Cứu sống bệnh nhân bằng kỹ thuật hỗ trợ đồng thời bằng tim, phổi nhân tạo
Ngày 19-1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã điều trị thành công trường hợp bệnh nhân bị choáng tim, suy hô hấp, suy đa cơ quan do viêm cơ tim cấp bằng phương pháp vừa hỗ trợ tim và hỗ trợ phổi nhân tạo (VAV ECMO). Đây là kỹ thuật điều trị cao và phức tạp nhất từ trước đến nay tại bệnh viện.
Ngày 19-1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã điều trị thành công trường hợp bệnh nhân bị choáng tim, suy hô hấp, suy đa cơ quan do viêm cơ tim cấp bằng phương pháp vừa hỗ trợ tim và hỗ trợ phổi nhân tạo (VAV ECMO). Đây là kỹ thuật điều trị cao và phức tạp nhất từ trước đến nay tại bệnh viện.
Bệnh nhân B.H.V, 32 tuổi, cư ngụ tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhập viện trong tình trạng tím tứ chi, da lạnh, phù phổi cấp, suy hô hấp, sốc tim nặng. Bệnh nhân được cấp cứu ban đầu với chẩn đoán viêm cơ tim cấp. Sau đó, được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân được sử dụng các loại thuốc nâng huyết áp liều cao (Noradrenalin lên đến 150 µg/kg/phút) kết hợp nhiều biện pháp hồi sức tích cực nhưng vẫn chưa kiểm soát được huyết áp, tình trạng bệnh không cải thiện.
Bệnh nhân được hội chẩn toàn viện tối khẩn với nhiều chuyên khoa để quyết định can thiệp bằng ECMO. Do bệnh nhân vừa sốc tim kết hợp suy hô hấp nặng, phim chụp X-quang phổi thâm nhiễm lan tỏa hai phế trường nên kíp hội chẩn hội ý dùng phương pháp can thiệp song song vừa hỗ trợ tim và hỗ trợ phổi nhân tạo cùng lúc (phương pháp VAV ECMO), kết hợp với các phương pháp điều trị hỗ trợ tích cực khác như thở máy, lọc máu liên tục, lọc thận cấp cứu và hồi sức tim mạch nâng cao.
Sau sáu ngày tích cực điều trị, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn, tỉnh táo, ngưng ECMO và thuốc vận mạch, bệnh nhân tiếp tục điều trị nội khoa hỗ trợ. Dự kiến khoản 1-2 tuần khi chức năng gan, thận phục hồi bệnh nhân có thể xuất viện.
Theo BSCKI Mạch Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, từ khi Bệnh viện triển khai kỹ thuật ECMO đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh, nếu trước đây chưa có kỹ thuật này thì hầu như các trường hợp tương tự đều tiên lượng tử vong hoặc chuyển lên tuyến trên điều trị tiếp.
“Đây là cũng lần đầu tiên bệnh viện thực hiện kỹ thuật can thiệp bằng ECMO “kép”. Các trường hợp trước đây chỉ hỗ trợ tim hoặc hỗ trợ phổi nhân tạo, nhưng trường hợp này cùng lúc bệnh nhân được hỗ trợ cả tim và phổi”, BS Quang cho hay.
Nhận định sự thành công trong điều trị bệnh nặng và khó như trường hợp này, BSCKII Nguyễn Thị Lạc, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Đây là cả quá trình phấn đấu của tập thể y, bác sĩ bệnh viện, và sự đúng đắn trong đầu tư trang thiết bị của bệnh viện; cùng sự chỉ đạo sâu sát của các chuyên gia đầu ngành từ tuyến trên đặc biệt là Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy”.
BS Lạc cũng cho biết thêm, tới đây, bệnh viện cũng định hướng phát triển thêm nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu khác để góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân tỉnh nhà cũng như góp nâng cao tầm chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện.