Cứu cảng biển khỏi hàng nghìn container bị 'bỏ quên'

Biện pháp khả thi nhất hiện nay với hàng nghìn container bị 'bỏ quên' tại các cảng biển Việt Nam là tiêu hủy hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn về môi trường, còn với hàng hóa quá hạn không có người nhận là bán đấu giá nộp ngân sách. Tuy nhiên, quy trình xử lý hàng hóa tồn đọng hiện tại vẫn rất phức tạp, cứng nhắc và mất rất nhiều thời gian.

Tại cảng Hải Phòng, TP HCM Rịa-Vũng Tàu có tới hàng nghìn container đang bị "bỏ quên", hầu hết chứa máy móc thiết bị, thức ăn chăn nuôi, hàng tiêu dùng... làm giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng, gia tăng chi phí và ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam.

Hàng nghìn container tồn đọng

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM, tính đến hết quý II/2023, tại các cảng Tân Cảng – Cát Lái, Tân Cảng – Phú Hữu, Cảng SP-ITC đang còn 1.015 container và 47 lô hàng rời tồn đọng quá 90 ngày. Trong số này, hàng tồn đọng tại Tân Cảng – Cát Lái chiếm phần lớn, với hơn 960 container.

Toàn bộ số hàng trên chủ yếu là máy móc thiết bị, thức ăn chăn nuôi, hàng tiêu dùng... Hàng đã tồn đọng quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, nhưng chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục nhận hàng.

Hàng nghìn container bị "bỏ quên" tại các cảng biển Việt Nam

Hàng nghìn container bị "bỏ quên" tại các cảng biển Việt Nam

Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) cũng có thông báo tìm chủ sở hữu các hàng hóa tồn đọng, bao gồm 95 container và các kiện hàng lẻ. Số hàng trên được lưu giữ tại Kho cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Tân cảng 128, Tân cảng 189 – Hải Phòng và các kho CFS...

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 hiện cũng đang có gần 100 container quá thời hạn đang phải tìm chủ nhân.

Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hình xuất nhập khẩu như: tạm nhập tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh... Chủ yếu người đứng tên nhận lô hàng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất. Hàng hóa về cảng biển Việt Nam sau đó tái xuất sang nước thứ 3 nhưng do chính sách kiểm soát rất chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới phía nước bạn nên việc tái xuất hàng hóa gặp khó khăn.

Tình trạng doanh nghiệp không đến làm thủ tục nhận hàng tại các cảng biển Việt Nam đã xảy ra nhiều năm nay. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm mà theo các chuyên gia là do hiện có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện nên việc xử lý hàng tồn đọng bị lưu giữ chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp khiến cho lượng hàng hóa tồn đọng cảng ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan hải quan dù đã rất tích cực trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng, nhưng do quy trình xử lý liên quan đến nhiều đơn vị khác. Trong khi đó, quy trình xử lý để bán đấu giá phải qua nhiều khâu nên rất mất thời gian. Thậm chí có những lô hàng qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được người mua, phải làm thủ tục hạ giá bán... khiến thời gian xử lý càng kéo dài.

Đơn cử như việc xác định giá trị hàng hóa quá hạn lưu cảng, có thể dựa trên cơ sở trị giá khai báo hải quan để làm căn cứ nhưng quy định hiện nay không cho phép mà phải thuê công ty thẩm định giá độc lập, sau đó tổ chức đấu giá.... Với các lô hàng hóa có giá trị thấp, chi phí thuê thẩm định giá và làm thủ tục đấu giá vừa bằng với giá bán lô hàng, không bổ sung được đồng nào vào ngân sách, trong khi đó lại tiêu tốn thời gian và nhân lực của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với các container hàng thực phẩm, nhiều doanh nghiệp cho rằng phải đợi hàng hết hạn sử dụng mới được tiêu hủy. Nhưng theo ông Nghiệp, hiểu như vậy chưa đúng, bởi không có quy định phải chờ thực phẩm hết hạn sử dụng mới được tiêu hủy. Nếu hãng tàu đề nghị tiêu hủy thì thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định và phải chịu chi phí tiêu hủy.

Nguyên nhân tiếp nữa gây nên tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển là do người vận chuyển yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa. Hãng tàu tìm mọi cách nhưng không thể liên lạc với người nhận hàng để lấy công văn từ chối nhận hàng.

Xử lý cách nào?

Theo nhận định của Cục Hàng hải Việt Nam, vài năm trở lại đây, quy định về tạm nhập tái xuất thông thoáng hơn, nhiều doanh nghiệp tham gia tạm nhập, khi không tái xuất được đã “bỏ của chạy lấy người”, từ chối nhận hàng.

Hiện nay, số lượng hàng hóa tồn đọng quá lớn, gia tăng nhanh trong thời gian ngắn, trong đó có cả hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng lại có giá trị thấp.

Cơ quan chức năng cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá chi phí lưu container, phí lưu bãi phải trả cho đơn vị vận tải và kinh doanh kho bãi của nhiều lô hàng lớn hơn giá trị thực tế của lô hàng đó.

Hàng hóa tồn đọng lớn không chỉ làm giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng, mà còn gây gia tăng chi phí cho cơ quan quản lý, như: chi phí lưu container, phí lưu bãi phải trả cho đơn vị vận tải và kinh doanh kho bãi của nhiều lô hàng lớn hơn giá trị thực tế của lô hàng đó.

Để giải tỏa số hàng hóa trên khỏi cảng biển, theo quy định, các chi cục Hải quan sẽ có thông báo tìm chủ hàng hóa tồn đọng; đồng thời thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các lô hàng

Thời hạn để doanh nghiệp đến nhận hàng là 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu. Đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng hóa còn hạn sử dụng dưới 60 ngày, thời hạn để người đến nhận hàng là 15 ngày.

Nếu quá thời hạn trên, các tổ chức, cá nhân không đến làm thủ tục hải quan có liên quan, Chi cục sẽ xử lý các bước tiếp theo theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều năm qua, các hãng tàu ít quan tâm áp dụng Nghị định 169 quy định việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị hàng hóa để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam, nên việc xử lý hàng tồn đọng do các doanh nghiệp vận chuyển chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp trong việc phải lưu container trong thời gian dài.

“Nếu các hãng tàu thực hiện tốt quy định này, cơ quan hải quan sẽ giảm áp lực về xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển”, ông Nghiệp khẳng định.

Bên cạnh đó, đơn vị khai thác cảng mong muốn có cơ chế hướng dẫn xử lý container tồn cảng linh hoạt hơn, ví dụ trường hợp hãng tàu có hàng quá hạn, hết giá trị sử dụng và có đề nghị xử lý thì cho phép hãng tự thuê công ty xử lý môi trường để tiêu hủy, vừa xử lý được hàng tồn đọng vừa giảm áp lực lên các đơn vị vận hành, giám sát hoạt động tại cảng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/cuu-cang-bien-khoi-hang-nghin-container-bi-apos-bo-quen-apos-1094505.html