Xây dựng đô thị thông minh, nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa
Sau 10 năm, lần thứ 2 Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia chọn được một tác phẩm để trao Giải thưởng Lớn, đó là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - công trình sáng tạo kiến trúc đã hiện diện trong thời kỳ đổi mới, hội nhập thế giới mạnh mẽ, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.
Tư duy sáng tạo, đổi mới
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (tiền thân là Bảo tàng Quân đội) mở cửa nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1959).
Theo PGS.TS Trần Minh Tùng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Bảo tàng tại một góc của Hoàng thành Thăng Long, dưới chân Cột cờ Hà Nội. Bảo tàng tận dụng các cơ sở vật chất cũ là những tòa nhà làm việc của Quân đội Pháp xây dựng trong thời kỳ chiếm đóng. Vì tận dụng các tòa nhà cũ nên việc trưng bày tương đối hạn chế bởi những yêu cầu đặc thù của bảo tàng lẫn các vật phẩm đặc trưng của đề tài quân đội là các loại vũ khí, khí tài có kích thước lớn. Với tổng diện tích trưng bày trong nhà khoảng 2.000m² và diện tích ngoài trời khoảng 6.000m², bảo tàng chỉ có thể giới thiệu một phần nhỏ trong bộ sưu tập tài liệu, hiện vật.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tú
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống bảo tàng trên toàn quốc, trong đó Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được xác định là một trong 4 bảo tàng quốc gia cần được đầu tư và xây dựng mới. Dự án cấp đặc biệt xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được khởi công năm 2020, trên khu đất có diện tích 74ha cạnh Đại lộ Thăng Long, được xem như khu vực phát triển diện mạo hiện đại mới của Thủ đô. Sau nhiều cuộc tham vấn, lấy ý kiến từ các chuyên gia về kiến trúc, bảo tàng và các cố vấn quân sự, phương án thiết kế đã được xác định với phong cách hiện đại, đơn giản và tạo dòng chảy lịch sử bằng trực giác, gây ấn tượng trực tiếp về không gian.
Về phương diện hình khối bên ngoài và tổ chức tổng thể không gian, nhiều ý tưởng kiến trúc sáng tạo đã được những KTS thiết kế đan cài một cách khéo léo vào những hạng mục công trình. Tháp Chiến thắng cao 45m, tượng trưng cho năm 1945 - thời điểm đất nước giành độc lập. Thân tháp với tạo hình ngôi sao năm cánh của quốc kỳ Việt Nam được xếp chồng nhiều lớp, phần trên cùng được cắt vát như vươn đến tận trời xanh. Ngoài ra, đế tháp hình ngũ giác đại diện cho 5 giai cấp, thành phần xã hội là công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và quân nhân.
Với số phiếu lựa chọn của thành viên Hội đồng Giải thưởng gần như tuyệt đối, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình thứ 2 (sau Nhà Quốc hội) được Giải thưởng lớn. Theo KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTSVN, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, đây là một sự ghi nhận xứng đáng với sáng tạo kiến trúc đã hiện diên trong thòi kỳ đổi mới hội nhập thế giới mạnh mẽ nhưng vẫn phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Sự thể hiện ở cả hình thái và nội dung của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được giới chuyên môn cùng cộng đồng trong nước và quốc tế thừa nhận, là một niềm vui lớn cho lĩnh vực và những người làm nghề.
Kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững
Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 16 ghi nhận 239 tác phẩm dự thi thuộc các thể loại: Kiến trúc công trình; kiến trúc nội – ngoại thất và kiến trúc cảnh quan – thiết kế đô thị; quy hoạch; nghiên cứu – lý luận – phê bình kiến trúc.
Trong đó, ở Hạng mục quy hoạch có 29 đồ án, trong đó có thể kể tới như: Đồ án Quy hoạch chung TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị An Dương, TP Hải Phòng; Điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu B – Đô thị mới An Vân Dương…
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm gửi dự giải đều cho thấy khả năng chọn lọc ý tưởng từ tư duy mới, chú ý lợi thế cảnh quan, bảo tồn và phát triển thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững cho con người, cố gắng tìm giải pháp cân bằng giữa phát triển và lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống. Các đồ án quy hoạch đô thị được thực hiện khá bài bản, bắt đầu chú trọng giải quyết yêu cầu xanh, bền vững với những giải pháp tích hợp. Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và nông thôn kỳ này cũng đã có đồ án tham gia riêng. Đặc biệt, có khá nhiều đồ án quy hoạch các khu chức năng có chất lượng tiến bộ, đáp ứng xu thế thời đại, đã đến tham gia với giải thưởng, đưa đến sự đồng cảm, lan tỏa với đời sống cộng đồng.
Là hạng mục đem đến sự hấp dẫn và đa dạng nhất, hạng mục thiết kế công cộng có 77 tác phẩm tham gia, trong đó có những thiết kế sáng tạo với tư duy đột phá, tiếp cận tư tưởng, kỹ thuật, công nghệ, vật liệu ở cấp độ của thế giới khá kịp thời, chú ý tương đối thỏa đáng tới các xu hướng tiến bộ, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, nhiều ý tưởng sáng tạo, kết nối tốt tính bản địa như: Liên cơ quan Vân Hồ (Hà Nội); Cung Thiếu nhi Hà Nội; Trụ sở VNCC (Hà Nội); Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ…

Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, kiến trúc Việt Nam hôm nay là bức tranh sống động, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, với nền tảng văn hóa dân tộc đặc sắc, tiếp thu có lựa chọn tinh hoa thế giới, bằng lao động sáng tạo, các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đã đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển đô thị, nông thôn giàu bản sắc, văn minh, hiện đại, kết nối các giá trị di sản với xu thế hiện đại.
Nhận định kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử là kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững và giàu bản sắc, góp phần xây dựng các đô thị thông minh và nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa Việt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi Hội Kiến trúc sư Việt Nam và KTS cả nước tiếp tục tham gia tích cực, sâu sắc, hiệu quả hơn nữa trong việc tham mưu chính sách, đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị; ý thức cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Giới kiến trúc Việt Nam phải chú trọng đẩy mạnh phát triển kiến trúc xanh và bền vững, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và Internet vạn vật (IoT) để thiết kế những công trình thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Kiến trúc sư đóng góp trí tuệ vào quy hoạch đô thị và phát triển nhà ở xã hội, đề xuất các giải pháp giảm giá thành xây dựng; nghiên cứu, đề xuất các phương án kiến trúc, giải pháp công trình an toàn, bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai; kiến tạo những công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa, dấu ấn đặc trưng của từng vùng đất, từng địa phương và của cả nước.
“Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển nền kiến trúc Việt Nam đặc sắc, hiện đại, thông qua các chính sách minh bạch, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong kiến trúc” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.