Cựu nhà báo nổi tiếng dặn dò con gái nhỏ 9 bài học sâu sắc
Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm kinh tế, ông còn được biết đến với bức thư gửi tặng con gái mình kèm 9 bài học sâu sắc.
Ngày 3/6/2019, con gái của vợ chồng Morgan Housel – cựu nhà báo của tờ Wall Street Journal, tác giả cuốn sách nổi tiếng Tâm lý đồng tiền – chào đời. Ông chia sẻ, một ngày nào đó, con gái mình sẽ trưởng thành, cần đến những lời khuyên về tiền bạc và cuộc sống. Là một người dành nhiều năm nghiên cứu và viết về tài chính và kinh doanh, ông đã viết thư nhắn nhủ con gái của mình.
1. Tiền bạc không phải là thước đo thành công lớn nhất
Warren Buffett từng nói: "Thành công thực sự trong cuộc sống là khi những người bạn muốn có được tình yêu thực sự yêu bạn". Và tình yêu đó chủ yếu đến từ cách con đối xử với mọi người xung quanh, hơn là mức độ giá trị ròng của dòng tiền con kiếm ra.
Tiền sẽ không cung cấp thứ mà con (và hầu hết những người khác nữa) muốn nhất - tình yêu đích thực. Tiền không thể mua được sự trung thực và lòng đồng cảm thực sự của con đối với người khác. Đây là lời khuyên quan trọng nhất mà cha muốn dành cho con.
2. Đừng đánh giá thấp vai trò của may rủi trong cuộc sống
Nhiều người cho rằng giàu, nghèo là do lựa chọn. Bởi vậy mà mọi người lại đánh giá thấp vai trò của may rủi trong cuộc sống. Gia đình, quốc gia, thế hệ và các giá trị mà chúng ra thuộc về từ khi sinh ra hay tất cả những người mà chúng ta gặp đều đóng vai trò lớn ảnh hưởng đến cuộc sống và vận mệnh của mỗi người.
Mặc dù chúng ta thừa nhận rằng cố gắng và kiên trì sẽ mang lại phần thưởng và giá trị. Tuy nhiên đôi khi con cần hiểu rằng không phải tất cả thành công đều là kết quả của chăm chỉ và không phải nghèo đói là do lười biếng. Hãy ghi nhớ điều này khi hình thành ý kiến với người khác, bao gồm cả chính bản thân con.
3. Cổ tức cao nhất của tiền bạc là quản lý thời gian
Có thể làm những gì con muốn, vào lúc nào, ở đâu, với ai mang đến hạnh phúc mà không món đồ xa xỉ nào làm được. Cảm giác thích thú khi mặc những quần áo đắt tiền sẽ nhanh chóng biến mất, nhưng một công việc với giờ làm linh hoạt, quãng đường đi làm ngắn thì không.
Tiết kiệm đủ tiền để con có thời gian và lựa chọn khi rơi vào tình huống nguy cấp, hay có thể nghỉ hưu bất cứ lúc nào con muốn cũng vậy.
Độc lập là mục tiêu cuối cùng trong đời của chúng ta. Mỗi đồng tiền tiết kiệm được giống như một mảnh ghép của tương lai con mà rất có thể sẽ nằm trong tay người khác.
4. Đừng mù quáng chấp nhận bất kỳ lời khuyên nào
Tất cả những bài học ở đây, bao gồm cả bài học cuối cùng này, là những điều mà hầu hết mọi người biết đến quá muộn trong đời. Nhưng hãy cứ thoải mái bởi thế giới của con sẽ khác với thế giới của cha mẹ, cũng như thế giới của cha mẹ khác với ông bà con.
Không ai hoàn toàn giống nhau, mọi việc trên đời không bao giờ vận hành theo cái cách luôn hoàn toàn đúng. Đừng bao giờ nhận lời khuyên của bất kỳ ai mà không bối cảnh hóa nó bằng các giá trị, mục tiêu và hoàn cảnh của riêng con.
5. Đừng dựa dẫm vào việc được nuông chiều
Sẽ chẳng ai có thể hiểu giá trị của đồng tiền nếu chưa trải qua sự thiếu thốn, nên mặc dù bố mẹ sẽ luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ con nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ sẽ nuông chiều con.
Sau này khi lớn lên, con hãy học cách chấp nhận một sự thật rằng con không thể có tất cả những thứ mình muốn, điều này sẽ giúp con phân biệt được đâu là nhu cầu và đâu là mong muốn. Từ đó con sẽ học được cách lập ngân sách, tiết kiệm và định giá những gì con đã có.
Biết cách tiết kiệm để không khiến cuộc sống bị tổn thương là một kỹ năng sống thiết yếu sẽ giúp con vượt qua những thăng trầm không thể tránh khỏi trong cuộc sống này.
6. Thành công không luôn đi cùng hành động lớn
Napoleon định nghĩa một thiên tài là người "có thể làm điều bình thường trong khi mọi người khác đánh mất tâm trí họ".
Quản lý tiền bạc cũng như vậy. Con không cần làm những điều phi thường mới có được kết quả mong muốn, con chỉ cần kiên trì đừng làm hỏng chuyện trong một thời gian dài.
Tránh các sai lầm thảm khốc (nhất là vùi mình trong nợ nần) có sức mạnh hơn bất kỳ lời khuyên tài chính nào.
7. Chi tiêu dưới mức thu nhập của con
Nhu cầu sống thấp hơn so với mức thu nhập là một trong những đòn bẩy tài chính mạnh mẽ nhất. Người kiếm được 50.000 đô la mỗi năm (gần 1,2 tỷ đồng), nhưng chỉ cần 40.000 đô la (940 triệu đồng) để chi tiêu, sẽ giàu hơn người kiếm được 150.000 đô la (hơn 3,5 tỷ đồng), nhưng cần 151.000 đô la (gần 3,6 tỷ đồng) để làm điều tương tự.
Nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận 5%, nhưng chi phí thấp, có thể tốt hơn so với nhà đầu tư kiếm được 7% một năm, nhưng cần sử dụng, tiêu xài tất cả số tiền mà họ có. Con kiếm được bao nhiêu không quyết định con có bao nhiêu và con có bao nhiêu không quyết định con cần bao nhiêu.
8. Đừng ngại thay đổi
Sẽ chẳng ai sống cuộc sống mà họ đã mong ước đến vào năm 18 tuổi, vì thế sẽ không sao cả nếu con chọn một chuyên ngành mà cuối cùng lại không yêu thích nó và quyết định từ bỏ. Suy nghĩ của mỗi người sẽ thay đổi theo thời gian.
Vì thế nên đừng tự dằn vặt hay làm khó bản thân khi con nhận ra mình đã đi sai đường, thay vào đó, hãy thừa nhận rằng các giá trị và mục tiêu của con đã phát triển.
Việc tha thứ cho bản thân vì đã thay đổi suy nghĩ cũng là một siêu năng lực, đặc biệt khi con còn trẻ nên đừng ngại để thay đổi mình con nhé.
9. Mọi thứ đều có cái giá của nó
Cái giá của sự nghiệp bận rộn là không có thời gian cho gia đình, bạn bè. Cái giá của lãi suất thị trường dài hạn là sự bất ổn và biến động. Cái giá của nuông chiều con trẻ là chúng sẽ sống trong bao bọc quá mức.
Mọi thứ đều có cái giá của nó và hầu hết chúng ta đều không nhìn thấy nó. Đôi khi chúng đáng để trả giá, nhưng đừng bao giờ quên giá trị thực sự. Một khi chấp nhận được điều đó, con sẽ nhìn nhận những thứ như thời gian, các mối quan hệ, tự động hóa, sáng tạo là một loại tiền tệ, có giá trị như tiền mặt.