Cựu chiến binh Yên Bái và tháng ngày hào hùng không thể nào quên
50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những tháng ngày chiến đấu anh dũng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước và phút giây nghe tin chiến thắng vào trưa ngày 30/4/1975 vẫn in đậm trong tâm trí của những cựu chiến binh ở Yên Bái, những người lính Cụ Hồ.
Bà Lê Thị Hồng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM), nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái cho biết, vào những ngày cả nước hướng về miền Nam, sống dậy không khí hào hùng của những ngày toàn thắng, chị em đơn vị cũ đã tổ chức một buổi gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những ngày tháng không thể nào quên của 50 năm trước.

Niềm vui đồng đội trong dịp gặp gỡ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất
Năm 1972, khi đang là giáo viên dạy vỡ lòng, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Hiệp tình nguyện đăng ký dự tuyển tân binh. Tháng 5/1972, nữ tân binh Lê Thị Hồng Hiệp khi ấy mới 19 tuổi đã có mặt trong đoàn nữ tân binh của tỉnh Yên Bái đi tập kết tại Phú Bình (Thái Nguyên), huấn luyện ở quân khu Việt Bắc. Sau đó được giao nhiệm vụ phụ trách Tiểu đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 68, Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc. Tiếp đến, được giao quản lí hậu cần hỗ trợ Tiểu đoàn 79 phục vụ các đơn vị bộ đội chuẩn bị đi vào Nam tham gia chiến đấu.
Bà Hiệp kể, được chứng kiến không khí tăng cường miền Nam của bộ đội, ai nấy đều tin tưởng ngày chiến thắng đã đến rất gần: "Lúc bấy giờ mọi người đều hào hứng muốn vào miền Nam, tất cả các đội quân lúc đó rất khí thế, bởi vì mong đợi đất nước thống nhất nó quá lớn, quá khát vọng cho nên lúc đó ai cũng sẵn sàng".

Bà Lê Thị Hồng Hiệp kể về những năm tháng hào hùng
Tháng 10/1972, bà Hiệp được phân công về Đoàn 72 Quân khu Việt Bắc, đóng ở Tuyên Quang. Với vai trò Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Đoàn 72, bà đã cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ phục vụ, chăm sóc cho mấy trăm bộ đội từ Phú Quốc, Côn Đảo và miền Nam ra. Bà Hiệp nhớ lắm những năm tháng đó: "Đón đội quân ở Côn Đảo, Phú Quốc về rất là cảm động. Có những chị em người miền Nam bị tù đầy, tra tấn quá sức tưởn tưởng của chúng tôi. Lúc bấy giờ thì ngọn lửa căm thù đối với kẻ địch quá lớn".
Bà Nguyễn Thị Hạnh, hội viên Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Yên Bái hiện ở sinh sống ở tổ 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cũng tình nguyện đi bộ đội vào năm 1969. Khoảng năm 71, bà được biên chế vào Binh trạm 12, Đoàn 559, làm nhiệm vụ ở vùng Quảng Trị và Đường 9 - Nam Lào, có nhiệm vụ bảo vệ các kho hàng phục vụ chiến trường.
Năm 1972, bà Hạnh được điều đi học điện ảnh quân đội ở Đoàn 559, sau đó được phân công làm nhiệm vụ chiến sĩ điện ảnh Phòng Chính trị, Sư đoàn 473, Đoàn 559. Bà cùng anh em đồng đội đi chiếu bóng khắp vùng Quảng trị, Quảng Nam, Đường 9 - Nam Lào, phục vụ đời sống tinh thần cho các đơn vị bộ đội… "Từ đơn vị này sang đơn vị khác phục vụ bộ đội đêm thì trời mưa, bùn ngập đến đầu gối nhưng mà bây giờ xe tắc mà mình ở đây không đi sơ tán thì mai máy bay của địch sẽ đến", bà Hạnh kể.
Ngày 30/4/1975, khi nghe tin chiến thắng từ Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Hiệp, bà Hạnh cũng như tất cả chiến sỹ đang có mặt tại các chiến trường đều vỡ ào cảm xúc, vui đến… bật khóc. "Bấy giờ nghe qua đài của đơn vị, mọi rất háo hức theo dõi. Khi nghe được tin chiến thắng, thống nhất đất nước, được hòa bình rồi thì ai cũng xúc động. Cái mong mỏi của tất cả mọi là làm thế nào để mà thống nhất đất nước, làm thế nào để được về với gia đình, về với người thân, cái tâm nguyện và khát vọng ấy của tất cả mọi người đã thành sự thật", bà Hiệp nhớ lại.
"Mấy chị em ôm nhau mừng quá: Ôi chúng mày ơi, giải phóng rồi, giải phóng rồi. Mừng quá mà khóc luôn", 50 năm qua đi, với bà Hạnh, phút giây ấy vẫn như in.

Ông Lương Bá Thích kể về phút giây nghe tin chiến thắng
Ông Lương Bá Thích, chồng bà Nguyễn Thị Hạnh, trực tiếp chiến đấu ở đất lửa Quảng Trị, kể lại giây phút ấy: "Không khí đơn vị không thể tưởng tượng được. Mọi người ôm nhau khóc, phấn khởi, chia sẻ... Chiến thắng rồi nên tâm tư con người ta nó rất khó tả".
50 năm qua đi, kí ức gian khổ nhưng vô cùng hào hùng và phút giây chiến thắng vẫn nguyên vẹn trong tâm trí những cựu chiến binh Yên Bái. Hôm nay, họ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, giáo dục con cháu, cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc và ấm no hơn./.