Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Thắm thiết tình cô trò không khoảng cách
Cô Lê Thị Thanh Tâm - giáo viên môn ngữ văn và là cô giáo chủ nhiệm - như một người chị cả, một người tri kỷ, người bạn thân luôn đồng hành với chúng tôi
Không chỉ riêng tôi mà với tập thể lớp 11A2 khóa 2005-2008 của Trường THPT Tư thục Bình Minh (Hoài Đức - Hà Nội) ngày ấy, cô Lê Thị Thanh Tâm như một người thân.
Học không phải chỉ để thi
Năm 2004, cô Tâm tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoa ngữ văn. Sau đó, cô về trường tôi dạy hợp đồng. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô lần đầu bước vào lớp học. Dáng người cô nhỏ bé, gầy guộc nhưng khuôn mặt xinh đẹp, rạng rỡ.
Từ trên bục giảng, cô chào chúng tôi bằng nụ cười thật tươi trong chiếc áo màu cam nổi bật. Trong tiết học đầu tiên ấy, cô gọi lớp trưởng là tôi lên bảng để phân tích cấu trúc ngữ pháp câu thơ "Ai biết tình ai có đậm đà" trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Sau lần đó, tôi đã để lại ấn tượng với cô và luôn được cô ưu ái, khích lệ. Suốt những năm đi học, mang danh học sinh giỏi và cán bộ lớp nhưng tôi chưa bao giờ thấy tự tin về bản thân. Tôi không thông minh, không có năng khiếu nên phải thật cố gắng và chăm chỉ. Thế nhưng, chính cô đã cho tôi cảm giác mình có gì đó để được cô tin tưởng và kỳ vọng.
Những năm đó, ở trường tôi, hai khối 10 và 11 chưa được chia lớp theo ban chuyên. Vì vậy, dù học chung nhưng mỗi người đều phải tự chủ động học chuyên sâu các môn theo ban mình dự định thi đại học. Các bạn theo ban tự nhiên thường có tâm lý phớt lờ các môn xã hội và ngược lại.
Tuy nhiên, với môn văn, cô Tâm luôn có cách khiến cả lớp phải tập trung nghe giảng mà không cần quát tháo hay sử dụng hình phạt. Bài giảng của cô thu hút chúng tôi bởi những phân tích sinh động, thú vị về tác giả, tác phẩm. Cô còn nghĩ ra những cách chấm điểm riêng để khuyến khích các bạn học khối A cũng có thể kiếm điểm 9 môn văn.
Tôi nhớ năm lớp 11, chúng tôi phải làm tập san nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Sau khi nghe tôi than thở không có bạn nào gửi bài viết đóng góp, cô liền phát động phong trào sáng tác theo chủ đề 20-11 để lấy điểm một tiết.
Kết quả đạt được nằm ngoài sức tưởng tượng của cả tôi và cô. Tập san năm đó, lớp tôi đoạt giải nhì nội dung. Những bạn trước giờ vốn hướng nội hóa ra lại có thể làm thơ, viết truyện cười. Những bạn bình thường viết văn không hết 4 mặt giấy lại có thể viết truyện ngắn. Tôi ấn tượng nhất bài thơ lục bát của bạn Thuyết tả 29 thành viên trong lớp và truyện ngắn của bạn Khuyến viết về lớp trưởng là tôi. Khi nghe cô đọc điểm, cả lớp rộn ràng, cười sảng khoái. Qua lần đó, chúng tôi biết rằng học văn không phải chỉ để thi mà còn để viết ra được tiếng lòng mình và gửi gắm yêu thương tới mọi người. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhìn lên bục giảng, bắt gặp mắt cô hắt ra thứ ánh sáng lung linh, ngập tràn hạnh phúc.
Vào đúng ngày 20-11, cả lớp tôi năm nào cũng kéo nhau đến căn trọ nhỏ xíu của cô ở chơi cả ngày. Món ăn truyền thống ngày Nhà giáo của chúng tôi chính là mì tôm trứng. Một nồi mì ăn liền, mấy chục cái đầu chụm vào hì hụp tranh giành. Tiếng nói cười, hò hét vang vọng cả khu, tình cô trò thắm thiết không khoảng cách.
Người vực dậy tinh thần
Năm lớp 12, cô Tâm thi đỗ công chức, được phân về dạy một trường cấp ba khác của huyện.
Buổi học cuối cùng chia tay cô, không khí cả lớp chùng xuống. Cô cố nở nụ cười gượng gạo, dặn dò và động viên chúng tôi tập trung học cho năm cuối cấp. Có lẽ, tôi là người buồn hơn ai cả bởi mất đi một người tri kỷ. Với tôi, cô không chỉ là cô giáo dạy văn, cô giáo chủ nhiệm mà còn là một người chị hiểu tôi hơn chính tôi; một người bạn thân luôn lắng nghe mọi nỗi niềm của tôi và là người dẫn dắt, chỉ lối cho tôi.
Năm lớp 12, tôi là một trong 2 người được bồi dưỡng thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Không được cô Tâm ôn luyện khiến tôi chẳng còn hứng thú với cuộc thi. Dù biết chuyển trường là bước tiến trong sự nghiệp của cô, là mục tiêu phấn đấu mấy năm của cô nhưng tôi vẫn không thể vượt qua sự hụt hẫng đó.
Tôi cố chấp không mở lòng với cô giáo mới dù cô tìm mọi cách tâm sự. Ở trên lớp, tôi hời hợt nghe giảng và ghi chép. Ở những buổi học bồi dưỡng, tôi làm bài một cách chống đối. Tôi nhớ mãi lần mình đưa cô bài tập bồi dưỡng được viết trên những tờ giấy xé nham nhở. Cô đã khóc ngay trước mặt tôi. Khi ấy, tôi mới nhận ra mình đã vô tình làm tổn thương cô bằng nỗi buồn cá nhân.
Mấy hôm sau, khi đang ngồi trong lớp, tôi lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy bóng hình quen thuộc. Tôi nghĩ cô Tâm quay lại trường để hoàn thành thủ tục hành chính nên sự háo hức chỉ thoáng qua rồi cũng vội tắt. Chẳng ngờ, khi tiếng chuông tan học vừa vang lên, cô Tâm bước vào lớp và bảo tôi ở lại.
Trong buổi nói chuyện chiều hôm đó, tôi đã không kiềm chế được mà khóc nức nở. Cô Tâm nói dù không dạy chúng tôi nữa nhưng cánh cửa nhà cô sẽ luôn mở rộng chờ chúng tôi đến. Đó mới là buổi chia tay chính thức của hai cô trò. Tôi hứa sẽ tiếp tục cố gắng và khiến cô tự hào. Kỳ thi học sinh giỏi năm đó, tuy tôi chỉ được giải ba nhưng đã khiến cả hai cô giáo của tôi tự hào.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông và học đại học, cứ vào ngày 20-11, chúng tôi lại hẹn nhau về nhà cô Tâm ăn món mì tôm trứng truyền thống của cô trò. Riêng tôi vẫn thỉnh thoảng tìm đến cô khi trong lòng có nhiều tâm sự. Cô luôn lắng nghe và cho tôi lời khuyên ở vị trí của người từng trải và thấu hiểu…
Luôn dõi theo học trò
Năm 2018, khi tôi khai trương quán cà phê ở Hà Nội, cả nhà cô Tâm đã lặn lội gần 20 km đến để chúc mừng. Gặp lại cô, tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Hóa ra, cô vẫn như ngày nào, luôn dõi theo từng bước đi của chúng tôi.
Từ ngày kết nối nhau trên Facebook, thấy cô tươi tắn, xinh đẹp bên từng lứa học trò, tôi thầm chúc cô sẽ giữ mãi nụ cười ấy và nhiệt huyết ấy để trao đi tình yêu con chữ cho lớp lớp thế hệ học sinh sau này, như tình cô đã dành cho chúng tôi năm nào.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ