Cứu tinh của rùa biển

Trước kia, mỗi khi gặp rùa biển, một bộ phận ngư dân thường bắt rồi giữ lại hoặc mang đi bán. Nhờ sự góp sức của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có nỗ lực thầm lặng của đội ngũ tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, thực tế ấy đã thay đổi.

Nhiều chú rùa biển đã được cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và các tình nguyện viên giải cứu - Ảnh: Q.H

Nhiều chú rùa biển đã được cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và các tình nguyện viên giải cứu - Ảnh: Q.H

Tình nguyện làm việc không lương

Từ đầu năm đến nay, các tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở Quảng Trị đã nhận được nhiều cuộc gọi khẩn của ngư dân địa phương. Mới đây nhất, ngày 26/7/2023, khi đang đánh bắt ven bờ, ngư dân Đặng Dục, trú tại xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong bắt gặp một cá thể vích nặng khoảng 8 kg.

Trước đó một ngày, cũng ở huyện Triệu Phong, ngư dân Lê Hữu Thành, ở xã Triệu Vân phát hiện một cá thể vích nặng khoảng 5 kg. Cả hai ngư dân đều đã liên lạc với các tình nguyện viên bảo tồn rùa biển phụ trách địa bàn. Sau khi tiếp cận, cứu hộ, các tình nguyện viên đã cùng với ngư dân thả rùa về với biển.

Nhắc đến câu chuyện ấy, nụ cười trên môi Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ Nguyễn Văn Hòa dường như tươi hơn. Anh Hòa cho biết, rùa biển là loài động vật cổ xưa, quý hiếm. Chúng di cư xuyên quốc gia nhưng thường chọn sống ở vùng biển trong lành, có nhiều nguồn lợi thủy sản. Từ nhiều năm về trước, việc bảo vệ rùa biển đã trở thành nhiệm vụ toàn cầu.

So với các nước khác, hoạt động bảo tồn rùa biển ở Việt Nam được triển khai có phần muộn hơn. Tại Quảng Trị, trước đây, một bộ phận ngư dân vẫn có thói quen bắt giữ hoặc đem bán những chú rùa biển mà mình phát hiện được.

“Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ rùa biển. Thế nhưng, do quân số ít nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự chung tay, góp sức của các tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, thực trạng trên mới được giải quyết”, anh Hòa nói.

Theo anh Hòa, cách đây tầm 20 năm, các hoạt động bảo vệ rùa biển được triển khai sâu rộng trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã vùng biển. Những lần về địa phương, anh Hòa và đồng nghiệp có dịp gặp gỡ, chuyện trò với nhiều ngư dân.

Trong quá trình tuyên truyền về sự cần thiết của việc phải bảo vệ loài rùa biển, anh rất mừng khi thấy những ánh mắt chăm chú. Sau buổi tuyên truyền, một số người đã tìm gặp, liên lạc với anh Hòa và đồng nghiệp xin làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. “Khi tôi chia sẻ khó khăn về nguồn kinh phí, những ngư dân này đều bảo rằng, họ tình nguyện làm việc không lương”, anh Hòa kể.

Hiện nay, toàn tỉnh có 26 tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. Hầu hết họ sống ở đảo Cồn Cỏ và các xã ven biển. Mỗi người một công việc, hoàn cảnh nhưng phần lớn gặp nhau điểm chung là con em ngư dân, luôn dành tình yêu lớn cho đại dương và loài rùa biển. Vì thế, dù làm việc không lương nhưng ai cũng tâm huyết, nhiệt tình.

Lên đường theo tiếng gọi của rùa biển

Theo lời giới thiệu của Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ Nguyễn Văn Hòa, chúng tôi có dịp chuyện trò với ngư dân Trần Văn Nhiên (sinh năm 1972), trú tại Thôn 6, xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Anh Nhiên là một tình nguyện viên bảo tồn rùa biển dạn dày kinh nghiệm. Bản thân anh từng 8 lần cùng các ngư dân khác tiếp cận, cứu hộ, đưa rùa về với biển. Mỗi lần tham gia giải cứu rùa biển là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với anh Nhiên.

Nói về cơ duyên đến với công việc, anh Trần Văn Nhiên kể, cách đây tầm 17 năm, mình được tham gia một buổi tập huấn, kết hợp với tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rùa biển. Nghĩ mình là ngư dân, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm nên anh Nhiên đăng ký tham gia. Sau khi nhận nhiệm vụ, anh đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của người dân; nghe ngóng thông tin, tình hình; kịp thời có mặt để bảo vệ, đưa rùa về với biển…

Nhiều hôm anh bỏ dỡ bát cơm khi nghe điện thoại báo phát hiện rùa biển vướng lưới ngư dân. “Có người bảo tôi, việc giữa đàng, sao lại cực nhọc mang vào cổ? Tôi nói rằng, biển nuôi sống bao thế hệ gia đình tôi. Giờ, tôi có trách nhiệm bảo vệ biển, bảo vệ loài động vật cổ xưa, quý hiếm của biển”, anh Nhiên chia sẻ.

Cũng là một người có thâm niên trong việc tình nguyện bảo vệ rùa biển, anh Đặng Quang Minh, trú tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng từ lâu đã quen với công việc ít ai đủ tâm huyết để làm. Thời nhỏ, trong những chuyến đi biển cùng ba, anh Minh từng thấy loài rùa biển. Thích loài vật hiền lành này nên anh rất buồn khi thấy một số người lấy trứng của rùa biển vào bờ sinh sản.

Có lần, một người còn ghé nhà anh, rao bán con rùa biển mà họ vô tình bắt được. Biết nguyên nhân của thực trạng này là do bà con chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của loài rùa biển nên anh Minh nghĩ mình phải làm điều gì đó. Suy nghĩ ấy trở thành hành động khi anh hay tin Ban Quản lý Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đang cần tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. Anh Minh cho biết: “Tôi xác định, đã nhận nhiệm vụ thì phải làm tròn. Mỗi lần giúp được một chú rùa trở về với biển, tôi cảm thấy rất vui”.

Cũng như anh Đăng Quang Minh và anh Trần Văn Nhiên, 24 tình nguyện viên bảo tồn rùa biển khác đều dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho công việc của mình. Nhờ thế, họ mới vượt qua được những khó khăn, thử thách. Thông thường, tin báo phát hiện rùa biển thường đến bất kể ngày đêm nên ai cũng luôn ở trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, những cuộc “giải cứu” không phải bao giờ cũng thuận lợi. Có lúc họ phải năm lần, bảy lượt phân tích, giải thích cho một số ngư dân khi bị đòi tiền chuộc rùa biển hay yêu cầu bồi thường do rùa làm rách lưới…

“May mắn là chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nên công việc phần nào thuận lợi hơn”, chị Nguyễn Thị Bích Thơi, một tình nguyện viên bảo tồn rùa biển chia sẻ.

Hiện nay, tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, có 5 loài rùa biển gồm: rùa xanh (vích), rùa da, đồi mồi, đồi mồi dứa, rùa đầu to (quản đầu). Trung bình mỗi năm, cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và các tình nguyện viên giúp 10 chú rùa gặp nạn về với đại dương. Thấy loài động vật cổ xưa, quý hiếm lại có cơ hội vẫy vùng với sóng biển, ai cũng ấm lòng. Đây cũng chính là phần thưởng, mức lương lớn nhất đối với những người mang trái tim thiện nguyện ở miền chân sóng.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/cuu-tinh-cua-rua-bien/179198.htm