Cuốn sách kịch tính nhất về đế chế công nghệ IBM

Trong sách 'The Greatest Capitalist Who Ever Lived', tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman cho rằng cuộc đấu tranh nội bộ gia đình Watson chính là yếu tố quyết định biến IBM trở thành tượng đài công nghệ toàn cầu.

The Greatest Capitalist Who Ever Lived (tạm dịch: Nhà tư bản vĩ đại nhất từng sống) không phải là cuốn sách đầu tiên nói về sự hình thành của đế chế công nghệ IBM, cũng không phải quyển sách đầu tiên tiết lộ mối quan hệ của cha con nhà Watson. Tuy nhiên, theo đánh giá của The New York Times, ấn phẩm của 2 tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman là cuốn sách hấp dẫn nhất, kịch tính nhất về IBM từng được xuất bản.

Bìa sách ‘The Greatest Capitalist Who Ever Lived’.

Bìa sách ‘The Greatest Capitalist Who Ever Lived’.

Tuổi trẻ nổi loạn

Từ khi còn trẻ, Thomas J. Watson Jr. - Chủ tịch IBM giai đoạn 1952-1971, người đã chèo lái tập đoàn này trong thời kỳ thành công nhất, đặt nền móng cho một đế chế công nghệ vĩ đại - được xem là một kẻ “sinh ra để thất bại”.

Ra đời vào năm 1914, cậu bé nóng nảy tỏ ra chán nản với mọi thứ. Hàng xóm gọi ông là "Tommy kinh khủng". Watson Jr. suýt không lấy được bằng trung học sau khi phải theo học 3 trường khác nhau.

Cha của ông, Watson Sr. - Chủ tịch tập đoàn IBM trong hơn 40 năm là một người đàn ông độc đoán, buộc con trai mình phải tuân thủ những quy tắc hà khắc nhưng đồng thời cũng có những sự chiều chuộng quá mức. Đáp lại, Watson Jr. biến thành kẻ nổi loạn.

“Ông ta nghịch lửa, bắn động vật ở vùng đầm lầy gần đó và ăn trộm đồ đạc từ nhà hàng xóm”, Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman viết trong The Greatest Capitalist Who Ever Lived.

Ở tuổi thiếu niên, Watson Jr. được trang bị ô tô riêng, thuyền buồm và khoản trợ cấp hàng tháng trị giá 7.000 USD theo thời giá ngày nay. Ông bỏ học ở nhiều học viện tư nhân, cuối cùng chật vật hoàn thành chương trình tại Đại học Brown, nơi ông tập trung vào các cô gái, uống rượu và lái máy bay.

Bước ngoặt bất ngờ

Một cơ hội xuất hiện đã làm thay đổi cuộc đời của Watson Jr. Người bạn làm ăn với cha ông tìm một trợ lý cùng đi khắp thế giới và tham gia bán hàng tại Hội chợ New York World’s Fair vào năm 1939. Ông cảm thấy đây là dịp tốt để thoát khỏi gia đình và cái bóng quá lớn của người cha độc đoán.

Khi Watson Jr. vừa chớp lấy cơ hội để “tự mình thực hiện”, chuyến hành trình đi được nửa vòng trái đất thì sự thật bất ngờ được tiết lộ: mọi việc đều do ông Watson Sr. bí mật sắp xếp, giám sát trả toàn bộ chi phí, bao gồm lương của con trai mình.

“Một đòn khủng khiếp đánh vào lòng kiêu hãnh của tôi”, Watson Jr. nói. Vài tháng sau, ông gia nhập IBM với tư cách thực tập sinh bán hàng và làm việc tại tập đoàn trọn đời cho đến khi về hưu trên cương vị chủ tịch.

Thomas J. Watson Jr (giữa) chuẩn bị cho một cuộc họp cổ đông của IBM vào năm 1967. Ảnh: Alamy.

Thomas J. Watson Jr (giữa) chuẩn bị cho một cuộc họp cổ đông của IBM vào năm 1967. Ảnh: Alamy.

Những bí mật lần đầu được hé lộ

Watson McElvenny, đồng tác giả The Greatest Capitalist Who Ever Lived chính là cháu trai của Watson Jr. Do đó, ông nắm giữ bí mật về giấy tờ cá nhân và công ty cũng như có nhiều thông tin riêng từ phía gia đình.

The Greatest Capitalist Who Ever Lived kể về những thách thức trong quá trình kế thừa doanh nghiệp và gia đình, một chủ đề quan trọng vì bản thân IBM là cha đẻ của hầu hết ngành công nghiệp máy tính và công nghệ.

Trong 4 thập kỷ ở giai đoạn đầu, IBM là lãnh địa của Watson Sr. McElvenny và Wortman viết: “Công ty đã rút cạn kiệt túi tiền của một người đàn ông”. Chính Watson Sr. là người “đưa ra tất cả các quyết định chiến lược và hầu hết các chính sách nhỏ khác, hầu như không ủy quyền cho ai”. Việc đó cũng giải thích cho cách ông điều hành gia đình độc đoán.

Ngược lại, trong “triều đại” của mình Watson Jr. giỏi hơn nhiều trong việc ủy quyền và sử dụng tài năng của nhân viên. Ông bước chân lên chức vụ cao nhất ở IBM vào năm 1952, ở tuổi 38. Đến những năm 1960, với sự ra đời của dòng sản phẩm System/360, IBM trở thành tập đoàn đại chúng có giá trị lớn nhất tại Mỹ.

Quyết định táo bạo của Watson khi “đặt cược công ty” vào 360, một loạt máy tính tương thích hoàn toàn sẽ thay thế nhiều dòng sản phẩm của IBM, mang lại cao trào kịch tính cho The Greatest Capitalist Who Ever Lived.

Ngày nay, vốn hóa của IBM không thể so được với các gã khổng lồ công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft, nhưng không thể phủ nhận tập đoàn này vẫn là một thế lực lớn. Quan trọng hơn, dưới góc độ nào đó, IBM từ giai đoạn Watson Jr. điều hành, đã đặt nền móng cho toàn bộ ngành công nghiệp máy tính và thế giới công nghệ hiện tại.

Nguyễn Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuon-sach-kich-tinh-nhat-ve-tuong-dai-cong-nghe-ibm-2208158.html