Người thầy kính yêu: Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí

Sốt bại liệt có thể đẩy số phận một người vào ngõ cụt nhưng chị Nguyễn Thị Sari đã bơi trên con sóng cuộc đời, trở thành cô giáo đặc biệt

Tôi đến xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An khi trời chập choạng tối, vừa lúc chị Nguyễn Thị Sari đi làm về. Chị chưa kịp xuống xe, đám trẻ đã reo hò "Cô về, cô về!". Một trẻ đẩy chiếc xe lăn ra để Sari ngồi lên rồi cô trò cùng vào lớp học. Hình ảnh ấy đã để lại dấu ấn khó phai, đậm sâu trong lòng tôi.

Lớp học 0 đồng ươm bao ước mơ

Gọi là lớp học nhưng không gian học tập của cả cô và trò chỉ vỏn vẹn khoảng 10 m2, được tận dụng ngay tại phòng khách nơi căn nhà nhỏ của chị Sari. Vậy mà nơi đây lại là vườn ươm của bao ước mơ.

Năm 2016, chị Sari bắt đầu dạy tiếng Anh cho con gái và các cháu trong nhà. Hàng xóm biết chị dạy được tiếng Anh nên ngỏ lời xin gửi con đến học. Bằng sự đồng cảm sâu sắc với những đứa trẻ gặp khó khăn trong tiếng Anh, chị vui vẻ nhận lời ngay. Bởi lẽ, chị hiểu rõ cảm giác của những học sinh không đủ điều kiện học thêm, giống mình ngày xưa.

Cô giáo Sari

Cô giáo Sari

Vì một vài trở ngại nên cơ duyên đi dạy ở trường chưa đạt nhưng sâu trong nếp nghĩ, chị Sari vẫn muốn làm cô giáo. Vì lẽ đó, lớp tiếng Anh 0 đồng của chị ra đời với mục đích viết tiếp "sự nghiệp trồng người" còn dang dở và hơn hết là đáp đền ân huệ cho quê hương.

Theo lời Sari, tại Trường Tiểu học Phước Đông 1 - nơi chị theo học trước đây, thầy cô đã quyên góp mua tặng chị chiếc xe lăn lắc làm phương tiện đến trường. Là người trọng ân, chị muốn trao lại kiến thức như một cách giúp các bạn nhỏ ở địa phương tự tin hơn khi học tiếng Anh ở trường.

Thời điểm đó, chị Sari một mình làm việc để nuôi con, quỹ thời gian trống không có nhiều nên lớp học tiếng Anh miễn phí chỉ mở vào chiều chủ nhật. Lớp học vô cùng đơn sơ - chẳng có bàn ghế, cũng không phấn, không bảng - nhưng luôn sáng đèn, hiệu quả và đầy ắp niềm vui.

Thoạt đầu, lớp học của chị Sari chỉ có vài học sinh. "Hữu xạ tự nhiên hương", có lúc lớp tăng lên gần 20 em, phải chia buổi ra học. Học sinh của lớp chủ yếu là con em những người bán rau, bán cá ngoài chợ hay những người phụ hồ, bán vé số, mua ve chai… trong xóm.

Lớp học từ không chỗ bàn ghế, được phụ huynh chung sức góp thêm chiếc bảng, cái bàn. Thế là đều đặn gần 8 năm qua, từ 17 giờ 45 phút đến 19 giờ 30 phút các ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai hằng tuần, lớp tiếng Anh 0 đồng của cô giáo đặc biệt này lại sáng đèn, đón chào những niềm vui mới.

Bé Thế Ngọc cho biết: "Con học cô Sari được 5 năm rồi. Cô dạy tiếng Anh không thu phí. Khi tụi con học có tiến bộ, cô còn thưởng nữa".

Ngoài dạy tiếng Anh, chị Sari còn dạy toán, tiếng Việt cho các bé tiểu học, không phân biệt giàu nghèo. Với chị, được dạy cho các bé là niềm hạnh phúc lớn lao, vừa giúp học sinh ôn luyện kiến thức vừa giúp bản thân thỏa được ước mơ "đưa đò".

Dù không viết trọn giấc mơ được đứng trên bục giảng trường học nhưng với lý tưởng cao đẹp vì sự nghiệp giáo dục, chị Sari đã trở thành cô giáo "đặc biệt" của các em nhỏ khó khăn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng phụ huynh học sinh.

Truyền cảm hứng, nghị lực

Được trực tiếp dự thính, tôi cảm thấy không khí lớp học rất gần gũi và vui vẻ, cô trò tương tác với nhau tích cực. Bài giảng của chị Sari không theo giáo trình có sẵn mà là những giáo án tự biên soạn, phù hợp với vùng phát triển gần nhất của các bé.

Thật bất ngờ, dù đây là lớp học 0 đồng nhưng chị Sari tự đầu tư học liệu và học cụ khá đầy đủ để tiết dạy trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Bằng phương pháp giáo dục chủ động, học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động, giúp việc ghi nhớ và khắc sâu kiến thức được dễ dàng hơn.

Cô giáo Sari miệt mài giúp trẻ em nghèo có cơ hội học tập, đặc biệt là môn tiếng Anh

Cô giáo Sari miệt mài giúp trẻ em nghèo có cơ hội học tập, đặc biệt là môn tiếng Anh

Tại căn phòng nhỏ hẹp, vài chiếc bàn, ghế nhựa, một bảng trắng và tập vở học trò đã tạo nên một lớp học đầy tình yêu thương. Cô giáo ngồi trên xe lăn, tay cầm học cụ say sưa dạy từ vựng. Các em chăm chú lắng nghe, đồng thanh phát âm theo.

Mỗi buổi lên lớp của mình, người "kỹ sư tâm hồn" này không chỉ giúp các em củng cố kiến thức mà còn truyền cảm hứng về câu chuyện nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Em Bảo Ngọc bày tỏ: "Ngoài việc dạy tiếng Anh, cô Sari còn là tấm gương để chúng em noi theo. Mấy năm trước, em rất sợ môn tiếng Anh. Từ khi học cô Sari, em tiến bộ dần và thích học tiếng Anh hơn. Em ước sau này được làm cô giáo giống cô".

Đến nay, chị Sari đã dạy cho hơn 100 trẻ ở địa phương, giúp các em lấy lại căn bản và học được nhiều kiến thức hữu ích. Với chị, điều hạnh phúc nhất là được chứng kiến những học sinh từ xuất phát điểm thấp, mất căn bản tiếng Anh nay đã tiến bộ, có em đã trở thành sinh viên ở giảng đường đại học. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để cô giáo Sari tiếp tục "đưa đò", duy trì lớp học nghĩa tình.

Từ khi quen biết chị Sari, cuộc sống của tôi - một người khuyết tật đồng cảnh - được thắp lên những tia hy vọng và nguồn cảm hứng mới. Chị từng chia sẻ với tôi một câu đầy thấm thía: "Mọi rào cản không đến từ khiếm khuyết mà từ chính suy nghĩ của chúng ta".

Câu nói ấy như một lời nhắc nhở và mở ra một chân trời mới, giúp tôi vượt qua những giới hạn của bản thân, dũng cảm tiếp cận với bộ môn bơi lội - một thử thách trước đây tôi chưa dám nghĩ đến.

Ngày trước, mỗi lần muốn di chuyển, tôi phải dựa vào xe lăn hoặc nhờ vào bờ vai, đôi tay của người khác. Nhưng giờ đây, tôi có thể đứng trên chính đôi chân của mình và dùng tay lướt đi trong nước. Thật đúng như những gì chị Sari từng nói, suy nghĩ tích cực đã giúp tôi thực hiện được điều tưởng như không thể, mở ra cho những người khuyết tật như tôi một khả năng mới và chứng minh "không gì là không thể".

Với tôi, chị Sari không chỉ là "người thầy" đơn thuần mà còn là biểu tượng "người thầy vĩ đại truyền cảm hứng", âm thầm gieo nắng để thế giới quanh mình trở nên ngát xanh hơn. Chị không những gieo tri thức, chắp cánh ước mơ cho học sinh khó khăn mà còn thắp sáng niềm tin, hy vọng cho tôi.

Nhờ chị Sari, tôi không chỉ học được cách bơi mà còn tìm thấy giá trị đích thực về sức mạnh và sự kiên trì trong cuộc sống, từ đó mở ra một chân trời mới đầy ánh sáng.

VĐV tài năng

"Địa phương đánh giá rất cao sự đóng góp của chị Nguyễn Thị Sari cho hoạt động giáo dục ở địa phương. Không chỉ dạy tiếng Anh 0 đồng, chị còn là VĐV của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam" - ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông, cho biết.

Đến nay, chị Sari đã đóng góp 30 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho đội tuyển quốc gia. Với những đóng góp của mình trong bơi lội và "sự nghiệp trồng người" tại địa phương, chị vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2010). Chị là một trong 17 gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Nam (2024); được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Bài và ảnh: Hoàng An (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-thay-kinh-yeu-kinh-ngu-khuyet-tat-miet-mai-gieo-chu-mien-phi-196241103201302967.htm