Cựu thanh niên xung phong 'truyền lửa' âm nhạc dân tộc
Không chỉ am hiểu và sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na và các DTTS ở Tây Nguyên, nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng (67 tuổi) ở khu phố Ðịnh Thiền, thị trấn Vĩnh Thạnh, còn là người thầy truyền lửa đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định).
Dù không xuất thân từ đồng bào dân tộc Ba Na Kriêm, nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng lại như có mối duyên âm nhạc từ thời trai trẻ với các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng (bên phải), bén duyên với nhạc cụ dân tộc từ thời thanh niên xung phong
Những giai điệu ngân nga từ chiếc đàn T’rưng, tiếng sáo bay vút giữa rừng, hay nhịp chiêng trầm mặc… đã cuốn ông vào hành trình khám phá. Và từ đó, ông đắm mình trong âm thanh của hơn chục loại nhạc cụ truyền thống.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng nhớ lại: “Tôi bén duyên với nhạc cụ dân tộc từ năm 1979, khi còn là thanh niên xung phong. Trong đơn vị có những đồng đội người Tây Nguyên biết chơi nhạc cụ rất hay. Nghe nhiều thành quen, tôi bị “nhiễm” lúc nào không hay. Đến khi về công tác ở Nông trường thuốc lá Sông Kôn, tiếp xúc nhiều bà con Ba Na Kriêm ở Vĩnh Thạnh, khoảng thời gian ấy tôi bắt đầu học chơi cồng chiêng, đàn đá, sáo… Cứ như thế, tình yêu với nhạc cụ lớn dần theo từng năm tháng”.
Đến nay, ông có thể sử dụng thành thạo hàng chục loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na Kriêm cũng như một số dân tộc Tây Nguyên khác. Trong đó, ông đặc biệt yêu thích đàn T’rưng và sáo, những nhạc cụ mang đến cho người nghe cảm giác vừa mộc mạc, vừa bay bổng như nhịp sống của núi rừng.
Theo ông Hùng, Sáo la (thổi ngang) và sáo ta lía (thổi dọc) của người Ba Na Kriêm có âm thanh rất đặc biệt. Với thanh âm bay bổng của tiếng sáo, nếu nghe trong một không gian tĩnh lặng giữa núi rừng, sẽ thấy như cả một không gian văn hóa được mở ra, rất đỗi bình yên và gần gũi.

Nhờ sự truyền dạy nhiệt tình của nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng, lớp trẻ ở Vĩnh Thạnh đã yêu nhiều hơn và quan tâm đến nhạc cụ của người Ba Na Kriêm
“Với tôi, âm thanh của đàn T'rưng, sáo la, sáo ta lía, đàn Pơ lơn khơn hay những tiếng trống, tiếng chiêng… không chỉ là âm nhạc, đó còn là tiếng lòng của núi rừng, là nét văn hóa hồn cốt cần được gìn giữ” ông Hùng bày tỏ.
Không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn, người nghệ nhân này còn tự mày mò chế tác nhạc cụ dân tộc từ tre, gỗ, đá… Dựa theo nguyên lý truyền thống, ông đã tạo ra nhiều cây sáo, bộ đàn phù hợp với môi trường biểu diễn hiện đại.
Ngoài ra, ông cũng mở lớp truyền dạy cho nhiều thanh niên địa phương có niềm đam mê về nhạc cụ dân tộc, đồng thời thành lập một ban nhạc dân tộc biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, du lịch do địa phương tổ chức.
Hiện tại, ban nhạc do nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng lập ra có 10 thành viên, gồm người nhà ông và một số nghệ nhân trong huyện.
Vừa qua, tại ngày hội hoa đào và Ngày hội thưởng ngoạn hoa trang suối Tà Má do UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức, ban nhạc của ông Hùng đã biểu diễn các bản nhạc nổi tiếng như: Tiếng đàn Ta Lư, Xuân chiến khu, Cô gái vót chông, Bác đang cùng chúng cháu hành quân…
Trên nền nhạc cụ dân tộc, kết hợp cùng vũ điệu xoang và trang phục truyền thống, đã thu hút đông đảo du khách, bởi chất âm mộc mạc, vang vọng núi rừng.

Trên nền nhạc cụ dân tộc, kết hợp cùng vũ điệu xoang và trang phục truyền thống, đã thu hút đông đảo du khách đến xem và trải nghiệm
Chị Nguyễn Như Hương, du khách TP Quy Nhơn vui nói: Vừa rồi, tôi và bạn bè có dịp ghé lên Vĩnh Thạnh ngắm sắc hoa trang rừng nở ở suối Tà Má. Tại đây, chúng tôi còn có dịp được nghe những âm thanh đặc sắc từ các loại nhạc cụ dân tộc, hòa quyện cùng tiếng suối, tiếng rừng… khiến cuộc trải nghiệm của chúng tôi ở Tà Má trở nên vô cùng đặc biệt.
Nói về sự đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng, ông Lê Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Vĩnh Thạnh nhận xét: Nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng là người thầy truyền dạy âm nhạc, góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa của người Ba Na.
Ban nhạc của ông Hùng làm cho người trẻ càng yêu thích, hiểu hơn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, hiểu hơn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của đồng bào Ba Na trên vùng đất Vĩnh Thạnh.