Cước vận tải được dự đoán sẽ tiếp tục tăng
Giá container vận chuyển hàng hóa bằng đường biển dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi thương mại phục hồi và tình trạng gián đoạn xảy ra tại một số địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Theo dữ liệu của công ty Freightos, chi phí vận tải một container từ Đông Á đến bờ biển phía Đông nước Mỹ đã đạt mốc 20.000 USD, tức là tăng gấp 5 lần so với năm ngoái.
Giá trung bình cho một container từ Diêm Điền, Trung Quốc cũng đã đạt mức hơn 15.000 USD, tăng gấp 3 lần so với giá trung bình tháng 6, theo quan sát của nền tảng giao dịch logistics trực tuyến Container xChange.
Ông Christian Roeloffs, Nhà sáng lập Container xChange cho biết, chi phí vận tải đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là khi hoạt động tại cảng Diêm Điền gặp gián đoạn. Những “dấu hiệu ban đầu” tương tự đang xảy ra tại cảng Ninh Ba, Trung Quốc và cả Việt Nam.
Giá mua container cũng đang tăng mạnh. Theo thông tin từ The Loadstar, một công ty vận tải biển tại Anh vừa qua đã bỏ ra gần 6.000 USD cho mỗi chiếc container cũ mua từ Trung Quốc, trong khi tại thời điểm bình thường, một container mới có giá 4.000 USD.
Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, theo thông tin từ Cục Hàng hải, giá mỗi container xuất khẩu đã lên đến 7.000 – 8.000 USD, thậm chí có thời điểm tăng đến 18.000 – 20.000 USD. Mức giá này cao hơn 3 – 4 lần so với năm 2020. Tình trạng thiếu container cũng xuất hiện do hãng vận tải ưu tiên lựa chọn vận chuyển về những quốc gia lân cận vì Việt Nam bùng phát dịch.
Tình trạng giá cước vận tải tăng và tắc nghẽn vận chuyển tác động tiêu cực tới một số nhóm hàng xuất khẩu quan trọng, đặc biệt là nông sản. Chi phí tăng cao, thời gian giao hàng không đảm bảo làm ảnh hưởng chất lượng, nhiều doanh nghiệp nông sản cho biết đang phải chịu nhiều thiệt hại, thậm chí đối mặt với tình trạng đánh mất thị trường.
Ông Johannes Schlingmeier, Giám đốc điều hành Container xChange nhận định, ngay cả khi sự gián đoạn do đại dịch không còn nữa, giá container sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao do nhu cầu thương mại phục hồi mạnh và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.
Mới đây, theo công bố của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), chỉ số phong vũ biểu thương mại hàng hóa toàn cầu đã đạt mốc 110,4. Đây là mốc cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 7/2016 và cao hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện sự phục hồi khả quan của thương mại quốc tế.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng cao so với năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 185,3 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cuoc-van-tai-duoc-du-doan-se-tiep-tuc-tang-1629910046551.htm