Cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc được đề nghị cho hưởng án treo

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) bị VKS đề nghị xử phạt từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngày 14.5, sau 2 ngày xét xử, đại diện VKS đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án vụ khai thác, buôn lậu đất hiếm xảy ra tại Công ty Thái Dương và các đơn vị liên quan.

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) từ 12 -15 năm tù (tổng hợp hình phạt 3 tội danh: "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Gây ô nhiễm môi trường").

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: M.H

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: M.H

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - bị đề nghị xử phạt từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Với các bị cáo còn lại, VKS đã cân nhắc, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng bị cáo để đưa ra mức án đề nghị hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước

Theo VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản quặng đất hiếm. Mặc dù quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính phủ rất chặt chẽ, nhưng VKS nhận thấy các bị cáo trong vụ án này vẫn không chấp hành mà còn cố ý thực hiện những sai phạm.

Ngoài ra, một số bị cáo trong vụ án còn có sai phạm trong hoạt động kế toán, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền rất lớn.

VKS nhận thấy hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước. Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Buôn lậu, Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, VKS cho rằng chỉ vì lợi ích kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp mà bất chấp pháp luật, cố ý để thực hiện hành vi phạm tội.

Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: M.H

Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: M.H

Đối với các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo VKS, đãng lẽ ra với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, các bị cáo phải là người tham mưu, “gác cổng” cho Chính phủ, nhưng ngược lại, họ biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện khai thác nhưng vẫn cấp phép.

Các bị cáo ở Sở TN-MT tỉnh Yên Bái với chức năng nhiệm vụ của mình, biết và phải biết Công ty Thái Dương có nhiều sai phạm trong khai thác nhưng vẫn báo cáo, nhận xét Công ty Thái Dương đã chấp hành các quy định của pháp luật để gia hạn cho Công ty Thái Dương tiếp tục khai thác trái phép, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 736 tỉ đồng.

VKS ghi nhận việc bị cáo Nguyễn Linh Ngọc và các bị cáo thuộc Bộ TN-MT thừa nhận hành vi sai phạm, mỗi bị cáo có vị trí nhất định nhưng đều tự nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho cấp dưới.

Một lần nữa, VKS nhấn mạnh: “Hành vi phạm tội của 27 bị cáo cần phải có mức hình phạt thật nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”. Tuy nhiên, VKS cũng phân hóa vai trò, mức độ phạm tội của từng bị cáo, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng người, để trên cơ sở đó HĐXX căn cứ quyết định hình phạt.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn khai báo tại tòa - Ảnh: M.H

Bị cáo Lưu Anh Tuấn khai báo tại tòa - Ảnh: M.H

Lời khai về việc bán đất hiếm không xuất hóa đơn

Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam) thừa nhận bán đất hiếm không xuất hóa đơn, nhưng cho rằng không cần hợp thức hóa đầu vào vì đang thực hiện “đề tài nghiên cứu cấp nhà nước”.

Theo lời khai của bị cáo Lưu Anh Tuấn, ông làm nghề sản xuất đất hiếm để phục vụ xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, có khai báo hải quan điện tử.

Về cáo buộc mua bán hàng hóa không xuất đủ hóa đơn, bị cáo Tuấn thừa nhận là đúng. Đối với số lượng đất hiếm không xuất hóa đơn, Tuấn cho rằng mình không cần phải hợp thức hóa đầu vào vì đang làm đề tài nghiên cứu sản xuất đất hiếm cấp nhà nước, bị cáo Tuấn mong tòa xem xét bởi bản thân không hưởng lợi mà chỉ đang làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2019 - 2023, bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam) đã giúp Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương) che giấu doanh thu từ việc bán đất hiếm, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 20 tỉ đồng, gây thất thu thuế hơn 7 tỉ đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam Lưu Anh Tuấn còn chỉ đạo nhân viên liên hệ, trực tiếp chuyển tiền để lấy 15 hóa đơn của các công ty cung cấp hóa chất, phản ánh số lượng vật tư đầu vào nhiều hơn thực tế mua bán với tổng trị giá hơn 16 tỉ đồng để hạch toán kế toán trái quy định, vi phạm quy định về kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế là hơn 4 tỉ đồng…

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuu-thu-truong-bo-tn-mt-nguyen-linh-ngoc-duoc-de-nghi-cho-huong-an-treo-232560.html