và nâng cao kiến thức. Em mong cô nhiều sức khỏe để dạy con được lâu dài".
Ông Đào Văn Chiến, thôn An Đồng (xã Hà Giang) có cháu nội theo học lớp Gieo mầm, cho biết: "Cô dạy dỗ và kèm cặp các cháu rất nhiệt tình. Cô Dịu là tấm gương tàn nhưng không phế. Hiện cô kèm 10 cháu và một số phụ huynh cũng đang lên kế hoạch gửi con cho cô Dịu trong thời gian tới".
Để lớp học Gieo mầm tăng thêm hàm lượng tri thức, năm 2022, chị Dịu đã kết nối với anh Đỗ Hà Cừ, Chủ nhiệm CLB Không gian đọc Hy Vọng (TP Thái Bình), để mở một không gian đọc mang tên Yêu Thương với hơn 1.500 đầu sách, bao gồm cả sách tham khảo cho người lớn và sách học tập cho học sinh.
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đông Hà, huyện Đông Hưng - chia sẻ: "Bình thường mở lớp học kèm cho học sinh đã rất khó, vậy mà Dịu với bao thử thách vẫn mở lớp học miễn phí kèm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Cô giáo Dịu đã vươn lên trong cuộc sống, giúp các em có thêm kiến thức, viết chữ đẹp hơn và học hiệu quả hơn"…
Với nghị lực vươn lên số phận, cô giáo Hoàng Thị Dịu vinh dự là 1 trong 35 gương mặt được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH