Cuốn nhật ký cháy bỏng tình yêu quê hương của người lính trẻ hy sinh ở Vị Xuyên
Cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Trung Thực chứa đựng lương tâm và trách nhiệm của một người lính sống, chiến đấu hết mình và là lời nguyện thề trước khi anh về với đất mẹ.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979-1989, Hà Tuyên là một trong những chiến trường trọng điểm đánh phá của đối phương. Đặc biệt từ năm 1984 đến 1989, chiến sự diễn ra hết sức ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên - nơi nhuốm máu hàng nghìn chiến sĩ trong cuộc chiến giành giật từng chiến hào, từng điểm cao với địch.
Trong số những chiến sĩ thuộc Sư đoàn 356 đã hy sinh tại đây, người ta đã kịp tìm thấy một cuốn sổ công tác với những bài viết cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước trước giờ hy sinh của một người lính trẻ mới ngoài 20 tuổi.
"Mùa Xuân về lại có ngày Tết cổ truyền dân tộc là ngày vui nhất của mọi gia đình vì ngày ấy là ngày sum họp, đoàn tụ, với con bốn Xuân rồi con không được về, Xuân này là thứ năm rồi mà chẳng có hy vọng đâu mẹ ạ, cuộc chiến còn dài, còn gian khổ, ác liệt và hy sinh…" - liệt sĩ Trần Trung Thực (Lính bộ binh - Trung đoàn 149, Sư đoàn 356) viết trong cuốn sổ. Người lính quê Phú Thọ ấy đã hy sinh vào ngày 14/1/1985 tại Bình độ 300-400, Vị Xuyên, Hà Tuyên.
Bà Kim Liên, em gái liệt sĩ Trần Trung Thực xúc động kể lại: "Anh hi sinh đến bây giờ mà vẫn không lấy được hài cốt về. Khi đi bộ đội, anh mới 18 tuổi, rời ghế nhà trường là anh tôi xếp tất cả những hoài bão, ước mơ của mình để làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc. Tôi vẫn nhớ những lá thư anh gửi, trong đó anh ấy có nói đến hi sinh của đồng đội rất nhiều. Anh viết thư về và nói với mẹ tôi là khi anh ấy xác định anh ấy làm tròn nhiệm vụ thì anh ấy không thể trở về được".
Qua cuốn nhật ký, bà Liên mới hiểu được cuộc sống gian nan, vất vả của một người lính như thế nào. Anh Thực từng kể rằng hai người mới được chung nhau một cái chăn. Chỉ những người lên chốt mới được dùng chăn thôi, còn những người ở dưới phải co ro. Nhiều khi cơm cũng không đủ ăn. Những lúc cơm lên được đến chốt để ăn thì cũng đã thiu mất rồi.
"Trong cái đói, cái rét, cái khổ như thế mà anh vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. Tôi rất kính phục và ngưỡng mộ anh" – bà Liên nói.
Những chiến sĩ trẻ đùm bọc, giúp đỡ nhau trong thiếu thốn, đói khát; luôn sát cánh bên nhau suốt chặng đường dài hàng nghìn cây số lên các vùng đồi núi hiểm trở, chiến đấu đến cùng để giành giật từng điểm cao ở vùng "Lò vôi thế kỷ" trên dãy Vị Xuyên.
Tất cả đều được ghi chép lại một cách tỉ mỉ và sinh động bằng những suy nghiệm của một người lính 20 tuổi.
' Chỉ có rèn luyện và tu dưỡng, thử thách trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, gian khổ và ác liệt, con người mới trở nên có bản lĩnh và nghị lực vững vàng, mới hiểu rõ về giá trị cuộc sống và con người. vì thế mà mình đã có được niềm tự hào khi khoác trên mình màu xanh của lính…'.
Trích nhật ký của liệt sĩ Trần Trung Thực.
Cuốn nhật ký còn tiết lộ góc khuất sâu thẳm nơi tâm hồn người lính. Ấy là khát vọng tình cảm cháy bỏng, thầm kín mà anh chỉ dám nén chặt trong những vần thơ tình lãng mạn.
Bà Kim Thanh, nguyên văn công Sư đoàn 356 nhớ về liệt sĩ Thực: "Khi tôi đọc quyển sổ nhật kí thì tôi rất cảm động. Anh đã dành tình cảm cho một người con gái mà anh rất yêu. Nhưng anh yêu mà anh không thổ lộ".
Nhưng dường như, phút giây lãng mạn không làm yếu lòng người lính trẻ. Anh nguyện chôn vùi những mộng ước riêng tư để chiến đấu vì sự nghiệp chung của dân tộc:
"Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ
Dẫu đời không yêu đương
Anh cũng chỉ cầu mong
Hòa bình cho nhân loại
Yên lành cho muôn phương"
Bà Thanh luôn coi liệt sĩ Trần Trung Thực là đại diện cho những thế hệ của những người lính xông pha ra mặt trận, xác định phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc. Liệt sĩ Trần Trung Thực xác định rằng, với vai trò của một người lính, sống là phải chiến đấu và chiến đấu là phải dũng cảm.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những lời tâm huyết của một người lính trẻ trước lúc hi sinh nơi chiến trường Vị Xuyên vẫn mãi âm vang trong kí ức của những người ở lại.
Trích nhật ký của liệt sĩ Trần Trung Thực.
Tiếng nói cất lên từ lương tâm và ý thức trách nhiệm của một người lính, là niềm tự hào, kiêu hãnh của một thế hệ đã sống và chiến đấu hết mình, và cũng là lời nguyện thề cuối cùng trước khi anh về với đất mẹ. Lắng nghe và suy ngẫm tiếng nói ấy, chúng ta càng thêm thấu hiểu, đồng cảm với mất mát, đau thương của các gia đình liệt sĩ, và nền độc lập quốc gia phải đánh đổi bằng máu và thanh xuân của một thế hệ, để thấm thía hơn nữa trách nhiệm của mình với gia đình, với Tổ quốc.